Quản lý giáo dục mầm non tư thục bị buông lỏng

Quản lý giáo dục mầm non tư thục bị buông lỏng
Theo bà Nguyễn Lan Hương - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội), hiện chỉ có khoảng hơn 50% nhóm trẻ tư thục trên địa bàn thành phố được cấp phép, còn lại là hoạt động không phép.

>> Bắt giam bảo mẫu dán băng keo vào miệng trẻ

Quản lý giáo dục mầm non tư thục bị buông lỏng ảnh 1
Một nhà trẻ tư ở Hà Nội. Ảnh chỉ có tính minh hoạ: Lao Động

Khó quản lý nhóm trẻ tư thục

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 67 trường mầm non tư thục và 5 trường mầm non dân lập được cấp phép. Đây là những trường đã được phòng giáo dục đào tạo thẩm định về đội ngũ giáo viên (đạt chuẩn từ trung cấp trở lên), cơ sở vật chất đảm bảo an toàn, đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy dỗ trẻ; hiệu trưởng là người có chuyên môn và được UBND quận, huyện cấp phép thành lập trường.

Bà Nguyễn Lan Hương - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) - cho biết, những trường đã được cấp phép đều hoạt động rất tốt, được tạo điều kiện về chuyên môn như các trường công lập khác.

Khi được hỏi về điều kiện phòng học, diện tích lớp... của các trường tư thục, bà Hương cho biết: "Không phải trường tư thục nào cũng có điều kiện thuê được mặt bằng đủ tiêu chuẩn. Họ chỉ có thể thuê lại nhà của người dân, chắc chắn diện tích phòng học sẽ không đảm bảo. Nhưng đó là điều bất khả kháng, chúng tôi vẫn phải chấp nhận, với điều kiện các phòng học đó đủ an toàn cho trẻ, diện tích nhỏ thì số trẻ/lớp phải ít đi".

Tuy nhiên, bà Hương cũng phải thừa nhận rằng, việc quản lý số trẻ/lớp là rất khó.

Đối với các trường ngoài công lập, mức thu hàng tháng được thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo không quản lý mức thu này.

Vài năm trở lại đây, để việc kiểm tra này được minh bạch và rõ ràng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quy định các trường tư thục, dân lập phải tách riêng các khoản thu: Học phí, tiền ăn hàng ngày, tiền học phẩm... chứ không được thu gộp.

Khó quản lý nhất là các nhóm trẻ tư thục (chưa đủ điều kiện thành lập trường). Hiện nay mới chỉ có khoảng hơn 50% nhóm trẻ tư thục được cấp phép, còn lại là hoạt động không phép. Trong số đó, có đến 1/3 là nhóm trẻ tự phát kiểu như "chợ cóc, chợ tạm", thường xuất hiện ở các khu lao động nghèo.

Mặc dù các nhóm trẻ tư thục do UBND phường, xã cấp phép và quản lý, nhưng thực tế cho thấy, việc quản lý này là rất khó. Người lao động chỉ muốn gửi con vào những nơi ít tiền, thời gian trông dài mà ít quan tâm đến việc điểm giữ trẻ đó có được phép hay không, có đảm bảo an toàn cho trẻ hay không.

Bà Hương khẳng định: "Việc phát triển các trường mầm non tư thục, dân lập là hoàn toàn cần thiết, tạo điều kiện cho trẻ được ra lớp, giảm tải cho các trường công lập. Tuy nhiên, chỉ nên phát triển các trường mà không nên phát triển nhóm lớp".

Bỏ ngỏ chất lượng

Vụ việc bé Bảo Trân (18 tháng tuổi) bị cô bảo mẫu của Trường Mầm non tư thục Thiên Thơ dán băng keo vào miệng dẫn đến hôn mê, một lần nữa báo động cho chất lượng của những cơ sở giữ trẻ.

Thực tế cũng ghi nhận, do nhu cầu của người dân, hệ thống các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình tại TPHCM đang phát triển rất nhanh về số lượng. Song, cùng với sự phát triển đó lại là sự buông lỏng quản lý về mặt chất lượng...

Thống kê của ngành giáo dục TPHCM cho biết, hai năm trước (năm 2005), số lượng nhóm trẻ gia đình mới dừng ở con số trên dưới 200 cơ sở. Còn thực tế hiện nay, con số chính thức công bố của Phòng Giáo dục mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, toàn thành phố hiện có 246 trường mầm non, mẫu giáo tư thục và 735 nhóm trẻ gia đình đang nuôi dạy khoảng 200.000 trẻ.

Khi nói về thực trạng nhân lực chuyên môn phục vụ trong lĩnh vực này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đến niên học 2007 - 2008, tại các trường mầm non công lập không hề thiếu giáo viên, bảo mẫu...

Tuy nhiên, đại diện ngành lại thừa nhận một thực trạng, đó là lực lượng giáo viên cho khối trường tư thục vẫn còn là một vấn đề, bởi hầu hết giáo viên tại các trường tư thục được tuyển từ các tỉnh. Trong số đó, nhiều cô ở nhóm trẻ gia đình chỉ được đào tạo chuyên môn theo hình thức, vì khoá đào tạo chỉ kéo dài từ 3 - 6 tháng.

Có thể nói, những nhìn nhận này của phía cơ quan chức năng, cụ thể là ngành giáo dục TPHCM chưa thật chính xác, bởi trong vụ việc vừa xảy ra tại nhóm trẻ gia đình Thiên Thơ thì cô bảo mẫu hoàn toàn chưa qua khoá huấn luyện, đào tạo chuyên môn nào cả, mà trình độ phổ thông cũng chỉ mới dừng ở mức tốt nghiệp tiểu học(!).

Trong khi đó, theo quy định của ngành, để được cấp phép hoạt động, các cơ sở, nhóm trẻ gia đình phải có đầy đủ giáo viên đạt trình độ tối thiểu ở mức trung cấp sư phạm mầm non.

Khi lý giải cho sự cố mới đây, lãnh đạo Phòng Giáo dục mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã cho rằng: Một số trường hợp giáo viên bỏ việc và chủ trường đã phải tuyển bổ sung "cô giáo" khác không có chuyên môn sư phạm.

Các trường hợp này lại được tiếp tục cho đi học các lớp cấp tốc do các phòng giáo dục quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức để những "cô giáo" này sẽ "vừa làm, vừa học vào buổi tối". Nếu không có lực lượng này, các nhóm trẻ gia đình và trường tư thục sẽ gặp nhiều khó khăn vì đã nhận đủ số trẻ vào trường (?).

Với những lời giải thích này, cho thấy cơ quan chức năng cũng chỉ mới quản lý được số lượng, còn chất lượng của "giáo viên" đang rơi vào tình trạng "chạy theo nhu cầu thực tế", nếu không muốn nói vẫn bị buông lỏng!

Thực tế hiện nay, chất lượng dịch vụ của những nhóm trẻ gia đình vẫn đang là mối lo của các gia đình có con trẻ trong độ tuổi mầm non.

Theo Đức Hạnh - Thể Uyên
Lao Động

MỚI - NÓNG