Phó Thủ tướng: Phải tổ chức một kỳ thi bớt nhiêu khê nhất

Phó Thủ tướng: Phải tổ chức một kỳ thi bớt nhiêu khê nhất
TPO - Về vấn đề đổi mới thi cử, tuyển sinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quan trọng nhất là phải đảm bảo tổ chức một kỳ thi rõ ràng, công bằng, bớt nhiêu khê nhất...

Bộ Giáo dục cần “xông vào làm”

Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2014 sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra các vấn đề cụ thể được người dân hết sức quan tâm và mong muốn lãnh đạo các trường ĐH, CĐ nói riêng, cũng như ngành Giáo dục tập trung giải quyết.

Phó Thủ tướng cho rằng, người dân quan tâm “con tôi, cháu tôi học ở trường nào là phù hợp nhất, ra trường có việc  làm, có thu nhập tốt. Học ở trường nào ra thì có cơ hội học tiếp, có cơ hội thăng tiến hơn. Vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải xác định rõ hệ thống giáo dục, phân tầng, xếp hạng các trường đại học thế nào”.

Về vấn đề đổi mới thi cử, tuyển sinh, phương án một kỳ thi quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quan trọng nhất là phải đảm bảo tổ chức một kỳ thi rõ ràng (thi cái gì, thi như thế nào); công bằng, bớt nhiêu khê nhất; cuối cùng là tổ chức thi thế nào để tạo động lực học tập cho học sinh.

Cũng theo Phó Thủ Tướng, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc để công bố công khai, trước dịp khai giảng năm học mới.

Kỳ thi có 2 mục tiêu vừa làm căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông, vừa làm căn cứ cho các trường làm công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Trước thực tế tỷ lệ tốt nghiệp THPT hiện rất cao, thì trước mắt, kỳ thi quốc gia nên được thiết kế để làm căn cứ đáng tin cậy cho tuyển sinh ĐH. Về lâu dài, khi kiểm soát chất lượng đầu vào các trường ĐH tốt lên, các trường tự chủ hơn và quản lý chặt chẽ chất lượng đầu ra như nhiều nước trên thế giới thì lúc đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đóng vai trò chính (cứ tốt nghiệp THPT là có thể ghi danh vào các trường đại học).

Trong quá trình triển khai có thể nảy sinh vướng mắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt hành động, “xông vào làm với tinh thần làm đến đâu gỡ đến đấy, không quá cầu toàn”, Phó Thủ tướng nói.

Các hiệu trưởng “hiến kế”

Tại Hội nghị, đa số lãnh đạo các trường đều ủng hộ một kì thi quốc gia trong năm tới. Trong đó, nhiều ý kiến nghiêng về phương án 2 (trong ba phương án) mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến.

Ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, phương án 2 phù hợp, tối ưu, giúp cho các trường vừa xét tuyển phổ thông, vừa tuyển sinh ĐH. Đây cũng là phương án gần với hình thức thi cử mà các nước láng giềng đang thực hiện.

“Nếu tổ chức phương án 2, có 3 vấn đề cần quan tâm gồm ra đề, coi thi, chấm thi. Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT ra đề như thời gian qua là tối ưu. Vấn đề coi thi và chấm thi kết hợp giữa Sở GD&ĐT và trường ĐH là rất tốt", ông Nam cho biết thêm.

Góp ý về đổi mới kì thi trong năm tới, ông Nguyễn Hội Nghĩa – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia HN, đồng tình với phương án 2, tuy nhiên đề nghị thay vì thi Ngữ văn sẽ thi môn Tiếng Việt. Vì ngôn ngữ mới là mẫu số chung cho tất cả các ngành khoa học, còn văn, cảm thụ, cảm xúc thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội Nhân văn.

Ông Nghĩa cũng bày tỏ, đồng ý với cách thức tổ chức thi theo phương án của Bộ GD&ĐT, nhưng cần cân nhắc để làm sao mang được tính nghiêm túc của kỳ thi ĐH vào cách tổ chức theo cụm.

Đổi mới khâu đề thi

Ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, băn khoăn khi cho rằng, việc xác định phương án thi môn nào trong dự thảo phương án thi THPT Quốc gia của Bộ GD&ĐT không khó khăn lắm: “Nhưng vấn đề khiến các trường ĐH, CĐ lo lắng là tổ chức thi như thế nào để có được kết quả đáng tin cậy chứ không dừng lại ở kì thi tốt nghiệp phổ thông”.

Với những trường khối Y Dược nói chung, những năm gần đây, tuyển sinh đầu vào rất nóng. Mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục là chỗ dựa cho các trường, đặc biệt trong việc làm ngân hàng đề để các trường Y có thể sử dụng”, ông Tú đề nghị.

Ủng hộ phương án 2 của Bộ, ông Đặng Kim Vui – Giám đốc ĐH Thái Nguyên nêu quan điểm: Đổi mới hai kỳ thi thành một kỳ thi quốc gia là  hợp lý. Tuy nhiên, cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp. Xét hai kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp PTTH, đã có nhiều đổi mới, đã bớt căng thẳng nhưng vẫn còn tốn kém cho xã hội. Việc tổ chức một kì thi hoàn toàn đúng đắn và có thể thực hiện được  ngay trong 2015.

Ông Vui nhận xét, phương án 2 phù hợp để có thể kết hợp xét tốt nghiệp và lựa chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu kiến thức cơ bản và một số yêu cầu tuyển sinh vào các ngành ĐH đặc thù. Tuy nhiên, cần có đội ngũ chuyên gia, tổ chức hội nghị để xây dựng quy chế và cách thức làm.

Trong đó, cấu trúc đề thi rất quan trọng. Đề thi cần có phần kiểm tra kiến thức để đảm bảo xét tốt nghiệp phổ thông nhưng cũng phải đạt độ phân hóa để các trường ĐH xét chọn.

“Tôi tin rằng Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng quy chế, giao quyền tự chủ cho các tỉnh. Có thể, đưa các trường ĐH, giảng viên ĐH vào tham gia vào công tác coi thi, chấm thi, thanh tra kiểm tra. Như vậy ta giảm tải được một kỳ thi, tiết kiệm.

Ta sẽ có những môn thi cốt lõi, còn lại có môn thi tự chọn, các môn rộng hơn để các ngành xem xét và lựa chọn. Bộ cần xây dựng quy chế, và tin rằng sẽ làm được trong năm 2015”, ông Vui nhận định.

Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ 2014, Bộ GDĐT sẽ lấy ý kiến của các trường về việc lựa chọn phương án tổ chức kỳ thi quốc gia trong 3 phương án Bộ đưa ra trước đó, gồm: Thi môn thi theo kiểu truyền thống/thi theo bài thi/kết hợp môn thi và bài thi. Ngoài ra còn các vấn đề liên quan đến cách tổ chức kỳ thi; công tác coi thi, chấm thi với sự tham gia của giáo viên các trường ĐH, CĐ.

Đối với phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường sẽ thảo luận về việc không áp dụng các khối thi như các kỳ 3 chung trước đây. Các trường CĐ, ĐH sẽ thông báo trước những môn thi, bài thi sẽ được sử dụng kết quả để xét tuyển vào từng ngành khác nhau nhằm giúp thí sinh biết và lựa chọn phù hợp.

3 phương án như sau:

Phương án 1, tổ chức thi với 8 môn thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải bắt buộc thi 4 môn, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số 5 môn thi còn lại. Ngoài 4 môn này, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác để sử dụng kết quả vào việc tuyển sinh ĐH-CĐ.

Phương án 2, sẽ tổ chức thi với 5 bài thi, trên cơ sở tổng hợp từ kiến thức, kỹ năng của 8 môn học toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Các bài thi gồm bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ, bài thi tự nhiên (tổng hợp từ các môn học vật lý, hóa học, sinh học) và bài thi xã hội (tổng hợp từ các môn lịch sử, địa lý).

Phương án 3 sẽ có 4 bài thi tổng hợp kiến thức, kỹ năng từ 11 môn học của lớp 12 THPT gồm toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, tin học, công nghệ, ngoại ngữ. Các bài thi sẽ gồm bài thi toán-tin ( gồm môn toán và môn tin), bài thi khoa học xã hội ( gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), bài thi khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ) và bài thi ngoại ngữ.

MỚI - NÓNG