Phó chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết:

Quy trình xây dựng sách giáo khoa bị ngược!

Quy trình xây dựng sách giáo khoa bị ngược!
TP- Hiện nay, chúng ta đang xây dựng SGK trước, sau đó mới xây dựng chuẩn sau. Chúng ta đang đánh giá lại, điều chỉnh CT-SGK mới trong khi chưa làm chương trình chuẩn mới. Mà mọi thứ làm ngược lại thì sẽ đem đến kết quả không tốt.
Quy trình xây dựng sách giáo khoa bị ngược! ảnh 1
Học sinh chọn mua sách giáo khoa  Ảnh: Phạm Yên

Ông Trần Chút – Phó hiệu trưởng ĐH Văn Hiến, là người tham gia biên soạn bộ SGK môn Ngữ văn cấp THCS và THPT nhận xét với PV Tiền phong.

Ông Chút nói: Việc đánh giá lại CT-SGK phổ thông này của Bộ GD&ĐT là cần thiết. Theo kế hoạch, năm 2008-2009 là năm phủ kín toàn bộ sách giáo khoa các cấp học, bởi vậy nên có một cuộc nhìn nhận lại về mặt được, mặt yếu, mặt cần khắc phục của bộ SGK đang áp dụng hiện nay.

Vậy theo ông, CT-SGK phổ thông hiện nay đang được xây dựng như thế nào?

Theo đánh giá của tôi, quy trình xây dựng SGK hiện nay là…hơi ngược. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng SGK trước, sau đó mới xây dựng chuẩn sau. Có thể, SGK THPT thì không vướng phải điều này nhưng SGK bậc Tiểu học và THCS thì từ trước đến nay đều dạy đại trà trước rồi mới có chương trình chuẩn. Chúng ta đang đánh giá lại, điều chỉnh CT-SGK mới trong khi chưa làm chương trình chuẩn mới. Mà mọi thứ làm ngược lại thì sẽ đem đến kết quả không tốt.

Với tư cách là người trực tiếp biên soạn SGK môn Ngữ văn, ông có đánh giá riêng gì cho bộ SGK này?

CT-SGK môn Ngữ văn hiện nay có 3 ưu điểm: Thứ nhất là tích hợp được cả 3 phân môn trước đây làm một (Văn học, Tiếng Việt, Làm văn). Tất cả đều thống nhất trong mục tiêu củng cố, nâng cao, hoàn thiện năng lực ngữ văn của thí sinh. Vì mọi năng lực đều phải được thể hiện qua bài làm, bài thi của học sinh.

Thứ hai, SGK gắn với đời sống hơn. Trước đây, Văn học trong nhà trường chỉ là “văn học nghệ thuật”. SGK mới đưa thêm cả văn bản “nhật dụng” (sử dụng hàng ngày). Điều hướng đến chính là kỹ năng tạo ra văn bản. Thứ ba, SGK hiện nay tăng cường thêm tính thực hành để kích thích khả năng tự học.

Trong nhà trường, có một từ rất hay là “dạy học” chính là dạy để học sinh biết cách học, tự học. Những bài văn hướng đến việc cung cấp tri thức đọc, hiểu mà những SGK trước không có. Nhưng bên cạnh đó, SGK môn Ngữ văn lần này cũng bộc lộ một nhược điểm chưa thể khắc phục được: nặng và dàn trải theo chiều rộng mà chưa chú trọng chiều sâu.

Nên nhớ, tôi dùng từ “nặng” chứ không dùng từ “quá tải”. Vì theo đánh giá của tôi, thời lượng hiện nay là vừa phải nhưng học sinh phải học dàn trải ra quá nhiều bài, tác phẩm, tác giả… mà lại học không được kỹ.

Học theo chiều rộng như thế, học sinh dễ rơi vào cảnh “cưỡi ngựa xem hoa”. Sao không thể học theo chiều sâu, để học sinh được “dĩ bất biến ứng vạn biến”, học một bài có thể liên tưởng đến nhiều bài khác. Và để thời gian dư còn lại làm những việc hấp dẫn học sinh hơn.

Và ông nghĩ nên đánh giá lại như thế nào?

Theo những gì tôi đã nói ở trên, nếu đánh giá lại CT-SGK bằng cách đi vào chiều sâu chứ không dàn rộng ra như lâu nay nữa. Một điều cũng cần phải chú ý: CT-SGK càng bám sát nhu cầu xã hội thì càng tốt.

Phó chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết:

Thời gian đánh giá quá gấp gáp!

Đánh giá lại CT-SGK là một việc cần phải làm để xem xét lại mọi việc. Theo tôi, SGK mới đã được tổ chức soạn thảo bài bản hơn. Nó khác với các chương trình khác là vì các CT-SGK trước cải cách giáo dục đều không được duyệt như vậy.

Cũng có nhiều dư luận trái chiều nhau về bộ SGK này. Hội Liên hiệp khoa học Việt Nam sau nhiều cuộc họp đều thống nhất là tốt hơn. Báo chí thì phê bình, nhưng là phê bình những chi tiết. Việc đánh giá lại cần kỹ lưỡng, khách quan để hướng dẫn dư luận. Nhưng xem lộ trình mà Bộ GD&ĐT đưa ra (đến 14/10/2008 các Sở GD&ĐT nộp kết quả về), tôi thấy quá gấp gáp.

Chương trình này đã được biên soạn công phu biết bao nhiêu năm, muốn đánh giá phải có thời gian và có phương pháp đánh giá tốt. Đánh giá gấp gáp như thế chắc chắn sẽ khó chính xác và thống nhất. Đánh giá phải được đo nghiệm và có phương pháp đánh giá khách quan.

Việc Bộ GD&ĐT giao cho 64 tỉnh thành đánh giá chỉ là một cách. Cần phải có sự tham gia của một tổ chức uy tín, có thể tập hợp các chuyên gia như Hội Liên hiệp khoa học Việt Nam chẳng hạn. Họ đã có đánh giá một lần rồi, đánh giá thêm một lần sẽ bài bản hơn.

Tóm lại, tôi đề nghị nên có yêu cầu đánh giá, phương pháp đánh giá, xây dựng bộ đề đánh giá thống nhất. Và nhất thiết cũng nên có một cuộc điều tra xã hội học sâu rộng.  

Đăng Khoa (thực hiện)

MỚI - NÓNG