Rà soát ứng viên GS, PGS: Tìm 'đỏ mắt' không thấy ai thiếu tiêu chuẩn

Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh minh họa.
Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh minh họa.
TP - Ngày 21/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) Phùng Xuân Nhạ có văn bản đề nghị Thủ tướng lùi thời hạn báo cáo kết quả rà soát các ứng viên giáo sư, phó giáo sư đến 28/2 thay vì 20/2 như trước đây. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, hiện một số HĐCDGS ngành và liên ngành đã hoàn tất việc rà soát nhưng vẫn không tìm ra được ứng viên nào không đủ tiêu chuẩn. Vì sao vậy?

GS Đinh Văn Sơn, Chủ tịch HĐCDGS ngành Kinh tế cho biết việc rà soát hồ sơ các ứng viên đã xong và đã nộp báo cáo lên HĐCDGSNN. GS Đinh Văn Sơn cũng khẳng định sau khi rà soát, tất cả các ứng viên đều đủ tiêu chuẩn. Hội đồng làm theo đúng chuẩn quy trình, đúng văn bản. Được biết, ngành kinh tế năm 2017 có 1 ứng viên giáo sư với 5 bài báo ISI, Scopus; 77 ứng viên phó  giáo sư, trong đó có 33 ứng viên có bài báo ISI, Scopus với 97 bài.

GS. TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học cho biết hiện hội đồng của ông đã rà soát xong và gửi báo cáo cho Chủ tịch HĐCDGSNN hôm 20/2. GS Vũ Minh Giang cho biết thêm, sau khi rà soát thì không phát hiện ra trường hợp nào hồ sơ có vấn đề. “Trong quá trình xét trước đó, Hội đồng làm việc rất nghiêm túc. Năm nay có một điểm mới là trong tất cả các phiên họp hội đồng đều có giám sát, trong đó có giám sát của thanh tra Bộ GD&ĐT từ đầu đến cuối. Khi rà soát lại cũng làm theo đúng hướng dẫn. Thường trực hội đồng xem xét lại hồ sơ lưu trữ. Sau đó, yêu  cầu các ủy viên thường trực được giao nhiệm vụ sẽ thẩm định rà soát lại thông tin, tài liệu, hồ sơ. Thẩm định xong họ báo cáo. Kết luận cuối cùng đều được ghi ở các phiếu thẩm định. Kết quả rà soát cho thấy, các ứng viên đều đáp ứng yêu cầu đặt ra của quy định hiện hành” - GS Vũ Minh Giang nói về quy trình rà soát. 

Năm 2017, có 4 ứng viên giáo sư thuộc liên ngành Sử học - Khảo cổ học, nhưng không có giáo sư nào có bài báo ISI, Scopus. Liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học có 34 ứng viên phó giáo sư thì có 1 người có 1 bài báo ISI/Scopus.

Vấn đề là tiêu chuẩn đưa ra thấp

Trong khi đó, nhận định về hiệu quả của việc rà soát lại hồ sơ các ứng viên theo chỉ đạo của Thủ tướng, một chuyên gia cho rằng trong số hơn 1.200 ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017 may ra có khoảng vài người không đủ tiêu chuẩn. “Tôi chắc chắn, các ứng viên đều đủ tiêu chuẩn, thậm chí thừa điểm so với yêu cầu” - vị chuyên gia này cho hay. Theo vị chuyên gia này, lỗi không phải tại các ứng viên mà tại tiêu chuẩn đưa ra thấp. Tuy nhiên, có một điều kiện mà nếu HĐCDGSNN hoặc HĐCDGS ngành, liên ngành có thể kiểm tra một cách nghiêm túc là quy định về trình độ tiếng Anh thì nhiều ứng viên sẽ “rụng”. “Trong Quyết định số 174 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư có một tiêu chí đó là sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh. Là người từng “va chạm” với nhiều ứng viên, tôi khẳng định nhiều ứng viên phó giáo sư, thậm chí cả giáo sư cũng không nói được tiếng Anh” - vị chuyên gia này khẳng định.

Ứng viên là quan chức, có nên không?

Trong danh sách các ứng viên giáo sư, phó giáo sư 2017 có rất nhiều người thuộc các viện nghiên cứu, tạp chí, nhà xuất bản, thậm chí cả quan chức. Trong số 85 ứng viên giáo sư năm 2017 thì ngành y học có tới 19 ứng viên. Trong 19 ứng viên thì có 10 ứng viên không thuộc các trường ĐH mà thuộc viện nghiên cứu, bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế...

Với 1.141 ứng viên phó giáo sư thì ngành y học cũng có tới  173 ứng viên. Trong số này, ứng viên đang công tác tại các trường ĐH chiếm tỷ lệ rất nhỏ, còn lại chủ yếu ở các bệnh viện, sở y tế. Có ứng viên thuộc công ty TNHH MTV, có ứng viên thuộc Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ngành Sinh học có 49 ứng viên phó giáo sư thì có 20 người không thuộc các trường ĐH mà làm việc tại các viện nghiên cứu, bảo tàng, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn.

“Họ đăng ký xét như thế thì sẽ có nhiều ưu ái, vì họ có nhiều quan hệ. Quan chức cũng được xét giáo sư, phó giáo sư là một sai lầm. Nó làm hỏng hệ thống chức danh giáo sư, tiến sĩ. Do đó, theo tôi nhà nước cần thay đổi chính sách”. 

 PGS Phạm Đức Chính - Viện Cơ học

Trong khi đó, theo Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 174 năm 2008,  tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với những người đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức không phải là cơ sở giáo dục ĐH, có tham gia giảng dạy từ trình độ ĐH trở lên tại cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam thì phải có công trình khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc đã được công bố và đánh giá cao; được tặng giải thưởng lớn ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

Như vậy, với những ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017 đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức không phải là cơ sở giáo dục thì có bao nhiêu người đạt được tiêu chí mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra?

PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học cho rằng quan chức không nên làm hồ sơ xét duyệt giáo sư, phó giáo sư. Vì nguyên tắc xét tiêu chuẩn ứng viên giáo sư, phó giáo sư là dành cho những người nghiên cứu có tham gia đào tạo tiến sĩ và giảng viên các trường ĐH.

Nhưng ở Việt Nam có nhiều trường hợp là quan chức không liên quan đến giảng dạy vẫn làm hồ sơ. “Họ đăng ký xét như thế thì sẽ có nhiều ưu ái, vì họ có nhiều quan hệ. Quan chức cũng được xét giáo sư, phó giáo sư là một sai lầm. Nó làm hỏng hệ thống chức danh giáo sư, tiến sĩ. Do đó, theo tôi nhà nước cần thay đổi chính sách” - PGS Chính nói.

Ngoài ra, PGS Phạm Đức Chính cũng cho rằng khoa học cũng phải theo tiêu chuẩn quốc tế. Không thể có cải cách chức danh giáo sư, tiến sĩ hướng tới hội nhập quốc tế thực sự nếu không lập mới hoàn toàn các HĐCDGS ngành và NN dựa theo tiêu chí thành tích quốc tế.

PGS Phạm Đức Chính khẳng định trong khi nền kinh tế đã bắt đầu chuyển hướng tới thị trường và hội nhập từ 30 năm trước, và chương trình nghiên cứu cơ bản đã cải cách thành công được gần 10 năm, thì hệ thống chức danh giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam vẫn kiên trì tư duy bao cấp cũ. 

Chính vì vậy, PGS Chính đề xuất giải tán các HĐCDGS ngành, liên ngành hiện nay.  Ông cũng cho biết, việc yêu cầu chính các HĐCDGS rà soát lại hồ sơ ứng viên khó đem lại kết quả, vì chắc chắn các ứng viên vẫn đủ điểm. Do đó, cần một hội đồng đánh giá độc lập như mời hội đồng của Quỹ Nafosted (Quỹ phát  triển khoa học và Công nghệ quốc gia).

MỚI - NÓNG
Bình luận

Đặng Hiếu Trung

Tôi chia sẻ quan điểm của PGS. Phạm Đức Chính!

Thích Trả lời

Minh Anh

Đồng ý với GS Chính là Nhà nước cần xem xét lại chính sách, sau đó xem xét tổng thể cả hệ thống chứ không chỉ xem xét năm 2017. Theo GS Tuấn, tại Australia, chính sách của họ có Gs giảng dạy, Gs nghiên cứu, Gs làm doanh nghiệp, Gs làm quản lý...

Thích Trả lời

Sơn Nguyễn

cần kiểm tra xem có đủ trình độ không thì quá đơn giản, kiểm tra trực tiếp ngoại ngữ thì sẽ loại bỏ được ngay các phó GS và GS không đủ tiêu chuẩn

Thích Trả lời

Lucky

Giáo sư mà không biết ngoại ngữ, nghiên cứu gì đây?

Thích Trả lời

Huynhanh

Nên dừng việc công nhận danh sách 2017 do chuẩn còn thấp. Sau khi có chuẩn mới thì xem xét lại. Việc ban hành chuẩn thấp, chậm ban hành chuẩn mới là lỗi của cơ quan quản lý chứ không phải lỗi của các ứng viên!

Thích Trả lời

Dũi

"... Nhiều ứng viên phó giáo sư, thậm chí cả giáo sư cũng không nói được tiếng Anh". Vậy thì lập một Hội đồng, phỏng vấn trực tiếp từng người một là rõ ngay thôi mà.

Thích Trả lời

Phạm Trí Dũng

Có GS giảng dạy mất điện GS không còn gì để nói? Vì không còn gì để đọc.

Thích Trả lời

Điêu Thuyền

Theo kế của tôi thì tập trung các GS, GPS mới phong, mỗi người tự viết (viết tay) bản khai lý lịch khoa học của cá nhân bằng tiếng Anh. Biết ngay!

Thích Trả lời

anh hoang

Theo quy định, bước này là công nhật đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Do đó ai đủ chuẩn thì công nhận. Việc sau này các trường bố trí bổ nhiệm giáo sư, pgs cơ hữu hay gs,pgs kiêm nhiệm thì đó là việc của trường. Quy chế hiện hành đã rất rành mạch. Còn cứ nói chẳng thấy một sáng kiến nào giúp dân thì dễ rơi vào quy kết

Thích Trả lời

nhu ngoc duong

Cứ lấy tiêu chuẩn ngoại ngữ mà lọc, không biết ngoại ngữ thì loại thẳng ra thôi. GS, PGS mà không có sáng kiến áp dụng thực tế thì để làm gì? Chán quá

Thích Trả lời

Huong

Giáo sư và tiến sĩ giờ nhiều quá nhưng chất lượng của họ như thế nào thì ai cũng biết, ít có sáng kiến nào có giá trị áp dụng cả

Thích Trả lời

Khải Nguyên

Giáo sư tiến sỹ của VN quá nhiều, ra đường là nhìn thấy... Nhan nhản nhưng chẳng có lấy 1 cái sáng kiến nào giúp người dân...

Thích Trả lời

vquehuong

Tôi thấy chỉ cần rà soát sách của các ứng viên viết là thấy khá nhiều ứng viên không đạt tiêu chuẩn. Sách còn sao chép nhiều. Chỉ cần những ứng viên nào có sách sao chép thì loại khỏi danh sách. Ta sẽ thấy danh sách GS và PGS giảm đáng kể!

Thích Trả lời

nguyen van ninh

Hàng nghìn giáo sư tiến sĩ đã có ai có sáng kiến, bản quyền khoa học giúp người lao động đâu

Thích Trả lời

nguyen than minh

Tôi rất đồng ý với ông Chính. Đang ở cương vị bộ trưởng, lại phong hàm GS không biết để làm gì. Vả lại dư luận đang rất bức xúc về chất lượng, số lượng và cách thức phong hàm GS, PGS. Họ có quyền đặt câu hỏi phải chăng việc phong hàm ở VN ta đang có vấn đề không minh bạch, nếu không muốn nói là có tiêu cực

Thích Trả lời

hung

Bổ nhiệm cán bộ thì đúng qui trình, phong GS và PGS thì đúng tiêu chuẩn nhưng khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thì mới phát hiện sai. Theo tôi, kiểm tra thực tế các vị được phong GS và PGS có công trình khoa học nào thực tế đã mang lợi ích cho nhà nước cho nhân dân, có như vậy mới không có hiện tượng :"cào bằng" người giỏi thật với người 'háo danh".

Thích Trả lời

ngoc tô

Nhiều người cả đời không dạy học mà cũng phong phó GS, rồi GS

Thích Trả lời

Có thể bạn quan tâm

Thúc đẩy nghiên cứu trong trường đại học

Thúc đẩy nghiên cứu trong trường đại học

TP - Các trường đại học tạo môi trường để sinh viên nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công việc ngay từ khi các em đang ngồi trên giảng đường.