Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Quyết tâm làm sáng tỏ sự thật

Ông Trần Ðức Quý (thứ hai từ trái sang) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, và ông Vũ Văn Sử (ngoài cùng bên phải) – Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh này, trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong. Ảnh: Xuân Tùng.
Ông Trần Ðức Quý (thứ hai từ trái sang) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, và ông Vũ Văn Sử (ngoài cùng bên phải) – Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh này, trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - “Chúng tôi quyết tâm làm sáng tỏ sự thật! Và tôi tin cuộc rà soát, kiểm tra này sẽ thành công." – ông Trần Ðức Quý, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, trao đổi với Tiền Phong sáng 15/7.

Nếu phát hiện có sai phạm thì sẽ xử lý rất nghiêm khắc, không loại trừ ai, không có vùng cấm, và đó cũng là bài học để Bộ GD&ÐT đánh giá lại 3 năm tổ chức thi theo hình thức này, nghiên cứu vá lại lỗ hổng trong các khâu thi. Ðây cũng là việc làm rất cần thiết để giữ lấy niềm tin của nhân dân đối với cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang”

Rà soát lại những bài thi đạt điểm cao

Với cương vị Trưởng ban chỉ đạo thi, có mặt trong Hội đồng rà soát quy trình tổ chức thi, chấm thi, xin ông cho biết, ngày đầu rà soát được thực hiện như thế nào?

Bước một, Bộ GD&ÐT đề xuất rà soát toàn bộ các quy trình từ lúc vận chuyển đề thi lên đến Hà Giang, từng khâu, từng bước,từ việc coi thi, thu bài thi, bảo mật, chấm thi...Quy chế của một kỳ thi gồm những bước gì thì Hội đồng thi của Hà Giang báo cáo đầy đủ, sau đó đoàn công tác sẽ nghiên cứu từng việc một, phòng chấm thế nào, phòng bảo quản thế nào, giao nhận đề ra sao, quản lý bài thi khi chấm và từng tổ một, tổ chấm thi tự luận, tổ chấm thi trắc nghiệm...Trong ngày 14/7, Sở GD&ÐT Hà Giang phải báo cáo đầy đủ chi tiết. Và những vấn đề liên quan đến sự bất thường trong quy trình, Ðoàn thanh tra cũng đã đặt vấn đề, đặt câu hỏi để tập trung vào những khâu đấy.

Nếu không có dư luận báo chí, không có chỉ đạo của Bộ rà soát lại, thì bản thân ông có cho rằng kết quả điểm thi năm nay của học sinh Hà Giang có sự bất thường, phi lý không?

Khi có kết quả, học sinh Hà Giang có 2 cháu lọt top 10 thí sinh có điểm cao nhất cả nước, tôi rất mừng vì con em của mình được điểm cao. Mình tự tin là con em mình học giỏi chứ! Nhưng sau đó, tôi cho rằng đây là vấn đề mình phải suy nghĩ. Phải chăng nó không bình thường?!Tôicũng lo điểm này có đúng thực chất của các cháu không?!Hà Giang là tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế xã hội, dân số thì hơn 80% là đồng bào thiểu số. Dư luận xã hội, báo chí họ không tâm phục khẩu phục kết quả đó là có thể hiểu được.

Vì thế, đoàn Thanh tra Bộ GD&ÐTđã kịp thời vào cuộc để cùng Hà Giang rà soát đến nơi, đến chốn. Quan điểm của tỉnh Hà Giang là không từ chối việc gì, quyết tâm phối hợp làm cho rõ, cho ra sự thật để trả lời trước công luận, trước nhân dân. Nếu không làm thì chúng ta sẽ mất lòng tin. Và nếu đúng thực sự các học sinh đạt được kết quả đó thì rõ ràng chúng ta rất hoan nghênh.

Thưa ông, trước đó, Bộ GD&ÐT đề nghị Hà Giang rà soát, sau đó mới vào cuộc tuy, nhiên ngay trong ngày Bộ đã cử lực lượng lên phối hợp. Vai trò của đoàn công tác của Bộ cụ thể trong rà soát là gì?

Sau khi có sự việc, giữa chúng tôi và Bộ có sự trao đổi thường xuyên. Chúng tôi nhận thấy nếu để một mình Hà Giang rà soát việc này thì có thể kéo dài thời gian, vì thực hiện việc này phải có tính chuyên nghiệp. Các anh ở T.Ư có kinh nghiệm, chiều sâu hơn để các anh ấy vào cuộc cùng làm sẽ tốt hơn, và có thêm sự khách quan. Ngoài ra, một lý do nữa là phải rà soát nhanh để kịp ngày công bố chứng nhận kết quả thi cho thí sinh để đăng ký vào các trường đại học.

Ông có niềm tin rằng, cuộc rà soát này sẽ thành công, tức sự thật sẽ được làm sáng tỏ?

Hiện nay,chúng tôi rà soát hết tất cả các khâu, không bỏ sót chi tiết nào. Chúng tôi có niềm tin và quyết tâm.

Sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, cuộc rà soát đơn thuần sẽ rất khó làm rõ chân tướng sự việc. Theo ông, có cần thiết đề nghị lực lượng công an vào cuộc?

Nếu có dấu hiệu sai phạm thì đoàn công tác sẽ phát hiện ra nó ngay. Nhưng có những cái mình không làm được vì phải có nghiệp vụ chuyên sâu. Ðoàn đang rà soát, nếu thấy dấu hiệu cần sự vào cuộc của cơ quan pháp luật thì Hà Giang sẵn sàng đề xuất công an vào cuộc điều tra.

Sau đó, xem kết quả như thế nào,nếu thấy cần thiết khi đó mới tính đến yếu tố khác, có cần sự vào cuộc của nhiều cấp nhiều ngành hay không. Hà Giang kiên quyết làm sáng tỏ để khẳng định quá trình tổ chức thi có cái gì được, cái gì chưa được. Do vậy, Hà Giang không chỉ làm để trả lời dư luận cho xong mà đáp ứng mục tiêu đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Hà Giang và cả nước.

Ðoàn có rà soát lại những bài thi đạt điểm cao không, thưa ông?

Sẽ có việc rà soát lại những bài thi đạt điểm cao. Hội đồng đánh giá xem giữa điểm gửi về và điểm bài thi có những vấn đề gì không. Ngoài ra, nếu chúng ta thấy bất thường thì cơ quan pháp luật có thể biết được bài là do chính các em làm hay có người tẩy xoá. Tôi nghĩ, chúng ta không khó để phát hiện điều đó.

Tôi nói với anh em, tôi học khá giỏi, nếu thi thử đề khó hơn thi thật cũng phải làm được 60%. Lần này tôi chỉ được 7 điểm thôi và thi thật được 10 điểm thì điều đó cũng cho phép. Hay như, trước đây tôi chỉ có 4 điểm, giờ tôi được 10 điểm thì cũng có thể vì là bài trắc nghiệm. Nhưng số ấy chắc chắn không được nhiều, trăm người mới được một. Ngày xưa có chuyện một cháu thi được điểm 10 môn Toán nhưng 0 điểm Hóa thì có sự bất thường. Tôi cho rằng cách chúng ta đang rà soát hiện nay thì sẽ tìm ra.

Xin ông cho biết, quan điểm của lãnh đạo địa phương khi giải quyết sự việc này?

Sự việc được đồng chí Bí thư của tỉnh quan tâm, chỉ đạo làm việc nghiêm túc nhằm hướng tới mục tiêu làm rõ vấn đề trả lời dư luận.Quan trọng hơn tạo niềm tin cho nhân dân về kết quả của kỳ thi này. Nếu sai ở đâu sẽ sửa đấy, ai vi phạm thì phải xử lý chứ không bao che, không có vùng cấm.

Một số cán bộ phải giải trình

Cùng trao đổi trong cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang còn có ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh này. Ông Sử tỏ ý tự tin cuộc thanh tra, rà soát này sẽ làm sáng tỏ sự thật vụ điểm thi bất thường.

Ông Trần Ðức Quý và ông Vũ Văn Sử cho biết cách đây ít ngày có nhận một lá đơn nặc danh có nội dung liên quan đến kỳ thi THPT tại Hà Giang.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Quý cho biết đã yêu cầu những người có liên quan trong đơn thư nói trên giải trình, cho dù lá đơn này có một số câu từ chưa rõ nghĩa.

MỚI - NÓNG