Quản trị ở đại học

Quản trị ở đại học
Ở Việt Nam, các đại học công lập dường như chỉ có trách nhiệm với Nhà nước, còn các đại học ngoài công lập thì hầu như chỉ có trách nhiệm với Bộ Giáo dục và Đào tạo và “người góp vốn”. “Trách nhiệm xã hội” chưa được thể hiện trong cung cách quản trị.

Nền giáo dục đại học Việt Nam, có lẽ chỉ thật sự hình thành từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước, vốn là một nền giáo dục đại học thuần túy quốc lập, được Nhà nước hoàn toàn bao cấp, theo mô hình Liên Xô trước đây.

Rồi, cùng với công cuộc đổi mới về cơ chế kinh tế, từ đầu những năm 90, nhiều trường đại học ngoài công lập đã được thành lập, chính sách thu học phí cũng đã được áp dụng ngay ở các đại học công lập.

Từ đó, nền giáo dục đại học Việt Nam đã bước đầu hình thành một cơ cấu: có sự tách rời tương đối rõ ràng giữa “người cung cấp giáo dục” hay vận hành trường đại học và “người cung cấp tài chính” cho trường đại học (hoặc sở hữu), trong đó có cả sinh viên.

Nghĩa là, đã có sự tách rời vừa đa dạng vừa phức tạp giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng trong các định chế giáo dục đại học. Mặt khác, yếu tố kinh tế - kinh doanh - cạnh tranh cũng đã thể hiện khá rõ trong các dịch vụ cung cấp.

Thế nhưng, cung cách quản trị đại học hiện nay về cơ bản vẫn như cung cách của 20 - 30 năm về trước và phải quản trị như thế nào trong bối cảnh mới thì vẫn còn là một vấn đề đang bỏ ngỏ.

Trên thực tế, hiệu trưởng nhiều đại học của Việt Nam gần như đang toàn quyền quyết định rất nhiều vấn đề mà không có cơ chế kiểm soát độc lập và thực chất.

Trao đổi với chúng tôi, một vị giáo sư cho rằng “chưa có nền tảng lý luận” về vấn đề này và ông đã phải dùng đến chữ “như còn hoang dã” để miêu tả thực trạng quản trị hiện nay trong nhiều cơ sở giáo dục.

Còn GS. Phạm Phụ, Đại học Quốc gia TPHCM, thì cho rằng: “Loại hình trường đại học trên thế giới hết sức đa dạng, từ công lập cho đến ngoài công lập - tư thục, từ cung cấp tài chính công nhưng vận hành tư (publicly funded - privately run) cho đến đại học thuộc công ty, từ “vì lợi nhuận”, “không vì lợi nhuận” cho đến “vì lợi nhuận một phần”... Từ đó, mô hình quản trị đại học trên thế giới cũng hết sức đa dạng.

Tuy vậy, ở hầu hết các đại học đều có sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng nên xu thế chung là có một “hội đồng trường” (HĐT) bên cạnh ban giám hiệu, gần giống như hội đồng quản trị (HĐQT) bên cạnh ban giám đốc ở các công ty cổ phần vậy”.

Cần có những “hội đồng trường” thực chất

Còn nhớ, từ năm 2002, một số giáo sư đã kiến nghị mô hình quản trị đại học với cơ chế HĐT và sau đó Chính phủ đã chấp thuận đưa vào điều lệ trường đại học từ tháng 7/2003. Nhưng cho đến nay, cả nước chỉ mới hình thành khoảng trên 20 HĐT và nhìn chung chưa phải là những HĐT đúng nghĩa.

Ở các nước, HĐT thường là cơ chế quản trị có quyền lực cao nhất ở đại học, có chức năng quyết định những vấn đề chiến lược của nhà trường và cũng là cơ chế kiểm soát độc lập đối với ban giám hiệu, thường có thành phần bên ngoài trường nhiều hơn thành phần bên trong trường. HĐT cũng là tổ chức đứng ra bầu chọn hiệu trưởng.

Còn ở Việt Nam, trong thực tế dường như ban giám hiệu đứng ra lập HĐT(!). Phải chăng vì vậy mà ở các đại học công lập của Việt Nam, chúng ta chưa có những HĐT thực chất?

Ở các đại học ngoài công lập, một số người cứ cho rằng, người góp vốn phải là thành viên của HĐQT, người góp vốn nhiều nhất sẽ là chủ tịch HĐQT. Dường như người ta quên rằng, nhà đầu tư không nhất thiết là người biết quản trị, nhất là quản trị đại học.

Chính vì vậy, ngay ở các công ty cổ phần lớn, có khi HĐQT và cả ban giám đốc cũng chỉ sở hữu khoảng 10 - 20% vốn, trong khi 80 - 90% còn lại là của “bàn dân thiên hạ”. Tách rời quyền sở hữu và quyền sử dụng là một đặc điểm lớn của nhiều định chế tổ chức trong xã hội ngày nay.

Có lẽ, do không có những HĐT thực chất mà ngay cả ở khối đại học công lập cũng chỉ có khoảng một phần ba trường có nộp báo cáo tài chính. Đó là chưa nói đến tính minh bạch trong các báo cáo này. Nhiều trường công có mức thu học phí cao hơn chi phí, lợi nhuận đạt tới 25 - 30% nhưng thành viên HĐT vẫn nói là “không vì lợi nhuận”.

Cung cách quản trị hiện đại

Theo GS. Phạm Phụ, “mức độ tự chủ đại học phụ thuộc vào truyền thống phát triển giáo dục đại học. Trên thế giới, hệ đại học Anh - Mỹ có mức độ tự chủ cao nhất, sau đó là châu Âu, còn ở châu Á, trừ trường hợp Singapore, mức độ tự chủ có thấp hơn.

Tuy nhiên gần đây, Nhật Bản, Malaysia... cũng đã chuyển các đại học quốc lập sang cơ chế là một pháp nhân độc lập có quyền tự chủ cao. Trung Quốc cũng đang đi theo xu thế này”.

Ông cũng cho rằng, nói tự chủ là nói đến mối quan hệ giữa nhà nước và cơ sở đại học, tự chủ cao đồng nghĩa với mức độ can thiệp thấp của nhà nước vào các công việc của cơ sở đại học.

Và, điều cần lưu ý là, tự chủ là “quyền lợi” do đó phải đi đôi với “nghĩa vụ” quản trị đại học sao cho đạt được các mục tiêu của nhà trường một cách có hiệu quả, minh bạch và đặc biệt là “trách nhiệm xã hội”.

Đó là trách nhiệm đối với sinh viên, phụ huynh, thầy cô giáo, người sử dụng, cộng đồng, nhà nước..., thường gọi là “những người có lợi ích liên quan” (stakeholders). Trách nhiệm đó thường được giao cho HĐT chứ không phải là giao cho hiệu trưởng.

Ở Việt Nam, các đại học công lập dường như chỉ có trách nhiệm với Nhà nước, còn các đại học ngoài công lập thì hầu như chỉ có trách nhiệm với Bộ Giáo dục và Đào tạo và “người góp vốn”. “Trách nhiệm xã hội” chưa được thể hiện trong cung cách quản trị.

Hơn nữa, hiệu trưởng thường là những người xuất thân từ nhà giáo, nhà khoa học chứ không phải là nhà quản trị. Trong khi đó, cơ chế quản trị lại chưa rõ ràng, cơ chế kiểm soát độc lập chưa hiệu quả.

Tự chủ đại học lại là một nhu cầu rất cấp thiết để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các cơ sở đại học trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào WTO. Phải chăng, đã đến lúc phải có một cuộc cải cách thực sự trong quản trị đại học?            

Theo Thanh Phương
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

MỚI - NÓNG