Rà soát lại nội dung chương trình, SGK

Rà soát lại nội dung chương trình, SGK
TP - Nội dung chương trình, sách giáo khoa (SGK) còn có chỗ chưa thật sự phù hợp và hấp dẫn... được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học

Ngày 12/3, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.

Dư luận cho rằng ngành GD&ĐT chưa thực sự nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong vấn đề học sinh bỏ học, trong khi đó đang có những vấn đề nội tại ngành GD&ĐT như: nội dung chương trình, sách giáo khoa (SGK) còn có chỗ chưa thật sự phù hợp và hấp dẫn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên (GV) còn hạn chế, phương pháp dạy học chưa linh hoạt, công tác chỉ đạo còn cứng nhắc...

Biện pháp trước mắt là rà soát lại nội dung chương trình SGK, phân loại học sinh để  phân công giáo viên phụ đạo,  bồi dưỡng cho phù hợp.

Ngoài ra, ngành sẽ phát triển mạng lưới trường lớp sao cho tạo điều kiện để nâng cao thể chất cho các HS đảm bảo học tập...

Trước đây, năm học 2004-2005 đã có đề tài đánh giá SGK; NXB GD đã công phu tập hợp tài liệu đánh giá  từ các cơ quan công luận, các nhà khoa học... Lần rà soát lại nội dung chương trình này kế thừa các đánh giá đó và không chỉ quan tâm đến ý kiến của các thầy cô giáo, các nhà trường mà còn quan tâm đến ý kiến từ dư luận xã hội, các nhà khoa học, các chuyên gia...

Vậy lần này SGK sẽ được đánh giá như thế nào hay chỉ xung quanh những vấn đề đúng sai trong kiến thức?

Sẽ đánh giá nội dung toàn bộ từ lớp 1 đến lớp 12; về tính phù hợp của SGK với chương trình đã được công bố với điều kiện dạy học về GV, CSVC, thời gian học tập... Ngoài việc đánh giá nội dung có chính xác không,  SGK còn được đánh giá cả về trình bày phù hợp không, có đẹp không, kích thước có phù hợp không...

Các nước có nhiều bộ SGK để GV và học sinh lựa chọn, ở VN chỉ có 1 bộ  thì có bất cập không?

Nước ta chưa cho phép thực hiện nhiều bộ SGK, đây cũng là một cách tiết kiệm, nhưng điều đó lại không phù hợp với tất cả các vùng miền, nên  từ năm học này Bộ có chỉ đạo việc dạy học linh hoạt. Theo đó,  các trường có thể linh hoạt nội dung, thời lượng dạy học...  xê dịch trong một phạm vi nhất định để phù hợp với đối tượng HS và thời gian dạy học...

Chúng ta vừa thay sách, còn chưa xong vì năm nay mới thay đến SGK lớp 12, nay lại đánh giá,  rà soát, nếu có sự thay đổi trong nội dung chương trình thì chúng ta có tiếp tục thay sách không?

Thay sách hay không thì không thể nói được, nhưng có nhiều cách điều chỉnh cho phù hợp hơn. Thực chất việc này  không mới, trước nay vẫn điều chỉnh  nhưng nay là đợt tổng rà soát lại.

Có ý kiến cho rằng một bộ SGK phải ổn định 10 đến 15 năm, nay ta vừa mới thay,  lại rà soát hiệu chỉnh thì có khoa học không?

Quan điểm đó cần được cân nhắc lại, với tình hình và tốc độ  phát triển của KHKT, công nghệ hiện này thì có nên đặt ra những khoảng thời gian cứng nhắc không?

Có ý kiến cho rằng VN nên đưa cả bộ SGK từ nước ngoài về , thay đổi một số yếu tố nhân văn và điều này có thể thực hiện được trong một thời gian ngắn?

Không thể thực hiện được vì giáo dục  phải phụ thuộc vào điều kiện KT-XH, CSVC, giáo viên, HS, thời gian dạy học... Không thể bê nguyên si SGK nước ngoài về dạy ở VN được.

Vấn đề đội ngũ cũng quan trọng trong việc hấp dẫn và thu hút HS đến trường, thưa ông?

Đội ngũ GV lâu nay còn có hạn chế, tuy trình độ giáo viên ngày càng được nâng lên nhưng năng lực dạy học chưa tương xứng với trình độ đào tạo.  Bộ GD&ĐT sẽ đi sâu hơn trong vấn đề đánh giá GV và trình độ chuẩn với các bậc học THCS, THPT, THCN,  hiệu trưởng  hiệu phó các nhà trường. Chuẩn này còn giúp để đào tạo bồi dưỡng giáo viên hoặc giúp GV dựa vào đó để tự đánh giá,  phấn đấu vươn lên. Ngoài ra, ngành  sẽ cố gắng đào tạo đủ số lượng và cơ cấu.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân:

Tình hình học sinh bỏ học không có gì mới

Sáng 12/3, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, tình hình học sinh (HS) bỏ học đã kéo dài nhiều năm qua và không có gì mới.

Cụ thể, năm học 2002-2003 cả nước có 558.000  bỏ học (26,2%); 2003-2004: 580.000 HS trung học bỏ học (6,29%); 2004-2005: 679.000 HS bỏ học (7,59 %); 2005-2006: 625.000 (6,59%)...

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, những năm trước tỷ lệ HS bỏ học đều chiếm tỷ lệ trên 6% với hơn nửa triệu HS  (600.000 học sinh); gần 2 năm trở lại đây, nhờ có cuộc vận động “Hai không”, tỷ lệ này đã giảm và đến học kỳ 1 năm nay chỉ có 106.000 HS nghỉ học.

Phó Thủ tướng cũng thông báo: năm nay hướng dẫn thiết bị sớm hơn rất nhiều (từ 28/2/2008);  đến nay đã có 220 hợp đồng đào tạo được ký kết giữa các trường; VN đã có trường ĐH quốc tế đầu tiên mà hiệu trưởng là người nước ngoài tại khu vực TP HCM (trường ĐH Việt-Đức).

Theo Phó Thủ tướng sắp tới sẽ có sự quy hoạch đất cho các trường ĐH, CĐ trong vùng HN và trong vùng TP HCM (chiếm 71 % tổng số sinh viên cả nước) và đến năm 2009 sẽ làm quy hoạch cho các vùng ĐH, CĐ còn lại.

MỚI - NÓNG