Quá nhiều 'điểm 10' gây khó cho các trường khi xét tuyển vào lớp 6

Chậm nhất ngày 30/5, các trường phải công khai kế hoạch tuyển sinh trên website để phụ huynh, học sinh biết. Ảnh: Quý Đoàn.
Chậm nhất ngày 30/5, các trường phải công khai kế hoạch tuyển sinh trên website để phụ huynh, học sinh biết. Ảnh: Quý Đoàn.
"Những hồ sơ có điểm 10 tuyệt đối và các giải thưởng như bơi lội, thi hát có thực chất hay không thì trường không thể kiểm tra được", PGS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm.

Từ ngày 1 đến 15/7, các trường THCS toàn TP Hà Nội sẽ tổ chức tuyển sinh vào lớp 6. Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo, tuyệt đối không thi tuyển, chỉ xét tuyển. Một số trường "hot" như Lương Thế Vinh, Marie Curie, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu, Cầu Giấy, Hà Nội - Amsterdam không giảm độ nóng về lượng hồ sơ đăng ký. 

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ ngày 4/5, trường đã bắt đầu bán hồ sơ xét tuyển. Dù không còn tình trạng phụ huynh xếp hàng mua hồ sơ như năm trước nhưng đến ngày 13/5 đã có hơn 2.000 hồ sơ được bán ra. Với chỉ tiêu tuyển 600, lượng hồ sơ đăng ký đông hơn gấp nhiều lần nên trường sẽ ưu tiên kết quả trong học bạ rồi đến danh sách được cộng điểm, đạt giải cao trong các cuộc thi.

Thầy Cương cho hay, năm học trước trường nhận được hơn 3.000 hồ sơ, trong đó hơn 1.000 đạt điểm 10 tuyệt đối, tức là học sinh đều giành 10 điểm trong các bài kiểm tra học kỳ của 5 năm tiểu học. Cuối cùng, trường phải dùng tiêu chí phụ để xét tuyển là ưu tiên học sinh có giải thưởng trong các kỳ thi theo quy định của Sở. "Những hồ sơ có điểm 10 tuyệt đối và các giải thưởng như bơi lội, thi hát có thực chất hay không thì trường không thể kiểm tra được", ông nói.

Sau khi các em nhập học, trường đã phải dành thời gian để đào tạo lại và "sốc" lại tinh thần để các em bắt nhịp với chương trình lớp 6. Bởi bậc tiểu học chỉ quen đánh giá năng lực, đạt hay không đạt. Nhiều học sinh còn không biết trình bày, không biết làm bài.

PGS Văn Như Cương băn khoăn, không biết các trường tiểu học chấm điểm 10 tuyệt đối kiểu gì mà năng lực học sinh lại không cao như trong hồ sơ, học bạ. Trước đây thông qua thi tuyển, trường có thể chọn được học sinh phù hợp với tiêu chí, giờ đành phó mặc cho các trường tiểu học đánh giá. Chưa kể việc xét tuyển có thể khiến một số phụ huynh "chạy" điểm, "chạy" học bạ, giải này giải nọ nhằm có hồ sơ đẹp cho con. Mục đích xét tuyển là để tránh căng thẳng trong việc luyện thi vào các lớp 6. Nhưng trên thực tế, học sinh phải tham gia thi online, hết cuộc này tới cuộc khác để lấy giải còn căng thẳng hơn nhiều.

Thầy Cương thẳng thắn nêu quan điểm, việc xét tuyển theo quy định các trường phải tuân theo không còn cách nào khác. Ông tính, toàn thành phố có hơn 600 trường THCS, năm ngoái chỉ có vài trường đề nghị được tuyển sinh qua phỏng vấn, trắc nghiệm hoặc là làm bài thi, nghĩa là không đến 1% số học sinh thi tuyển chọn vào. Con số đó không phải là nhiều, nên Sở Giáo dục không cần cấm đoán các trường có hình thức tuyển sinh riêng.

"Tôi vẫn muốn tuyển học sinh qua hình thức nhận hồ sơ kết hợp phỏng vấn. Thông qua hình thức này biết được học sinh có thái độ với gia đình, nhà trường, thái độ với học tập ra sao. Có như vậy, trường mới tự tuyển sinh được học sinh phù hợp với mình", ông nói.

Bà Vũ Thị Nhung, Hiệu phó trường Marie Curie (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, việc xét tuyển tạo điều kiện cho trường được lựa chọn học sinh nhưng cũng có điểm khó là lượng hồ sơ quá đông trong khi chỉ tiêu chỉ 300. Năm trước, trường tuyển với số lượng đó trong khi hồ sơ nộp vào là hơn 1.200. Hiện các trường còn đang thi học kỳ 2 nên đến cuối tháng 5 này, lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển mới dồn dập, dự kiến chỉ có đông hơn chứ không kém năm ngoái. Đến 11/6, trường bắt đầu thông báo danh sách học sinh trúng tuyển vào lớp 6.

Điểm xét tuyển vào lớp 6 Marie Curie được căn cứ theo kết quả học tập ở tiểu học, điểm khuyến khích, điểm ưu tiên. Khi xét tuyển, nhà trường lấy học sinh có điểm cao nhất trở xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. "Không thể tuyển được toàn bộ hồ sơ nộp vào nên nhà trường đành phải ưu tiên trước hết là căn cứ vào học bạ, những em có giải cao cấp thành phố, thi tiếng Anh. Nhà trường rất tiếc cho những em có năng lực thực sự nhưng không có giải thưởng hoặc điểm ưu tiên", bà cho hay.

Theo bà Nhung, những bộ hồ sơ có điểm 10 tuyệt đối không thể phản ánh hết được năng lực thực sự của học sinh, xét tuyển không thể nào có được chất lượng học sinh thực như thi tuyển. Nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến vẫn muốn thông qua thi tuyển để con có thể được vào trường. Dù biết phụ huynh không nộp được hồ sơ cho con không vui vẻ, nhưng quy định chung thì phải theo.

Lãnh đạo một trường THCS cho hay, hầu như trường nào cũng có lớp chọn vì kiến thức học sinh là khác nhau. Dù không cho thi tuyển đầu vào nhưng trường vẫn có cách phân loại học sinh chứ không thể dựa vào hồ sơ xét tuyển được.

Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chậm nhất ngày 30/5 các trường phải công khai kế hoạch trên website để phụ huynh, học sinh biết. Các trường tuyệt đối không được tuyển trước thời gian quy định của Sở. Sau ngày 15/7, các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu được giao phải báo cáo phòng giáo dục để tuyển bổ sung cho đủ số học sinh.

Từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường THCS tuyển sinh đầu cấp theo phương thức xét tuyển, tuyệt đối không được thi tuyển, không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học. Quy định này nhằm giảm tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực cho học sinh tiểu học.

Từ chỉ đạo này, Hà Nội đã yêu cầu các trường thực hiện theo đúng quy định trên. Những trường có hồ sơ đăng ký gấp nhiều lần chỉ tiêu phải tuyển sinh theo phương thức xét tuyển học bạ dựa trên kết quả học tập, rèn luyện 5 năm tiểu học của học sinh và tiêu chí cộng điểm, ưu tiên những học sinh có giải cao trong các kỳ thi, con em chính sách, dân tộc.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG