Quản lý giáo dục bằng ISO: Vẫn còn quá mơ hồ

Quản lý giáo dục bằng ISO: Vẫn còn quá mơ hồ
TP - Hiện nay, nhiều trường đại học, THPT đã nhận hoặc rục rịch công bố sẽ nhận chứng chỉ ISO. Nhưng, trên thực tế, một số điều không rõ ràng khiến nhiều người khá hồ nghi về hệ thống quản lý trên.
Quản lý giáo dục bằng ISO: Vẫn còn quá mơ hồ ảnh 1
Ảnh minh họa.

Tháng 6/2005, trường ĐH Hàng Hải trở thành trường đại học đầu tiên được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam cấp chứng nhận quản lý giáo dục đạt tiêu chuẩn ISO. Gần đây nhất, ngày 3/5/2007, trường ĐH Tôn Đức Thắng nhận được chứng chỉ ISO 9001:2000 sau một năm công bố vận hành hệ thống quản lý giáo dục theo chuẩn này. Một số trường THPT cũng đã rục rịch công bố sẽ nhận chứng chỉ ISO.

Nhưng, trên thực tế, một số điều không rõ ràng khiến nhiều người khá hồ nghi về hệ thống quản lý trên.

Không nhất quán

Ông Chu Xuân Thành – Hiệu trưởng THPT Ngô Thời Nhiệm (TPHCM) – cho biết: Lĩnh vực áp dụng của hệ thống chất lượng này là tất cả các hoạt động dạy học và dịch vụ của nhà trường. Các hoạt động được hệ thống hóa, quy định cụ thể và chi tiết…

Trường Cán bộ TPHCM cũng rất đề cao hệ thống này. Điều thấy rõ nhất là những lãng phí về giấy tờ, điện nước… trong quản lý hành chính như trước đây đã được giảm thiểu.

Nhưng trường ĐHQG TPHCM, một trường lớn như vậy với nhiều thành viên hiện nay vẫn còn chưa thực hiện hệ thống quản lý bằng ISO. Lý do đưa ra là: ĐHQG TPHCM muốn kiểm định chất lượng trong trường mình thật tốt đã mới tính đến chuyện có áp dụng hệ thống ISO hay không. Thêm nữa, nếu có áp dụng, tất cả các trường thành viên sẽ “tiến” cùng một lúc.

Một lãnh đạo của Cục khảo thí Bộ GD&ĐT cho biết về việc quản lý hệ thống quản lý giáo dục bằng ISO: Bộ GD&ĐT không can thiệp, việc quản lý và vận hành như thế nào là tùy ở mỗi trường.

Thế cho nên, việc quản lý chất lượng giáo dục bằng ISO ở các trường đều không dựa theo một quy chuẩn thống nhất. ĐH Hàng Hải nhận chứng nhận ISO 9001:2000 do Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam cấp. ĐH Đà Lạt được tổ chức BVQI (tổ chức chứng nhận chất lượng quốc tế của Vương quốc Anh) cấp chứng nhận.

Trong khi đó, ĐH Tôn Đức Thắng được tổ chức đánh giá quốc tế Det Norkse Veritan (Hà Lan) chứng nhận và được công nhận bởi Tổ chức quản lý chất lượng (UKAS) của Vương quốc Anh. Trường THPT đầu tiên được chứng nhận ISO 9001:2000 là trường THPT Ngô Thời Nhiệm lại được công nhận bởi tổ chức QMS (Australia).

Vậy đâu là quy chuẩn duy nhất cho các trường? “Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng các trường đại học” gần đây nhất của Bộ GD&ĐT, có 10 tiêu chuẩn và 53 điều. Đây được xem là cách làm khá tốt để các trường có một “bộ khung” từ đó triển khai việc kiểm định chất lượng giáo dục cho riêng mình.

Nhưng trên thực tế, việc triển khai theo hệ thống ISO 9001:2000 tại các trường lại mang tính… tự phát khá cao. Bên cạnh đó, chứng nhận ISO là chứng nhận làm theo quy trình, còn tốt hay không, mức chất lượng nào thì thường chẳng có trường nào công bố.

Con đường còn dài

Khó khăn đầu tiên đối với các trường trong việc thực hiện hệ thống quản lý chất lượng giáo dục bằng ISO là “sức ỳ” của các thành viên còn rất lớn. Đơn cử là việc giáo viên thỉnh giảng không chịu nộp giáo án của mình tại trường cán bộ TPHCM với lý do: Chẳng có trường nào làm như vậy cả!

Ông Thái Bá Cần – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM – nhớ lại: “Hệ thống hiện nay đang vận hành rất tốt và đi vào quy củ. Nhưng giai đoạn đầu, khó khăn lớn nhất của chúng tôi vẫn là tâm lý của giảng viên, những người có liên quan mật thiết đến hệ thống. Bởi, đưa vào hệ thống thì làm việc chặt chẽ, kỷ luật, bao giờ cũng khó làm hơn là làm việc như trước”.

Việc áp dụng quản lý giáo dục bằng hệ thống ISO trong các trường ĐH, THPT mới chỉ ở mức bắt đầu. Đang có rất nhiều ý kiến hồ nghi và dè dặt: Liệu chất lượng giáo dục có được nâng cấp ở mức chúng ta mong đợi? Hay lại lâm vào tình trạng như doanh nghiệp: Có chứng chỉ ISO 9001:2000 nhưng chất lượng lại không tương xứng. Đường đi xem ra còn dài lắm!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.