Quá tải do “học để thi”

Quá tải do “học để thi”
Bộ GD-ĐT đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề giảm tải. Nhưng thực tế việc quá tải đối với học sinh (HS) các cấp vẫn tồn tại và xem ra là vấn đề khó giải quyết.

Năm học này, việc Bộ GD-ĐT quyết định tăng hai tuần thực học đối với HS bậc THCS và THPT là một giải pháp nhắm đến việc giảm liều lượng kiến thức HS phải học trong một ngày, một tuần.

Theo ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, các địa phương có thể xây dựng phân phối chương trình cụ thể trên cơ sở “khung” của Bộ. Nhưng thực tế việc “giao quyền chủ động” này đang khiến nhiều địa phương lúng túng và lãnh đạo ngành GD các địa phương cũng khó kiểm soát được việc thực thi nghiêm túc vấn đề “dãn thời gian để giảm tải cho HS”.

Một số giáo viên (GV) THCS và THPT tại Hà Nội nhận xét: giảm vài tiết/tuần không phải là cách giảm tải. Vì trên thực tế, việc quá tải, hiện tượng nhồi nhét kiến thức cho HS chỉ diễn ra vào thời điểm gần đợt kiểm tra, thi cuối kỳ. Ngoài ra, ở nhiều trường học, GV đã không sử dụng hết thời gian vào việc dạy học do không bị mục đích ôn thi thôi thúc.

Một GV Trường THCS Nguyễn Du Hà Nội cho biết: Tâm lý học để thi từ phía cha mẹ HS đã tác động đến việc điều chỉnh dạy học ở các trường. Ví dụ, gần ngày thi, HS phải học gấp, học dồn, học thêm, nhưng thi xong GV có thúc thì HS cũng học bình bình, cha mẹ HS có tư tưởng để con xả hơi. Thế mới có chuyện các năm học trước, khi thời gian năm học chưa được dãn thì nhiều trường học không sử dụng hết thời gian năm học.

Một HS Trường QM Hà Nội thừa nhận: chuẩn bị thi nhiều bạn phát ốm vì ôn tập, nhưng thi xong chơi dài để chờ tổng kết năm học. Thời điểm kết thúc học kỳ 1 cũng xảy ra một quãng xả hơi tương tự. Với tình trạng trên, việc tăng thêm hai tuần thực học chỉ là giải pháp mang tính hình thức.

Trên bảo nhẹ, dưới kêu nặng

Khi đề cập quyết định dãn thời gian năm học, ông Lê Quán Tần đã khẳng định: “Chương trình không quá tải, nhưng thực tế xảy ra quá tải là do hạn chế về thời gian”.

Ở bậc tiểu học, lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT cùng khẳng định: “Chương trình - SGK mới không hề quá tải đối với HS học một buổi/ngày”. Nhưng thực tế thì sao?

Một cô giáo dạy văn Trường THCS ĐĐ, Hà Nội cho biết: có những phần kiến thức trước đây HS THPT mới học, hoặc có dạy ở THCS cũng chỉ dạy cho HS lớp chọn, đội tuyển HS giỏi. Nhưng bây giờ lại có trong chương trình dạy cho HS lớp 6, lớp 7. Ví dụ như dạng bài yêu cầu cảm thụ văn học đối với HS lớp 6.

Mặt khác, giữa bậc tiểu học và THCS không có tính liên thông, tiếp nối nên HS bước vào bậc THCS bị hẫng. Cô giáo này khẳng định: “Nếu không học thêm bên ngoài, HS không thể đáp ứng được tốt một số yêu cầu của bậc học”.

Một cô giáo khác đang là tổ trưởng bộ môn Trường THCS Trưng Nhị - Hà Nội cũng cho biết: “Khó mà thực hiện đổi mới phương pháp khi GV chỉ lo làm sao chạy cho hết chương trình”.

Tại hội nghị bàn về nhiệm vụ năm học đầu năm, ông Lê Quán Tần đã nhấn mạnh đến việc “GV không nhất thiết phải dạy hết SGK. Thay vào đó, tùy theo đối tượng HS, GV có thể lựa chọn, đi sâu giải quyết những vấn đề cụ thể”.

Tuy nhiên, từ chỉ đạo của Bộ đến việc thực thi ở cơ sở là một khoảng cách lớn. Trong khi HS là đối tượng phải chịu hậu quả nhiều nhất của việc “lệch pha” đó.

Giải thích về điều này, nhiều GV cho biết: “Chúng tôi không dám mạo hiểm lựa chọn, vì sợ bỏ qua những phần HS sẽ phải kiểm tra, thi”. Cũng lại là nguyên nhân học để thi.

Áp lực nhiều phía

Ngoài sự quá tải không thể không thừa nhận ngay trong chương trình,  cách phân phối thời gian học chính khóa, nhất là vào những thời điểm “nóng”-  chuẩn bị thi cử, học sinh còn bị quá tải bởi các áp lực khác: học thêm do yêu cầu của giáo viên, do sự kỳ vọng của cha mẹ.

Những trường hợp học sinh học 3 - 4 ca/ngày hiện nay phổ biến. Theo bác sĩ Đinh Đăng Hòe, khoa thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, gần đây những trường hợp bệnh nhân là trẻ em mắc bệnh trầm cảm, có dấu hiệu stress nặng tìm đến bác sĩ nhiều. Một phần nguyên nhân phổ biến là do áp lực học tập.

Theo Trịnh Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG