Quyết liệt ứng dụng CNTT trong giáo dục

Quyết liệt ứng dụng CNTT trong giáo dục
TP - Một trong ba nội dung quan trọng của chủ đề năm học 2008 - 2009 là ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học. Thực hiện nội dung này, Bộ GD&ĐT đưa ra khá nhiều mục tiêu.
Quyết liệt ứng dụng CNTT trong giáo dục ảnh 1
Ông Quách Tuấn Ngọc

Tuy nhiên, theo TS Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT, việc triển khai cụ thể ở các địa phương đến đâu còn phụ thuộc do nhu cầu tự thân và do nhận thức của ngành giáo dục ở địa phương đó. Quan điểm của Bộ GD&ĐT không áp đặt và không chạy theo thành tích.

TS Quách Tuấn Ngọc cho biết: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, triển khai năm ứng dụng CNTT, điều mấu chốt là phải làm rõ được 4 tiêu chuẩn: Nhận thức, công nghệ, kỹ năng sử dụng và hạ tầng.

“Cửa ải” đầu tiên để chủ trương này có được triển khai hiệu quả hay không là vấn đề nhận thức của lãnh đạo ngành GD&ĐT các địa phương, các cơ sở giáo dục và bản thân các giáo viên.

Khó khăn được xem là khó khắc phục nhất trong 10 năm qua chính là hạ tầng viễn thông, cụ thể là kết nối Internet tốc độ cao. Khó là vì số lượng trường thì lớn, trong khi kinh phí không có cơ chế chi cho kết nối Internet và lúc đó giá còn cao.

Năm 1998, ngay sau khi Internet được mở ra tại Việt Nam, chúng tôi (khi đó là Trung tâm CNTT) đã xây dựng một đề án Mạng giáo dục EduNet để nối mạng toàn ngành và phát triển dịch vụ thông tin giáo dục.

Lúc đó tính ra cần 450 triệu USD cho việc này trên quy mô toàn quốc (đây là tổng chi phí xã hội cần chi, chứ không phải kinh phí cho một dự án tập trung). Thực tế là cho đến nay mạng giáo dục không có một đồng USD dự án nào cả.

Thưa ông, được biết trước đây giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Bưu chính - Viễn thông cũng đã có một hoạt động ký kết về triển khai mạng giáo dục và kết nối Internet. Vậy kết quả của việc ký kết này hiện nay đến đâu?

Theo văn bản ghi nhớ về việc triển khai mạng giáo dục và kết nối Internet vào trường học được ký kết giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin & Truyền thông ký ngày 4/4/2003), mục tiêu phấn đấu là đến cuối năm 2004 có 100% trường THPT được kết nối Internet và đến cuối 2005 có 50% trường THCS được kết nối.

Khi đó, chúng ta cũng đạt được mục tiêu đề ra nhưng chủ yếu là kết nối dial up. Sau này mới có ADSL (từ 7/2004). Công đầu trong chiến dịch này phải kể đến Cty VDC thuộc VNPT.

"Trong những ngày qua, tôi thấy nhiều địa phương thuộc địa bàn khó khăn nhưng đã đẩy nhanh tốc độ triển khai, không những nối xong cáp quang về Sở mà còn tập huấn triển khai xong cả hệ thống phần mềm quản lý nhà trường, hệ thống họp qua mạng do Cục CNTT cung cấp và tập huấn. Đó là các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Yên, Hòa Bình, Ninh Bình… và sắp tới là Hậu Giang, Điện Biên, Bắc Cạn, An Giang, Khánh Hòa... Có thể thấy các tỉnh khó khăn rất quyết tâm ứng dụng CNTT vì đó là cách thoát khỏi lạc hậu nhanh nhất, hiệu quả nhất".

Ông Quách Tuấn Ngọc

Còn hiện trạng, theo thống kê của Cục CNTT, đến tháng 7/2008 có tới 62% trường phổ thông chưa được kết nối Internet. Các trường CĐ chủ yếu dùng đường ADSL nhưng tốc độ rất hạn chế. Các trường ĐH trọng điểm thì có kết nối đường thuê riêng leased line nhưng băng thông rất hạn chế, khoảng 512Kbps đến 2Mbps vì giá còn rất cao.

Theo thỏa thuận ký giữa Bộ GD&ĐT và Viettel vừa qua, Viettel miễn phí kết nối Internet tới tất cả trường mẫu giáo, trường phổ thông và các phòng GD&ĐT trên qui mô toàn quốc.

Đến bao giờ tất cả các trường phổ thông và trường mẫu giáo sẽ được hưởng chính sách đặc biệt này?

Số lượng trường phổ thông trên cả nước rất lớn: 27.595 trường cùng 11.509 trường mẫu giáo, trong khi nhu cầu sử dụng Internet và cơ sở hạ tầng máy tính của các trường khác nhau. Do đó, chúng tôi chia các đơn vị thành 3 nhóm khác nhau tương ứng với 3 thời điểm hoàn thành việc kết nối khác nhau.

Nhóm 1 được ưu tiên triển khai từ nay đến 31/12/2008. Nhóm này gồm tất cả các trường THPT; các Phòng GD&ĐT; các Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục cộng đồng; các trường THCS và Tiểu học, mẫu giáo ở những nơi thuận lợi, có đủ điều kiện máy móc và con người, nằm ở vùng có sẵn cáp. Nhóm 2 sẽ triển khai làm trong năm 2009. Nhóm 3 làm trong năm 2010.

Đối với những trường thuộc nhóm 3, ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi, nơi có địa hình phức tạp không thể rải cáp đồng tới được, Viettel đã sử dụng bài toán công nghệ với nhóm trường này bằng giải pháp kết nối qua sóng điện thoại di động GPRS, hoặc EDGE.

Với công nghệ này, tốc độ đường truyền đạt là 50 Kbps - 120 Kbps. Viettel cam kết khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép công nghệ 3G thì tốc độ sẽ đạt 1Mbps.

Đưa nội dung ứng dụng CNTT vào chủ đề năm học, những mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đặt ra để các địa phương đạt tới là gì?

Quan điểm chung của Bộ trưởng chỉ đạo là không nhất nhất chạy theo thành tích. Ở mỗi địa phương, lãnh đạo ngành GD&ĐT của các tỉnh/thành sẽ quyết định mức độ hoàn thành các mục tiêu ứng dụng CNTT của địa phương mình đến đâu. Bởi vấn đề này phải phụ thuộc vào nhận thức, vào nhu cầu, vào điều kiện thiết bị... của từng nơi.

Bộ mong muốn thì nhiều, chỉ đạo quyết liệt nhưng mức độ thành công sẽ phụ thuộc vào từng địa phương. Nếu nhận thức, quyết tâm chưa cao, điều kiện máy móc chưa đầy đủ thì đưa CNTT vào cũng chưa mang lại hiệu quả.

Cảm ơn ông.

Quý Hiên thực hiện

MỚI - NÓNG