Quý IV/2007, hoàn thành phổ cập THCS ở Lâm Đồng: Không khả thi

Quý IV/2007, hoàn thành phổ cập THCS ở Lâm Đồng: Không khả thi
TP - Lâm Đồng đặt kế hoạch đến quý IV/2007 sẽ hoàn thành phổ cập THCS trong toàn tỉnh. Thế nhưng nhiều nhà chuyên môn cảnh báo nếu bằng mọi giá chạy theo thành tích sẽ tạo ra những lổ hổng lớn về chất lượng.
Quý IV/2007, hoàn thành phổ cập THCS ở Lâm Đồng: Không khả thi ảnh 1

Một phòng học tạm bợ tại xã Đồng Nai Thượng (Lạc Dương, Lâm Đồng)

Lâm Đồng còn 28 xã gặp nhiều khó khăn, ách tắc trong phổ cập THCS. Tỷ lệ người trong độ tuổi 15-18 có bằng tốt nghiệp THCS rất thấp, việc huy động học sinh (HS) ra lớp và duy trì các lớp phổ cập vô cùng nan giải.

Huyện Đam Rông có tới 7/8 xã chưa hoàn thành phổ cập. Tỷ lệ người trong độ tuổi phổ cập có bằng tốt nghiệp THCS ở xã RôMen chưa đến 14%, Liêng Sronh khoảng 23%...

Năm 2006, huyện mở được 27 lớp phổ cập với 458 HS nhưng có đến 10 lớp dần tan rã vì chưa có biện pháp tích cực để duy trì.

“Đa số HS ở Đam Rông được huy động ra lớp phổ cập đều trong tuổi lao động. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi nghe tin các bãi vàng ở Đăk Lăk, Đăk Nông hoạt động là họ bỏ học đi làm ngay.

Mặt khác, bình quân cứ 2 tháng phải thay giáo viên một lần bởi lương thấp mà công việc quá khó khăn, vất vả - địa bàn xa xôi cách trở, HS phân tán” – Một cán bộ Phòng giáo dục Đam Rông tâm tư.

Huyện Lạc Dương cũng còn 3/6 xã, Cát Tiên 4/12, Lâm Hà 3/16, Di Linh 4/18 xã chưa hoàn thành phổ cập THCS. Lãnh đạo phòng giáo dục huyện Cát Tiên cho biết tình hình 4 xã còn lại hết sức khó khăn, nan giải: Đồng Nai Thượng chỉ có 7,4% số người trong độ tuổi phổ cập có bằng THCS, xã Mỹ Lâm 44,6%...

Huyện mở được 10 lớp phổ cập với trên 100 em, cung cấp miễn phí toàn bộ sách vở, bút mực nhưng chỉ duy trì được sĩ số ở tuần đầu tiên, đến tuần thứ hai HS bắt đầu nghỉ rải rác khiến nhiều lớp học tan rã dần.

Một cán bộ Phòng GD huyện Lâm Hà cũng cho biết các thôn Hang Hớt, Cổng Trời và Buôn Chuối (xã Mê Linh) rất xa xôi cách trở. Huyện đã từng mở lớp phổ cập ở những nơi này nhưng không duy trì được vì thiếu kinh phí và ý thức học tập của học sinh rất kém.

Nguy cơ tụt chuẩn

Điều đáng lo ngại, nhiều xã đã được công nhận đạt chuẩn đang có nguy cơ tụt xuống dưới mức chuẩn. Nguyên nhân, một số xã chưa có trường THCS nên việc huy động HS vào lớp 6 còn thấp so với tỷ lệ chung.

Chất lượng học tập của HS bậc THCS ở các huyện Di Linh, Lạc Dương, Đơn Dương…  thấp hơn các năm trước. Do đó, số học sinh bỏ học hoặc bị lưu ban dự báo sẽ tăng lên.

Năm học này, chỉ riêng huyện Đơn Dương đã có 132 HS bậc THCS bỏ học (chiếm 6,5%), trong đó xã Tu Tra có 86 HS bỏ học. Lâm Đồng đã đề ra giải pháp tiếp tục mở lớp ở những xã đã được công nhận phổ cập THCS. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nơi không duy trì được các lớp học này.

Nhiều nhà chuyên môn nhận định Lâm Đồng không thể hoàn thành phổ cập THCS trong năm 2007. “Các huyện Đam Rông, Lạc Dương đăng ký đến tháng 7/2007 phổ cập THCS cho 100% số xã là bất hợp lý, cần phải điều chỉnh lại” - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Lâm Đồng Trương Hữu Hiệp nêu ý kiến.

Ông Trương Văn Thu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu phải có biện pháp ngăn ngừa tình trạng các xã tụt xuống dưới mức chuẩn THCS và lưu ý không nên chạy theo thành tích mà phải chú trọng đến chất lượng.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.