Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi thư đến Tiền Phong

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi thư đến Tiền Phong
TP - Ngay sau khi biết tin về việc Chủ tịch Huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, quyết định trích ngân sách hỗ trợ cho hơn 1500 giáo viên mỗi người 200.000 đồng để ăn Tết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gửi thư đến báo Tiền Phong.

>> Phó thủ tướng băn khoăn vì GV không có thưởng Tết
>> Một huyện miền núi hưởng ứng thư của Phó Thủ tướng

Dưới đây là toàn văn bức thư này.

Kính gởi báo Tiền Phong,

Tôi rất xúc động khi biết tin qua Báo Tiền Phong là Chủ tịch UBND Huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, sau hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Huyện ủy ngày 16/1, quyết định trích ngân sách hỗ trợ 200.000 đồng cho một giáo viên của tất cả 1.573 giáo viên huyện nhà để hỗ trợ chăm lo Tết cho các thầy cô giáo.

Một quyết định đúng lòng dân, ấm tình người. Và đến hôm sau, ba doanh nghiệp là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư & Dịch vụ thương mại và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) quyết định hỗ trợ 1,6 tỷ đồng.

Cựu chiến binh Lê Văn Kiểm, một cựu học sinh miền Nam tập kết, anh hùng lao động, hỗ trợ 300 triệu để cùng chăm lo ngày Tết cho các thầy cô giáo.

Với mức hỗ trợ như trên, sẽ có 11.073 gia đình thầy cô giáo có một cái Tết ấm tình người hơn, sẽ có một mâm cơm đầy đủ hơn để nhớ ơn ông bà tổ tiên, các thầy cô có thể mua được một chiếc áo cho ông, chiếc khăn cho bà hay chiếc quần cho con.

Sẽ có hàng vạn giọt nước mắt chảy xuôi vì hạnh phúc đơn sơ này! Một triệu thầy cô giáo là lực lượng quan trọng nhất, quyết định sự nghiệp giáo dục nước nhà, quyết định tương lai của con em mỗi gia đình.

Đó là một triệu chiến sĩ tiên phong trên mặt trận giáo dục, đang thực thi quốc sách hàng đầu. Nhưng đến ngày Tết, chưa nhiều người nghĩ đến các thầy cô ăn Tết thế nào!

Tết đang sắp gõ cửa mỗi gia đình, đang gõ cửa lương tri của những người quản lý ngành giáo dục.

Chúng tôi rất mong các đồng chí lãnh đạo các tỉnh và thành phố biết các thầy cô ở địa phương mình đón Tết thế nào và góp sức làm cho các chiến sĩ trên mặt trận giáo dục tiếp tục vững bước tiến lên, vì địa phương, cùng địa phương, vì cả nước, cùng cả nước!

Chân thành cảm ơn báo Tiền Phong, báo Dân Trí, báo Tuổi Trẻ, báo Công An Nhân Dân, báo Thanh Niên, báo Người Lao Động, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và tất cả các báo đài khác góp ý xây dựng và làm cho sự nghiệp giáo dục thực sự là vì dân, của dân và do dân.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

TẠ QUANG SUM (Trường THPT Trần Hưng Đạo – Cam Ranh Khánh Hoà)

Lá thư của Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng NGUYỄN THIỆN NHÂN gửi lãnh đạo các địa phương về việc chăm sóc đội ngũ giáo viên nhân dịp tết Kỷ Sửu, là thời sự nóng bỏng trong dư luận cả nước vào những ngày cuối năm.

Sự quan tâm này của người lãnh đạo cao nhất ngành GD – ĐT là một “cái mới” có ý nghĩa rất lớn. Hàng triệu thầy cô giáo không dám mơ con số tiền thưởng lên đến vài chục triệu đồng như nhân viên các ngành kinh tế trọng điểm khác. Nhưng một miếng giữa làng bao giờ cũng hơn một sàng xó bếp.

Nghĩa cử này góp phần đáng kể động viên tinh thần những kỹ sư tâm hồn, những anh hùng vô danh không tượng đồng bia đá mà lâu nay xã hội đã vinh danh thầm lặng. Nó tạo đà cho những quan tâm khác sâu sắc thiết thực hơn của toàn xã hội nhằm vực dậy giáo dục nước nhà.

Chỉ còn mấy tháng nữa năm học sẽ kết thúc, hàng loạt việc lớn đang đè nặng đôi vai người GV : Bảo đảm việc tốt nghiệp cho HS theo cách thực học thực thi; Kiên quyết nói không với bệnh thành tích ; Thay đổi phương pháp giảng dạy nói không với đọc - chép; Cải tiến sinh hoạt học đường học mà chơi – chơi mà học…

Một khi thầy cô giáo không cảm thấy đơn độc trong công việc của mình thì sự nghiệp trồng người thăng tiến, đó là quy luật.

Xin chân thành cảm ơn Phó Thủ Tướng.

Ngọc Lan

Đọc bức thư của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tôi rất xúc động vì tấm lòng của các tổ chức, cá nhân đã chung tay giúp cho cái Tết của các thày cô giáo đỡ đi được phần nào khó khăn. Những giúp đỡ kể trên rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, nó chỉ giải quyết được phần ngọn, còn cái gốc của vấn đề là chính sách của Nhà nước, là sự phân chia lợi ích xã hội một cách công bằng. Giáo dục được coi là "quốc sách hàng đầu", là một nhân tố quan trọng trong việc quyết định sự phát triển của mỗi xã hội.

Nhưng thật đáng buồn khi mà các giáo viên ngoài những lo toan trong công việc, còn luôn phải lo lắng đến miếng ăn, cái mặc hàng ngày. Thu nhập của giáo viên là quá thấp so với các ngành khác.

Việc các tổ chức, cá nhân ủng hộ cái Tết cho một số thày cô giáo xin được khẳng định lại là rất quý, rất đáng trân trọng nhưng thử ngẫm lại xem, tự chúng ta cũng thấy có chút nào đó tủi thân không.

Biết là mọi việc không thể thay đổi một sớm một chiều cả một hệ thống quản lý, chính sách còn nhiều bất cập. Song, với tư cách là một nhà giáo, tôi tha thiết đề nghị Phó Thủ tướng với trách nhiệm, lương tâm của mình hãy có những quyết sách lâu dài, ổn định để thu nhập của nhà giáo được xứng đáng với vai trò, công sức họ đã bỏ ra.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng, xin chúc Phó thủ tướng mạnh khỏe, hạnh phúc.

Chi Mai : Không thể chờ đến tết mới nghĩ

Đọc những bài viết về "tiền tết " của các thầy giáo và cô giáo đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa tôi cảm thấy bùi ngùi và xúc động. Để các thầy giáo, cô giáo được đón một cái tết vui vẻ và đầy đủ là trách nhiệm của mọi người và của toàn xã hội.

Không thể để cái cảnh tiền tết của giáo viên không bằng trợ cấp tết cho người nghèo của Chính phủ. Dù rất cảm động, nhưng có lẽ với cách làm vận động mọi người đóng góp " tết" cho giáo viên của Phó Thủ tướng e rằng chưa phải là giải pháp căn cơ.

Theo tôi nghĩ Chính phủ cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng với giáo viên chứ không thể để đến tết mới nghĩ đến. Đó mới là chuyện mà Chính phủ phải lo và lo cho kỳ được.

Phạm Thị Xuân

Tôi là một độc giả ngày nào cũng đọc Tienphongonline, tôi rất cảm động khi đọc những phóng sự về cuộc sống của các thầy cô giáo và các em hc sinh vùng cao. Tôi mong muốn Tienphongonline làm nhịp cầu quyên góp những đồ dùng học sinh, quần áo cũ, tiền... để giúp đỡ những em học sinh vùng cao.

Tôi thấy xung quanh tôi và ngay cả bản thân gia đình tôi có rất nhiều đồ dùng hãy còn mới nhưng đã thay không dùng đến nữa (ví dụ như quần áo trẻ em còn mới nguyên nhưng chật). Tienphong Online đến mọi vùng của đất nước hãy làm nhịp cầu chuyển những đồ dùng này đến cho các em học sinh vùng cao đang gặp khó khăn.

Tôi mong rằng ý kiến nhỏ này của tôi sẽ thành hiện thực và tôi được góp một phần nhỏ để giúp đỡ các em học sinh và thầy cô giáo vùng cao. Kính chúc Ban Biên tập một năm mới mạnh khoẻ và mang nhiều thông tin đến cho độc giả.

Phạm Ích Việt

Tôi thật sự cảm động khi đọc thư của Phó thủ tướng về việc thưởng Tết cho giáo viên. Nhưng tôi thiết nghĩ, để làm được điều đó thì các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội cần có những suy nghĩ và những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này!

Dù tiền thưởng tết là không nhiều nhưng cũng góp phần thể hiện sự quan tâm của xã hội và chính sách của nhà nước đối với những kỹ sư tâm hồn.

Nguyễn Thanh Long

Tôi rất xúc động khi đọc những lời thư của Ngài Bộ Trưởng, tôi kính chúc Ngài và gia đình năm mới nhiều sức khoẻ và hạnh phúc để ngày càng chăm lo cho sự nghiệp của nước nhà. Cám ơn các báo đài đã cùng chung vai trong sự nghiệp này; hy vọng mỗi người dân Việt Nam sẽ cũng chung sức đóng góp cho xã hội ngày càng phát triển và giàu mạnh.

Một giáo viên giấu tên : gia đình tôi ăn tết chỉ gói gọn có 780.000 nghìn đồng

Nghề nào cũng vậy cũng cần có thu nhập đảm bảo cuộc sống gia đình .Thế mà giáo viên thì đồng lương bèo bọt không thể đủ cho cuộc sống gia đình làm sao yên tâm công tác .Mà lượng công việc không hề nhỏ đi suốt ngày tối về lại phải bò ra mà soạn bài .Nhiều lúc bản thân cảm thấy rất nản nhưng không biết làm sao.

Tết lại sắp đến, nghe tiền thưởng của các công ty mà thấy tủi, gia đình tôi ăn tết chỉ gói gọn có 780.000 nghìn đồng.

Hà Thị Hường

Tôi là một công chức Nhà nước, sống ở thị xã công nghiệp phát triển và sôi động nên lương tháng chưa đủ trang trải tiền điện thoại, tiền xăng xe và đám xá bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng đọc những bài viết, xem những hình ảnh về thầy và trò ở những vùng sâu, vùng xa trên Tiền phong Online mới thấy những gì mình đang được hưởng đã là quá hạnh phúc so với vô vàn những hy sinh của lớp lớp các thế hệ giáo viên ở nơi khó khăn.

Ngày Tết ngồi nhìn từng đoàn người thay nhau đến "chúc Tết" lãnh đạo chợt chạnh lòng tự hỏi: có bao giờ những thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa biết đến khái niệm "chúc Tết"?

Ngô Văn Hạ

Qua bức thư của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, việc tiền thưởng tết là chính đáng và đáng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chúng ta biết rằng ngành Giáo dục, nhân viên trong ngành giáo dục, ngoài việc lên lớp và ngoài đồng lương hàng tháng họ không còn nhận được gì để phụ thêm tiền tàu xe hoặc quà tết nhân dịp tết đến.

Trong khi đó các doanh nghiệp nhà nước thì lúc nào cũng kêu lỗ nhưng lương thưởng lại rất cao. Thiết nghỉ tại sao chúng ta không làm được điều gì đó mang tinh thần lại cho bao gia đình và bao người thầy cô giáo đang ngày đêm công tác trên những vùng núi sâu xa, mờ mịt, sốt rét cận kề để giảng dạy, đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam, cho những con người tương lai của Tổ quốc ?

Mong rằng qua, cuộc vận động của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân Đảng và Nhà nước cùng các nhà hảo tâm quan tâm để góp phần làm cho ngày tết đối với các gia đình nhà giáo được vui hơn.

Trần Thị Thuỷ

Tôi thật sự xúc động khi đọc được những dòng thư tâm sự của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi đến báo Tiền Phong. Quả thật với mức lương như hiện nay đối với các thầy cô giáo thì quá khó khăn. Nếu như các doanh nghiệp có tiền thưởng thì đối với các các thầy cô giáo ngoài đồng lương ra không có tiền gì khác. Đặc biệt vào dịp tết đến gần.

Nếu cứ như vậy thì có lẽ ăn tết đối với các thầy cô cũng phải "tiết kiệm chi" mà thôi. Cả năm vất vả bên giáo án, cả ngày lên lớp tối về ngồi bên giáo án. Phải trong ngành thì mới thấy được sự vât vất vả của những người làm thầy, cô như thế nào.

Quả thật tôi rất đồng tình với việc Chủ tịch Huyện Thanh Sơn, Phú Thọ quyết định trích ngân sách hỗ trợ cho hơn 1.500 giáo viên mỗi người 200.000 đồng để ăn tết. Và tôi cũng hy vọng rằng Đảng, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ hợp lý cho các nhà giáo để họ có thể cải thiện được cuộc sống của chính mình.

Quốc Bình

Có lẽ trong mọi người chúng ta đều đã là học sinh,được ăn học và tiếp nhận kiến thức từ các thầy, cô giáo. Không ít những người đã trưởng thành.

Tôi cũng như các bạn, song "không may" là có vợ giáo viên nên thấu hiểu điều mà Phó Thủ tướng băn khoăn. Vâng, đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước không còn hạn hẹp, cái đau xót nhất là có một số nơi quyên góp cho các thầy cô có thêm khoản tiền Tết!

Đất nước và xã hội đang trông mong vào thế hệ trẻ mà ngày nay các em đang còn là học sinh. Vậy các thầy cô đã bao nhiêu năm được xã hội tôn vinh thì có nghĩa là họ đã làm các công việc mà xã hội giao phó.

Họ cũng là người và họ cũng cần cái mà mọi người cần, khổ tâm lắm nếu phải nhận những đồng tiền quyên góp như những người dân ở vùng bão lụt. Tôi đọc báo và thấy ngậm ngùi và ái ngại cho các thầy cô giáo ở vùng cao khi được phụ huynh gửi biếu quà bằng cả ổ chó con.

Nên chăng có chính sách thay đổi để làm ấm lòng những người đang vì sự nghiệp trồng người.

Bùi Tuấn Khanh

Hưởng ứng bức thư ngỏ của phó Thủ tướng, ngày hôm nay 20/01/2009 tại huyện Tân Sơn -Phú Thọ là huyện mới thành lập 01/05/2007 là một trong 61 huyện nghèo nhất nước.UBND huyện đã quyết định chi 200.000 đ/1 giáo viên. Thực hiện nhiệm vụ chi tiền tết hỗ trợ cho giáo viên, tại Kho bạc Nhà nước huyện Tân Sơn món quà hỗ trợ trên đã hoàn thành vào 4 giờ 30 phút cho giáo viên trên địa bàn huyện.

Thele

Bài viết của Phó Thủ tướng Nguyễn thiện Nhân rất hay và xúc động. Là người Việt, ai cũng tự hào vì quê hương đất nước mình. Dẫu còn khó khăn nhưng Việt Nam đang vững bước đi lên bằng nội lực, và người dân luôn biết đùm bọc chia sẻ cho nhau. Thật đáng quý biết bao....

Hoàng anh Dũng (Australia) : Cảm ơn Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

Nhân dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam, qua bao đời luôn sản sinh ra rất nhiều người con ưu tú, có tài có đức, và cống hiến hết mình vì quê hương đất nước không màng danh lợi, và cháu thấy thật cảm động trước sự quan tâm tận tình cho nhân dân và cho nghành giáo dục nước nhà của chú.

Khi đất nước khó khăn, nhân dân khó khăn, những người giáo viên nghèo cũng gặp nhiều khó khăn, đó là những khó khăn của trước mắt và tạm thời, cháu tin rằng dưới sự lãnh đạo của chú nghành giáo dục sẽ không ngừng phát triển và sản sinh ra được thật nhiều người con ưu tú, góp phần đưa đất nước Việt Nam phát triển.

Năm 2009 sẽ là năm bản lề và là năm hành động của Việt Nam, đây là năm của cơ hội khi cả thế giới khó khăn là lúc phát huy sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc Việt, một dân tộc càng khó khăn thì càng vùng lên mãnh liệt, nhưng điều đó chỉ thực hiện được khi Việt Nam có được nhiều người lãnh đạo làm việc vì dân nghèo, lo cho dân nghèo, có nhân có đức và biết phát huy sức mạnh tập thể, sức mạnh của những người tài năng.

Chúc chú Phó Thủ tướng một năm mới có thêm nhiều sức khoẻ để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thuyền trưởng ngành giáo dục chèo lái con tàu giáo dục đi đúng hướng và vượt qua mọi sóng gió.

Nguyễn Quảng

Là một giáo viên có 31 năm dạy học, thường xuyên nghe nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, thế mà đến Tết đội ngũ nhà giáo phải trông chờ vào lòng hảo tâm của mọi người... Hãy trả lương cho họ đúng theo những gì họ xứng đáng được hưởng.

Hoàng Ngọc Bích : Cần có một chính sách cụ thể

Theo tôi cần đưa ra một chính sách cụ thể đối với giáo viên ở các cấp, chứ không phải đợi đến gần Tết, khi mà có nơi thưởng đến hàng trăm triệu mỗi người thì mới nhìn đến giáo viên, rất nhiều người không được thưởng Tết.

Thiết nghĩ giáo dục mầm non và tiểu học cũng vô cùng quan trọng, nếu không được giáo dục tốt ở bước này thì sẽ cho ra lò những sản phẩm không tốt cho xã hội sau này. Vậy mà đối với giáo viên mầm non lại không có thưởng Tết?

Nói rộng ra Bộ trưởng có lẽ nên làm một chuyến vi hành đến miền núi thì mới thấy được giáo viên ở đó sống như thế nào? Còn giáo viên nói chung hiện nay cũng vậy, từ bậc mầm non đến bậc Đại học nếu cứ trông vào đồng lương thì có lẽ cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn.

Theo tôi, cần có một nghiên cứu về cuộc sống giáo viên hiện nay, xem họ thu nhập từ những nguồn nào? Họ cần gì? Để đưa đến một quyết sách lâu dài cho đường lối giáo dục VN.

Nếu không đủ thu nhập thì họ không thể yên tâm công tác và nghiên cứu và đương nhiên chất lượng giáo dục sẽ không tốt. Ở các nước có nền giáo dục phát triển thì giáo viên không phai lo cơm áo gạo tiền như chúng ta hiện nay.

Kiến nghị: Nên có một khung lương riêng cho ngành giáo dục thì chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng giáo dục, để các thầy cô yên tâm cống hiến.

Hoa tinh yeu

Đọc thư của Phó Chủ Tịch nước, tôi thật sự xúc động vì sự quan tâm của ông đối với các thầy cô giáo trong dịp tết Nguyên Đán. Qủa thật so với các ngành nghề khác, thì cuộc sống của các thầy cô giáo còn gặp nhiều khó khăn nhất là những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Trong khi các ngành khác vào những dịp lễ tết hoặc ngày kỉ niệm của ngành, họ đều được thưởng, được quan tâm thì các thầy cô giáo làm nghề dạy học đôi khi lại thấy chạnh lòng và buồn, ngay cả ngày 20/11 là ngày kỉ niệm nhà giáo họ cũng chẳng có gì, nhất là những giáo viên ở vùng sâu vùng xa.

Thật ý nghĩa biết bao nếu như các cấp, các ngành quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên, điều đó cũng chính là nguồn động viên to lớn đối với các thầy cô giáo để họ có thể tiếp tục với sự nghiệp "Trồng người" của mình.

MỚI - NÓNG