Rào cản ngôn ngữ bóp nghẹt công bố quốc tế

TP - Khó khăn về rào cản ngôn ngữ, không có thông tin, khác phương pháp luận, thiếu kinh phí hiện đang là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

 Một cuộc tọa đàm về vấn đề này được trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng qua, 20/9, đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài trường cũng như các nhà khoa học trẻ.

Theo PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH quốc gia Hà Nội (KHXH&NV, ĐHQGHN) cho biết trường được ĐH QGHN giao nhiệm vụ năm nay phải có 34 bài báo được công bố trên các tạp chí ISI. Tuy nhiên, đến giờ mới có 9 đăng ký.

Ông Minh cho rằng thực tế từ năm 2013, ĐHQGHN mới bắt đầu định hướng nghiên cứu. Trong khi đó, khó khăn khác ảnh hưởng đến việc công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn như khó khăn nhất là rào cản ngôn ngữ, khác phương pháp luận, không có thông tin. 

Ông Minh đưa ra một ví dụ cụ thể về chính một bài nghiên cứu của ông. Ông đã nhờ học giả nước ngoài chữa và thật bất ngờ, bản ông nhận lại “đỏ choe đỏ choét” lỗi được sửa, trong đó chủ yếu liên quan đến lỗi ngôn ngữ.

Còn PGS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH QGHN cho rằng công bố trên các tạp chí ISI (Institute for Scientific Information) chỉ là bắt đầu để nghiên cứu. 

“Các nhà khoa học nhân văn của chúng ta hiện nay chỉ làm những cái mình có trong 4.000 năm lịch sử. “Vốn” này chỉ chiếm 10% các vấn đề lĩnh vực khoa học xã hội. Còn 90% các thầy không dám động vào” - ông Đức cho hay.

Theo PGS.TS Phạm Quang Minh vấn đề về công bố quốc tế các công trình khoa học được coi là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của một trường ĐH. “Không có vùng cấm cho khoa học”, “công bố hay là chết” là những cụm từ PGS.TS Phạm Quang Minh dùng để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu và đưa các công trình đó đến với giới khoa học quốc tế, khẳng định tiềm năng và vị thế của các nhà khoa học Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Đức thì cho rằng, lĩnh vực khoa học xã hội dễ được đăng trên các tạp chí ISI quốc tế hơn lĩnh vực kỹ thuật hay khoa học tự  nhiên. 

“Tại sao ĐH Cần Thơ lại có nhiều bài báo được trích dẫn hơn? Vì họ có đồng bằng sông Cửu Long, có  liên quan đến biến đổi khí hậu… Đó những cái thế giới cần ở Việt Nam” - ông Đức lý giải.

Năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam đạt con số 1/1.000 tổng số công bố ISI trên thế giới. Trong đó có cả tỷ trọng ngành Khoa học xã hội là 0.5/1.000. Theo thống kê, ngành Khoa học tự nhiên cứ  6-7 năm  số lượng công bố  quốc tế đạt gấp đôi, còn ngành Khoa học xã hội chỉ cần 5 năm” - ông Dũng chia sẻ thêm.

MỚI - NÓNG