Phó thủ tướng đứng lớp, Hiệu trưởng làm học viên

Phó thủ tướng đứng lớp, Hiệu trưởng làm học viên
TPO - Giảng viên là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, còn học viên là 35 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ - Hiệu trưởng các trường đại học.
Phó thủ tướng đứng lớp, Hiệu trưởng làm học viên ảnh 1
Ông Nguyễn Thiện Nhân đứng lớp

Mở đầu buổi học, “thầy” đến tận bàn bắt tay từng “trò” và nói hài hước: “Chúng ta có ngồi nhầm lớp không?”, làm cả phòng ồ lên. Trong khoảng 2 giờ đồng hồ, nhiều vấn đề liên quan đến bài toán giáo dục Việt Nam đã được đưa ra thảo luận.

Nên cho mở sách khi thi

Theo tài liệu 5 trang giấy do chính Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân viết tay, được cấp cho các học viên, từ 2003 đến 2006, số trường đại học tăng từ 96 lên 139 trường. Cao đẳng tăng từ 119 lên 172 trường (chưa kể các trường cao đẳng không thuộc Bộ GD&ĐT quản lý).

Phó thủ tướng đứng lớp, Hiệu trưởng làm học viên ảnh 2Thầy cô phải giải 4 bài toán: Vì sao Việt Nam là nước rất nghèo nhưng lại thắng Pháp, Mỹ? Làm thế nào để tạo động lực cho giáo dục phát triển? Sử dụng nguồn lực cho hiệu quả và tăng nguồn lực cho giáo dụcPhó thủ tướng đứng lớp, Hiệu trưởng làm học viên ảnh 3
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

Ở các trường đại học, cao đẳng, tỷ lệ giáo sư/giáo viên là 0,83% (năm 2006 là 0,9%). Số giáo viên có trình độ đại học trong các trường đại học, cao đẳng chiếm 46%. Giáo viên có trình độ tiến sĩ và phó giáo sư là 14%... “Điều này gián tiếp cho thấy chất lượng đại học còn thấp” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

Từ thực tiễn này, Phó Thủ tướng nêu ra những bất cập trong giáo dục đại học. Một trong số đó, ông cho rằng, ở ta chưa thoát khỏi phương thức “học thuộc lòng” truyền thống.

“Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, không ai cấm chúng ta mở sách để thiết kế một cái máy hay giải một bài toán kinh tế. Vậy tại sao ở bậc đại học, chúng ta lại cấm mở sách khi thi? Hãy đào tạo như môi trường đi làm. Tức là phải ra những bài tập mà sinh viên dựa vào đó để vận dụng kiến thức. Mình giao bài toán để các em giải quyết vấn đề chứ không phải yêu cầu các em chép lại những định nghĩa đó”.

Từ đó, ông nêu ý kiến, trong giáo dục đại học, đặc biệt là những môn kỹ thuật, nên từng bước chuyển sang hình thức thi cho mở sách. Tất nhiên, thầy giáo phải biết ra đề để học sinh vận dụng tốt chứ không thể bắt học thuộc lòng.

Còn ở bậc phổ thông, Phó Thủ tướng cho rằng, bắt học thuộc lòng cường độ cao thế, sau 2 ngày là các em quên hết. “Nên chăng, một số môn ở bậc học này nên cho mở sách. Toán, Lý, Hóa mở sách đâu có mất gì, bởi các em phải vận dụng. Thi mà hỏi điều trong sách viết 100% thì cuộc sống không cần cái đó”.

Cạnh tranh

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không có chuẩn nhà giáo thì hệ thống giáo dục không thể phát triển được. “Năm nay, sinh viên sẽ được quyền đánh giá thầy giáo. Các nước làm điều này nhiều rồi. Ở Mỹ, nếu 80% sinh viên không đánh giá thì giáo viên đó “có vấn đề” - Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, trong nghiên cứu khoa học cũng phải có sự cạnh tranh. “Ở Singapore, nếu sau 1 - 2 năm giảng viên không có đề tài nghiên cứu thì phải ra khỏi trường, áp lực vô cùng lớn”. Phó Thủ tướng dẫn: Trung Quốc từng đóng cửa nhiều trường đại học không hiệu quả. Singapore cũng cho ngừng hoạt động cả chục trường cao đẳng. Điều đó thể hiện sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, ở nước ta, hầu như chưa có trường nào bị đóng cửa. Sự cạnh tranh giữa các trường trong việc thu hút sinh viên cũng chưa cao.

Liên quan đến việc sử dụng nguồn lực hiệu quả, tăng tính cạnh tranh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải có đánh giá thành tích cũng như hạn chế của hiệu trưởng.

Tăng lực cho giáo dục

Chương trình bồi dưỡng có 2 khoá học, mỗi khoá diễn ra trong 2 tuần (từ 27/8 - 8/9 và từ 3-15/9), 1 tuần học tại Việt Nam và 1 tuần tập huấn tại Nhật Bản.

Nhật Bản tài trợ 9 triệu Yên gồm: chi phí tổ chức lớp, giảng viên từ Nhật sang và 1 tuần cho mỗi khóa tập huấn tại Nhật. Phía Việt Nam chi kinh phí ăn ở đi lại, khoảng 4,4 triệu Yên mỗi khoá. 

Trong quá trình giảng bài, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra nhiều giải pháp để “tăng lực” cho giáo dục. “Chúng ta phải suy nghĩ có cách nào đó học sinh trả học phí cao hơn để trường đại học có điều kiện cung cấp chất lượng giáo dục tốt hơn. Chúng tôi đang tính tới quỹ đi vay. Học đại học không đủ tiền đóng thì đi vay, sau đó lấy thu nhập trả dần”.

Cùng với việc đưa ra giải pháp nhằm tăng ngân sách cho giáo dục đại học đó, Phó Thủ tướng còn chú ý đến việc vận động sự tài trợ của xã hội. Ông cho biết, đã thăm một cơ sở giáo dục của Mỹ với khoảng 4.000 sinh viên, 400 giáo sư, phó giáo sư nhưng có đến 100 nhân viên công tác ở bộ phận vận động tài trợ. Điều đó một phần lý giải tại sao trường đó có đến 4 tỷ USD gửi ngân hàng "làm vốn".

Cùng với đó, việc xã hội hóa giáo dục, những tiêu chí được thành lập trường đại học, cao đẳng, đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, xã hội… cũng là những giải pháp được nêu ra để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục.

Về vấn đề giảm bớt gánh nặng cho giáo dục đại học, "giảng viên" Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải thay đổi tâm lý xã hội về đào tạo bậc dưới đại học. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ thiết kế một chương trình tuyên truyền 3 năm (đến 2010) làm công tác tư tưởng để người dân quý trọng những người không học đại học. Coi việc không học đại học, có bằng trung cấp là điều đáng tự hào.

“Một nền kinh tế bình thường, đa số học sinh tốt nghiệp THPT không vào đại học vì nhu cầu chỉ cần như thế. Có việc làm, có hiệu quả là tốt chứ không nhất thiết phải vào đại học mà sau đó không có năng lực phù hợp, không có việc làm” - Ông Nhân lý giải.

Xuân Mai ghi

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG