Quy hoạch lại trường sư phạm: Cần thiết nhưng bắt đầu từ đâu?

Cần có dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ngành sư phạm tại các địa phương. (Ảnh minh họa)
Cần có dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ngành sư phạm tại các địa phương. (Ảnh minh họa)
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần quyết tâm thực hiện việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm.

Ồ ạt mở trường...

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay, cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên, nhưng có tới 44 trường ĐH, 24 trường cao đẳng, 38 trường trung cấp không phải là trường sư phạm nhưng đang đào tạo ngành sư phạm.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần quyết tâm thực hiện việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm. Bộ sẽ có những buổi làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán sao cho phù hợp. Trong đó, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trường là phân hiệu và trường là vệ tinh.

Với số lượng lớn các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đang đào tạo sư phạm, PGS. Thái Bá Cần, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nhận định: Việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ở các nước có nền đào tạo giáo dục tốt nhất trên thế giới, trường sư phạm được xây dựng và cơ cấu tổ chức ngay trong một trường đại học lớn.

Còn ở Việt Nam thì khác, hầu hết các địa phương đều đua nhau mở các trường đào tạo sư phạm từ cao đẳng đến đại học. Việc mở trường và đào tạo một cách ồ ạt để có nguồn thu cho hoạt động của trường, chứ không quan tâm tới năng lực và phẩm chất nhà giáo, chất lượng “đầu ra” và cơ hội việc làm cho người học sau khi ra trường... Việc năm nay, một số trường lấy điểm chuẩn rất thấp chỉ bằng điểm sàn đại học (15,5 điểm), cao đẳng có trường lấy thí sinh đạt chưa đến 10 điểm/3 môn thi khiến nhiều người lo ngại chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

Cần làm rõ trách nhiệm, tránh buông lỏng!

Việc ngành sư phạm lúc lên cao, lúc xuống “đáy” đã diễn ra nhiều lần trong suốt mấy chục năm qua. Có thời kỳ phải “vơ vét”, chấp nhận tuyển thấp để có giáo viên, còn bây giờ thì hàng nghìn giáo viên ra trường không có việc làm. Tình trạng bất cập này đã tồn tại rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được.

TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Giải pháp quy hoạch, sắp xếp lại các trường sư phạm nghe thì hay nhưng lâu nay chúng ta có làm được đâu. Bởi địa phương nào cũng muốn có trường, trường mở tràn lan nhưng không quan tâm đến định hướng nguồn nhân lực. Chuyện này lặp đi lặp lại nhiều năm qua, nguyên nhân chính là do có sự chồng chéo, lẫn lộn giữa Nhà nước và phân cấp địa phương”.

TS. Khuyến đề xuất: “Để giải quyết tình trạng này thì cần một bài toán tổng thể, có 2 con đường: Một là, Bộ GD-ĐT toàn quyền quản lý từ A-Z giống như ngành công an, quân đội. Hai là, phân cấp triệt để cho địa phương, Bộ GD-ĐT chỉ quản lý nhà Nhà nước về chương trình, chỉ tiêu, chất lượng đào tạo... Hệ thống quản lý giáo viên hiện nay rất lửng lơ, vừa Bộ GD-ĐT, vừa địa phương quản lý và phân bổ con người lại do Sở Nội vụ làm. Tất cả những khâu đó gần như không có sự gắn kết với nhau”.

Vì thế, theo TS. Khuyến thì nên quy tất cả về một mối và phải nêu rõ trách nhiệm thực sự trong việc quản lý sản phẩm do các trường sư phạm đào tạo ra, chứ như hiện nay thả nổi, chả ai chịu trách nhiệm...

Một số chuyên gia giáo dục đề xuất, để cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống của các trường đại học sư phạm thì cũng phải xem xét lại việc một số trường trực thuộc các tỉnh, thành quản lý; số lượng khác lại trực thuộc Bộ GD-ĐT.

Việc làm này nhằm tránh việc quản lý Nhà nước trở nên phức tạp, chồng chéo. Nếu bây giờ cơ cấu lại hệ thống các trường sư phạm có thể ảnh hưởng đến thu nhập của cơ sở giáo dục sư phạm cũng như giáo viên. Vì vậy, cũng phải xem xét lại chế độ lương và phụ cấp ngành nghề cho giáo viên cũng như việc làm cho sinh viên.

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG