Phía sau thành công của 5 ‘thần đồng đất Việt’

Phía sau thành công của 5 ‘thần đồng đất Việt’
TP - Cùng gặp nhau ở chương trình Thần Đồng Đất Việt, cùng “hội quân” ở lớp Toán đặc biệt của thầy Trần Phương, cùng “giải ngon” đề thi Toán đại học, Ngô Đặng Hải, Nguyễn Minh Thắng, Phạm Tiến Long, Hoàng Minh Sơn và Lê Nguyễn Vương Linh có nhiều kỉ niệm đằng sau thành tích học tập. 

Trong số năm học sinh lớp 6 giải được đề thi Toán tại kỳ thi ĐH 2007 - 2008, Nguyễn Minh Thắng ở xa nhất - thị xã Thái Bình. Để theo học lớp Toán của thầy Phương vào chiều Chủ nhật hàng tuần, sáng Chủ nhật nào hai bố con Thắng cũng lóc cóc ra đón xe lên Hà Nội.

10 giờ từ Thái Bình đi. Khoảng 12 giờ 30 đến Hà Nội. 14 giờ vào học. 17 giờ 30 tan. 18 giờ đi xe ôm ra bến xe Giáp Bát, đón xe về Thái Bình. Suốt chín tháng trời, ngày nắng cũng như mưa, bão bùng cũng như nắng gắt, hai bố con rong ruổi trên quãng đường hơn 100km để “tầm sư học đạo”.

“Cứ “thủ” hai chiếc áo mưa trong cặp là bố con yên tâm lên đường. Đến nơi, trong lúc ngồi chờ con  lên lớp, chẳng có việc gì làm, nhiều khi tôi cũng... học luôn cùng các cháu” - Anh Nguyễn Văn Dương, bố em Thắng cho biết.

Anh Dương bảo, mỗi lần đón xe Thái Bình đi Hà Nội, rồi Hà Nội ngược Thái Bình, bố con tiêu hết khoảng 200.000 đồng. Một tháng bốn lần ngược - xuôi, xuôi - ngược, vị chi hai bố con mất gần triệu bạc.

Thấy gia đình Thắng quyết tâm, thương cậu học trò cưng thông minh vất vả, thầy Phương đã xin cho Thắng lên Hà Nội học lớp 7A1, trường THCS Nguyễn Trường Tộ. Ở nhà cùng thầy, ăn uống cùng thầy, Thắng được thầy “luyện” trí thông minh tương tác, văn hóa ứng xử..., bằng cách cho em đọc những cuốn sách như: Cảm nhận cuộc sống qua 210 câu chuyện, 149 câu chuyện thấm đẫm tình người, 91 điều dành cho người thành đạt, 100 truyện ngụ ngôn ảnh hưởng đến sự thành công...

“Đọc xong, tôi ngồi nghe Thắng tóm tắt lại nội dung của từng phần, sau đó cùng trao đổi và rút ra bài học để áp dụng vào thực tế” - Thầy Phương nói.

Thầy giáo được biết đến với phương pháp “truyền đạt kiến thức toán học theo chiều thẳng đứng thay vì bò ngang trên mặt phẳng” này còn cho biết, vừa xin cho Thắng học lớp hùng biện để giúp em dần định hình văn hóa ứng xử.

Cũng từ khi lên Hà Nội, Nguyễn Minh Thắng học cùng lớp với Hoàng Minh Sơn. Ngày nào, bố của Sơn cũng đi từ Minh Khai qua Thái Hà đón Thắng đi học, đến chiều, lại đón hai đứa về. “Từ nhà tôi lên chỗ thầy Phương mất khoảng 20 phút, hai cháu học cùng lớp, lại thân nhau từ lớp học của thầy Phương nên tôi coi Thắng như Sơn vậy” - Anh Hoàng Văn Tùng, bố Sơn, tâm sự.

Phía sau thành công của 5 ‘thần đồng đất Việt’ ảnh 1
Từ trái qua: Hoàng Minh Sơn, Lê Nguyễn Vương Linh, Ngô Đặng Hải, Nguyễn Minh Thắng, Phạm Tiến Long và thầy Trần Phương.

Hồn nhiên

Phạm Tiến Long giờ đã lên lớp 7 trường THCS Trưng Vương. Lê Nguyễn Vương Linh và Ngô Đặng Hải là học sinh lớp 7C và 7A của trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Đôi bạn Hoàng Minh Sơn - Nguyễn Minh Thắng là thành viên của lớp 7A1, trường THCS Nguyễn Trường Tộ. Tất cả đều học ở Hà Nội. Dù không cùng trường, ít gặp nhau nhưng mỗi lẫn “hội quân” ở nhà thầy Phương là căn phòng kiêm lớp học ngày trước lại ắp tiếng cười đùa.

Có lẽ, các em hợp nhau vì có nhiều điểm tương đồng: Cùng đam mê môn Toán, cùng học tốt môn Toán (hầu như các bài kiểm tra trên lớp môn Toán của năm em đều là 10 điểm), cùng có duyên “tương ngộ” tại cuộc thi Thần đồng Đất Việt của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và lớp dạy Toán của thầy Phương, cùng giải thành công đề thi đại học... Đặc biệt, các em cùng sự hồn nhiên, vô tư, trong sáng của lứa tuổi học trò.

Hải “Voi” bảo, em thích chơi bóng rổ, chơi giỏi bóng bàn (có khi thắng cả chú và bố). “Tô Xì Lòng” (cách nói lái của biệt danh Long tồ - PV) khoe đang học đàn organ, thích cùng bố từ nhà ra sân của Đại học Bách khoa vào mỗi sáng Chủ nhật để đá bóng. Linh hay chơi cầu lông và bịt mắt bắt dê ở lớp với bạn, rồi tự học tiếng Anh ở nhà. Sơn mê game online. Thắng có hứng với đánh cờ vua và đọc sách.

Nói về bóng rổ, Hải “Voi” - người đạt giải nhì đợt thi năm của Thần đồng Đất Việt - hồn nhiên tâm sự: “Một lần ở trường, chúng em ra chơi bóng nhưng hết sân nên đành mang bóng đá ở bên cạnh. Vì trường không cho đá bóng nên bị bảo vệ đuổi, chúng em chạy tán loạn”. Long thì kể chuyện ngoài việc “xe ôm”, bố em còn kiêm chân nhặt bóng cho đội mỗi khi “xung trận”.

Dù đạt được nhiều thành tích trong học tập, giành nhiều giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố nhưng khi được hỏi các em sau này sẽ theo học ngành gì, tất cả đều hồn nhiên đồng thanh: “Chúng em chưa tính đến!”.

Sáng 11/7/2007, bài thi của năm học sinh (khi đó học lớp 6) giải đề thi đại học môn Toán khối B đã được chấm theo đáp án của Bộ GD&ĐT tại trụ sở báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Hai cán bộ trực tiếp chấm thi là thầy Nguyễn Thượng Võ - cựu giáo viên trường THPT Hà Nội - Amsterdam và cô Hà Thị Duyên - Giáo viên trường THPT Marie Curie (Hà Nội).

Kết quả, em Ngô Đặng Hải đạt điểm cao nhất: 8,25 điểm. Nguyễn Minh Thắng và Phạm Tiến Long đều được 8 điểm. Các em Hoàng Minh Sơn và Lê Nguyễn Vương Linh đạt 7,75 điểm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.