Quản lý giáo dục: Cần phải thay đổi như thế nào?

Quản lý giáo dục: Cần phải thay đổi như thế nào?
Quản lý là một trong những nguyên nhân đầu tiên được đề cập tại nhiều diễn đàn chính thức khi người ta nói về thực trạng còn nhiều yếu kém của GD&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển cũng thừa nhận, “phải thay đổi cách làm việc và cách quản lý”. Vậy cần phải thay đổi như thế nào?

Đội ngũ cán bộ của ngành GD&ĐT chiếm trên 80% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước. Vì vậy, ngành GD&ĐT là mảng ngành có số lượng cán bộ quản lý (CBQL) đông áp đảo so với các ngành khác.

Theo số liệu của Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng trên 90.000 người tham gia công tác QLGD (chiếm 10% tổng số cán bộ công chức và viên chức toàn ngành). Trong đó, có 10 400 cán bộ ở cấp Bộ, Sở, Phòng và có khoảng trên 80 000 cán bộ ở các trường học. 

Tuy nhiên, hiệu quả quản lý không như mong muốn. Do những yếu kém kéo dài của công tác đào tạo, bồi dưỡng nên chất lượng đội ngũ CBQL hiện đang là mối lo ngại lớn của lãnh đạo ngành GD&ĐT. Đã vậy, hiện nay ngành này còn đứng trước nguy cơ thiếu hụt CBQL (do cơ chế và chính sách không khuyến khích giáo viên phấn đấu thành CBQL).

Trong công tác quản lý, ngành GD&ĐT đang hướng tới tăng cường phân cấp. Về nguyên tắc, tăng cường phân cấp phải đi đôi với tăng cường quản lý. Nhưng trên thực tế, một mặt chất lượng đội ngũ CBQL không đáp ứng nhu cầu đổi mới công tác GD&ĐT; mặt khác, phương pháp quản lý không khoa học.

Hiện nay, các phương pháp quản lý chủ yếu chú trọng vào quản lý theo quy trình. Kết quả chỉ đơn thuần là điểm cuối của quy trình thực hiện. Cách quản lý này không khích lệ được tính tích cực trong đội ngũ mà còn góp phần nuôi dưỡng thói quen quản lý máy móc, rập khuôn và ỷ lại.

Hệ thống đánh giá mang nặng tính hình thức, không có tác dụng đo lường năng lực thực chất của cán bộ. Các tiêu chí đánh giá sơ sài, chung chung, không được lượng hoá dẫn đến kết quả đánh giá phản ánh không trung thực với thực tế.

Một cán bộ quản lý cấp Vụ thuộc Bộ GD&ĐT nhận xét: “Theo cơ chế đánh giá hiện nay thì năng lực và hiệu quả có thể không được đánh giá cao bằng tính cách hài hoà trong tập thể. Tệ hại hơn là dẫn đến bệnh thành tích ảo trong GD”.

Còn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển thì cho rằng, “phải thay đổi cách làm việc và cách quản lý”. Nhưng thay đổi như thế nào? Quản lý theo kết quả hiện nay đang được các nhà quản lý ngành GD&ĐT hy vọng là một giải pháp hiệu quả giúp ngành GD&ĐT tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên.

Trong tiến trình tìm kiếm các biện pháp tăng cường quản lý, Bộ GD&ĐT đã được Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tài trợ để xây dựng Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “ Quản lý theo kết quả trong quản lý GDVN” (tháng 11/2004 – 11/2006). Từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT có rất nhiều những dự  án lớn về chương trình, sách giáo khoa, đào tạo, phát triển bậc học.v.v.. nhưng đây là lần đầu tiên, một dự án về vấn đề quản lý được triển khai.

Rõ ràng, để thúc đẩy cả hệ thống QLGD chuyển động theo hướng đồng bộ, thống nhất, tạo sự thay đổi căn bản trong lề lối quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách GD trên toàn hệ thống đang là một trong những thách thức cần được tháo gỡ. Việc chỉ đạo – điều hành các hoạt động GD thông qua phương thức Quản lý theo kết quả chính là mục tiêu được hướng tới để tháo gỡ thách thức này.

Theo cách giải thích của chuyên gia Ngân hàng Thế giới thì “Quản lý theo kết quả là quản lý theo chất lượng, là khi người ta dùng một hệ thống các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng làm công cụ quản lý, kể cả với đội ngũ cán bộ”. Như vậy, năng lực của đội ngũ chính là một trong hai đối tượng quan trọng (cùng với hệ thống chất lượng GD) trong phương thức quản lý GD theo kết quả.

Hiện tại, dự án đang ở giai đoạn rà soát thực trạng QLGD ở VN. Trong mấy tháng qua, cán bộ dự án đã tổ chức 5 cuộc hội thảo lấy ý kiến của CBQL ở các địa phương như Cần Thơ, Hà Tĩnh, Lạng Sơn... Gần đây nhất - ngày 5/3/2005 – một cuộc hội thảo thứ 6 nhằm thu thập thông tin để qua đó đánh giá thực trạng đội ngũ và phát hiện những vấn đề trọng tâm cần tháo gỡ tại cơ quan Bộ GD&ĐT.

Các ý kiến nhìn chung khá tương đồng với nhận định của dư luận xã hội về thực trạng công tác QLGD cũng như với ý kiến tại 5 cuộc hội thảo ở các địa phương. Bước tiếp theo (dự kiến triển khai từ tháng 4/2005), việc xây dựng Bản đồ tiêu chuẩn năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ dành cho CBQLGD các cấp sẽ được thực hiện.

Sau đó sẽ áp dụng thử nghiệm thí điểm ở một số địa phương thuộc khuôn khổ dự án; đồng thời điều tra đánh giá nhu cầu đào tạo của CBQL, năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo bồi dưỡng CBQL. Kết quả của dự án là phải đề xuất được khung Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, năng lực cần có cho CBQL từ cấp Phó Hiệu trưởng các trường trở lên.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.