Sách giáo khoa giới tính rụt rè và manh mún

Sách giáo khoa giới tính rụt rè và manh mún
Kiến thức giới tính có từ sách lớp 5 nhưng lại bị bỏ quên ở lớp 6, 7 và chỉ được loáng thoáng đề cập trong một số bài lớp 8, 10, 11. So với nhu cầu hiểu biết của các em, lượng kiến thức này còn ít ỏi.
Sách giáo khoa giới tính rụt rè và manh mún ảnh 1
Tuổi mới lớn có bao điều muốn biết. Ảnh do Quỹ dân số thế giới cung cấp.

Nội dung giáo dục giới tính không tập trung ở một cuốn sách hay bộ môn riêng mà tích hợp trong các môn học khác (như ở cấp 1 là Khoa học, cấp 2 và 3 là Sinh học, Giáo dục công dân) và nhưng chưa có tính hệ thống. 

Chẳng hạn, ở bậc tiểu học, sách Khoa học 5 (bắt đầu đưa vào đại trà 2006 - 2007) đề cập đến điểm khác nhau giữa bạn trai và bạn gái, cơ quan sinh dục nam và nữ, những biến đổi cơ thể khi bước vào tuổi dậy thì, quá trình thụ tinh, vệ sinh ở tuổi dậy thì, phòng tránh HIV/AIDS và xâm hại... Tuy nhiên, lên 6 và lớp 7, các em chỉ được học về thực vật và động vật, không có dòng nào nói đến giới tính.

Việc đưa nội dung giới tính vào lớp 5, theo bà Bùi Phương Nga, chủ biên cuốn sách, là phù hợp với thực trạng dậy thì sớm của các em hiện nay, giúp các em có sự chuẩn bị cho giai đoạn phát triển đặc biệt trong đời.

Nhưng thực tế, cả lớp 6 và lớp 7, khi các em thực sự bước vào thời kỳ có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, muốn khám phá về cơ thể mình thì lại bị sách giáo khoa "bỏ quên".

Tiến sĩ Lưu Thu Thuỷ, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển chiến lược và chương trình giáo dục thuộc Viện Chiến lược và chương trình giáo dục bộc bạch, giáo dục giới tính hiện nay chủ yếu mới đáp ứng đòi hỏi của xã hội, của người lớn chứ chưa thực sự thoả mãn nhu cầu hiểu biết của các em.

Có thể thấy, trong sách giáo khoa có rất ít trang nhắc đến những biến đổi về tâm lý ở tuổi dậy thì cũng như hướng dẫn cách giải quyết những vấn đề, tình huống mà các em gặp ở giai đoạn này.

Nếu các em nữ lo lắng về kinh nguyệt hay bất ổn về trạng thái tâm lý hoặc các em nam băn khoăn về các triệu chứng, hành vi bất thường của mình thì không thể tìm lời giải đáp trong sách.

Các em cũng không thấy dòng, chữ nào hướng dẫn cách để tránh quan hệ tình dục sớm, để thoát khỏi sự lôi kéo, sa ngã hay từ chối trước những lời gợi ý khiếm nhã.

Phần lớn nội dung về sức khoẻ sinh sản chỉ tập trung ở lớp 8 với các kiến thức về bộ phận sinh dục nam, nữ, sự thụ tinh, thụ thai và phát triển của thai, các biện pháp tránh thai, nguy cơ và ảnh hưởng của mang thai ngoài ý muốn, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Lên các lớp cao hơn, các em có thêm nhiều mối quan hệ và cần có sự định hướng về tình bạn khác giới và tình yêu lành mạnh, song hầu như lại không có cơ hội được tư vấn qua sách, vì những kiến thức này bị "thủng" hoặc lồng ghép rất mờ nhạt trong nội dung khác.

Sách sinh học từ lớp 9 đến lớp 12 cũng chỉ có một số nội dung về di truyền liên kết với giới tính, giải thích vì sao sinh con trai, con gái hay duy nhất Sinh học 11 có bài đọc thêm "Điều khiển sinh sản ở người, các biện pháp tránh thai".

Còn ở sách Giáo dục công dân, chỉ sách lớp 10 có bài "Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình" nêu chung chung như: Tránh không quan hệ tình dục trước hôn nhân, không yêu sớm....

"Quả thực, nội dung giáo dục giới tính trong hệ thống sách giáo khoa của chúng ta còn chưa đầy đủ và thiếu tính hệ thống", tiến sĩ Thuỷ thừa nhận.

Theo bà, thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, xã hội còn rất nhiều ý kiến trái ngược về vấn đề giáo dục cho trẻ về giới, về tình dục, gây áp lực cho nhà hoạch định chiến lược.

Thứ hai, chưa có sự chỉ đạo thống nhất từ phía Bộ giáo dục nên các tác giả biên soạn sách xuất phát từ đặc trưng môn học của mình nên lồng ghép nội dung giới tính chỉ ở mức độ nhất định nào đó.

Hơn thế nữa, giao thông, môi trường... cũng được cho là cần thiết không kém và muốn đưa vào giáo dục, nhưng sách giáo khoa mà "ôm" tất cả các vấn đề đó thì các em sẽ bị quá tải. Vì thế, mong muốn đưa kiến thức đầy đủ đến với các em lại mâu thuẫn với thời lượng cho phép.

Bà Carin van der Hor, trưởng đại diện Quỹ dân số thế giới tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh các cuốn sách giáo khoa với nội dung lồng ghép về giáo dục giới tính mà Việt Nam đang sử dụng, cần có thêm những giờ học riêng và cung cấp thêm tài liệu tham khảo về kiến thức này cho các em.

Quan trọng nhất là giáo viên phải trò chuyện được với học sinh, giúp các em hiểu rằng chuyện này rất đỗi bình thường trong cuộc sống mỗi người và chúng ta hoàn toàn có thể nói về nó.

Bà cho biết thêm, ở Hà Lan, một nước thực hiện giáo dục giới tính khá hiệu quả, khoảng 3 tuổi trẻ đã được dạy về giới tính ở cả gia đình và lớp học.

Ở trường, giáo viên sử dụng sách giáo khoa và áp dụng phương pháp giảng dạy tương tác như đóng vai, thảo luận, chơi trò chơi để nói về vấn đề tình dục.

Theo bà, phương pháp tối ưu nhất mà Hà Lan sử dụng là có những tiết học riêng về sức khoẻ sinh sản và tình dục. Ngoài ra, nội dung này còn được lồng ghép vào các môn học khác như sinh học hay giáo dục công dân, bổ sung cho những tiết học chính. Hầu hết các trường đều có những nhà tư vấn mà các em có thể nói chuyện khi có bất cứ vấn đề gì.

Bà Bùi Phương Nga cũng cho biết, một số nước châu Á như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, Nhật Bản đã có sách giáo khoa dạy riêng những nội dung này và đưa vào chương trình tiểu học từ đầu hoặc giữa thế kỷ 20.

Theo Bộ Giáo dục, những kiến thức còn thiếu trong sách giáo khoa được bổ sung qua các chương trình ngoại khóa. Trong sách Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có các chủ đề để học sinh thi hỏi đáp, ứng xử; trong đó lồng ghép nội dung sức khoẻ sinh sản vị thành niên.

Cũng trong các giờ này, học sinh được tư vấn tâm lý, thảo luận về tình yêu, tình dục và những vấn đề tâm lý nảy sinh trong gia đình. Trên lý thuyết, các buổi ngoại khoá này giúp các em gần gũi hơn với giáo viên, dễ dàng bộc bạch, chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc để được hướng dẫn.

Tuy nhiên, đây là hoạt động ngoài giờ nên không phải trường nào cũng thực hiện được. Và nếu có, nhiều khi cách làm của giáo viên chưa lôi kéo được sự tham gia và trao đổi thẳng thắn từ phía học sinh. Có rất ít trường đã tổ chức hiệu quả, thậm chí có những lãnh đạo trường còn "lảng" vấn đề này.

Thêm nữa, vai trò tư vấn của các giáo viên cũng còn mờ nhạt. Vì thế, theo bà Nga, cần xây dựng hệ thống kiến thức về giới tính một cách đầy đủ và khoa học cho các em trong sách giáo khoa cũng như từ cách giảng dạy của giáo viên.

Giáo dục về một vấn đề nhạy cảm đòi hỏi phải có phương pháp đặc biệt, không thể dạy về giới tính giống như các môn học khác.

Theo Minh Thuỳ
VnExpress

MỚI - NÓNG