Quả bơ = lát pho mai cắt dở, tai và bò = em bé nằm sấp: Bó tay kiểu làm sách ẩu

TPO - Nhiều truyện tranh, sách viết cho thiếu nhi với ngôn từ nhảm nhí, khó hiểu, bạo lực hay minh họa không ăn nhập với nội dung khiến phụ huynh dở khóc dở cười khi mua phải.

Sạn chồng sạn

Mới đây, ca sĩ Thái Thùy Linh đăng lên facebook  cá nhân chia sẻ việc cô mua bộ thẻ học Tiếng Việt bằng hình từ đơn của Nhà xuất bản Dân Trí cho con. Tuy nhiên, khi mở ra học, cả nhà mới “dở khóc dở cười”  khi các tình huống minh họa trong bộ sách không ăn nhập với nhau.

Ví dụ như, để minh họa cho từ “giấy” là một chùm “hoa giấy”, minh họa cho “bơ” là những lát pho mai cắt dở, minh họa cho từ “bố” và “chú” là hai diễn viên nam trẻ đẹp chẳng khác gì nhau. Hài hước hơn, để minh họa cho từ “tai’ và  “bò" là hình ảnh hai em bé chừng 1 tuổi nằm sấp trên sàn, minh họa cho từ “hồng” là một bó hoa hồng và một vệt sơn có màu hồng. Ca sĩ Thái Thùy Linh viết: “Có nên đi gặp nhà xuất bản trả sách và xin lại tiền không?”

Quả bơ = lát pho mai cắt dở, tai và bò = em bé nằm sấp: Bó tay kiểu làm sách ẩu ảnh 1 Từ "Bơ" được minh họa bằng những lát pho mai cắt dở
Quả bơ = lát pho mai cắt dở, tai và bò = em bé nằm sấp: Bó tay kiểu làm sách ẩu ảnh 2

Từ "Tai", và "bò" được minh họa bằng hai em bé nằm sấp như hình

Tương tự, chị Trần Thái Hà ở quận Hà Đông, Hà Nội thường xuyên mua những cuốn truyện thiếu nhi về đọc cho con trai 4 tuổi trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, điều khiến chị Hà bất bình là nhiều cuốn sách được biên soạn cẩu thả, ngôn ngữ sai, hình minh họa không ăn nhập khiến chị nhiều phen méo mặt không biết phải giải thích với con thế nào.

Quả bơ = lát pho mai cắt dở, tai và bò = em bé nằm sấp: Bó tay kiểu làm sách ẩu ảnh 3 Câu từ khó hiểu trong truyện cổ tích

Chị ví dụ, trong cuốn “Bộ quần áo mới của Hoàng Đế” do nhà Xuất bản Dân trí kể về một vị hoàng đế lúc nào cũng thích mặc quần áo mới. Ở trang 3, có dòng: “Một hôm, có hai kẻ lừa đảo đến hoàng cung, tự xưng là thợ may nổi tiếng và nói rằng có thể dệt được loại vải đẹp nhất thế gian, hơn nữa loại vải này có đặc tính kỳ diệu. Ai không làm tròn phận sự hoặc ngu độn quá thì sẽ không trông thấy được”

Chị Hà chia sẻ, sau khi đọc đến đoạn này, chị chững lại không hiểu, còn con trai lại hỏi: “ngu độn là gì hả mẹ?” khiến chị không thể giải thích. Vì thế, theo chị Hà nếu khi mua sách không có thời gian đọc kỹ nội dung thì sau này khi đọc truyện cho con, chị sẽ cẩn thận đọc trước một lượt để soát lỗi. “Có nhiều truyện dùng ngôn ngữ bạo lực hay kết thúc đẫm máu là mình toàn tự nghĩ ra một kết thúc khác để đọc đánh lừa con”, chị Hà nói.

Cách đây không lâu, dư luận cũng choáng váng trước sự làm ẩu của một nhà xuất bản khác khi in cuốn Truyện cổ tích Việt Nam tập 1, trong câu chuyện Thạch Sanh có đoạn tả cảnh giết trăn tinh có viết: “Thạch sanh giơ búa nhè giữa đầu trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi” .

Hay như một số sách liên kết với một số nhà xuất bản thiếu nhi, phát hành một số cuốn, có nội dung bạo lực như: “Một người sau khi chặt đầu sẽ như thế nào?”, đáp án là: “biến đổi chiều cao”…

Tác động tiêu cực đến trẻ

Cô Võ Thị Hà Thanh, giáo viên dạy môn Ngữ Văn ở Hà Nội cho rằng, văn học có tác động tích cực tới tâm hồn, trí tuệ của trẻ. Chính văn học đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, mở ra cho trẻ một thế giới đầy màu sắc, giúp trẻ biết điều hay lẽ phải cũng như cái thiện, cái ác. Ngược lại, nếu trẻ sớm tiếp xúc với những từ ngữ bạo lực, hình ảnh bạo lực trẻ cũng sẽ bị tác động tiêu cực.

Theo cô Hà Thanh chia sẻ câu chuyện, một em bé học mẫu giáo 5 tuổi nhưng đến lớp thường hay trêu nhau và chửi bạn bằng nhiều từ ngữ khó nghe. Khi cô giáo tìm hiểu ra thì hóa ra, em bé này ở nhà thường xem nhiều phim, game. “Nói điều này để thấy, tâm hồn trẻ rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi các yếu tố trẻ được tiếp xúc”, cô Thanh nói.

Theo số liệu của Cục xuất bản, in và Phát hành, tính đến năm 2015, có đến 358 ấn phẩm vi phạm, trong đó có 129 xuất bản phẩm vi phạm nội dung bị xử lý.

MỚI - NÓNG