Sách giáo khoa mới, học sinh sẽ học gì?

SGK môn toán của chương trình mới sẽ đề cao tính thiết thực, hiệu quả cho cuộc sống. Ảnh: Như Ý.
SGK môn toán của chương trình mới sẽ đề cao tính thiết thực, hiệu quả cho cuộc sống. Ảnh: Như Ý.
TP - Lần đầu tiên ngành giáo dục xây dựng được một Chương trình các môn học phổ thông tổng thể xuyên suốt 12 năm học. Đây được coi là “kim chỉ nam” cho việc viết các bộ SGK mới.  

LTS: Lần đầu tiên ngành giáo dục xây dựng được một Chương trình các môn học phổ thông tổng thể xuyên suốt 12 năm học. Được biết, Bộ GD&ĐT sẽ công bố Chương trình khung các môn học ngay trong tháng này. Đây được coi là “kim chỉ nam” cho việc viết các bộ SGK mới. Với tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện, chương trình các môn học đều được xây dựng hướng tới sự phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, nên sẽ có sự khác biệt rõ rệt so với chương trình hiện hành. Thay vì đọc chép, thầy giảng trò nghe thì sắp tới đây, thầy cô chỉ đóng vai trò tổ chức lớp học, học sinh sẽ chủ động lĩnh hội tri thức, sáng tạo sản phẩm học tập. Vậy sự khác biệt trong các môn học sắp tới sẽ ra sao, ý kiến các chuyên gia và bạn đọc thế nào trước lần cải cách giáo dục quan trọng này?

Bài 1: Tăng tính ứng dụng trong môn Toán 

Chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ có nhiều thay đổi. Trong đó, ý tưởng xuyên suốt chương trình môn Toán học phổ thông đó là tinh giản và nâng cao tính ứng dụng thực tiễn.

Với chương trình hiện hành, cố PGS Văn Như Cương từng khẳng định Toán phổ thông thừa ít nhất 50%, có nhiều kiến thức thừa, vô bổ đối với học sinh. Chính vì vậy, trong lần đổi mới này, chia sẻ với báo chí,  GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán cho biết chương trình được xây dựng trên phương châm 10 chữ: Tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo. Nội dung phải tinh giản, phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của văn hóa toán học.

Đây là nội dung nhất thiết phải được đề cập trong nhà trường phổ thông, phản ánh nhu cầu hiểu biết thế giới cũng như hứng thú, sở thích của người học. Về cấu trúc, chương trình môn Toán mới thống nhất từ lớp 1 đến 12, xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.

Còn Nhà giáo nhân dân (NGND) Vũ Hữu Bình cho biết qua những lần góp ý cho dự thảo chương trình môn Toán, có thể thấy, những nội dung không cần thiết sẽ được bỏ, những nội dung khó với lớp dưới sẽ được chuyển lên học ở lớp trên. Chương trình mới luôn luôn đặt ra tính ứng dụng của môn Toán trong thực tế cũng như trong các môn học khác. Có thể hiểu ý tưởng  xuyên suốt chương trình môn Toán sắp tới là nâng cao tính ứng dụng thực tế. Đồng thời quan tâm tới tính sư phạm. Ngoài ra cũng tính đến việc rèn luyện nhiều kỹ năng cho học sinh.

Theo thầy Bình, quan tâm tính sư phạm là giảm bớt lý thuyết nặng nề, không cần thiết. Ngoài ra kiến thức nào học  ở lớp trên tốt hơn thì giảm nhẹ không học ở lớp dưới. Thầy Bình lấy dẫn chứng cụ thể, trong dự thảo chương trình môn Toán mới, học sinh THCS có học thêm một số vấn đề mới. Thứ nhất là môn Xác xuất. Nội dung này hiện nay học sinh THPT mới học, nhưng sắp tới đưa xuống học ở các lớp 7, 8, 9.  Thứ hai là Thống kê. Chương trình hiện hành chỉ học ở lớp 7, sắp tới học ở cả 4 lớp THCS. Đó là những cái tương đối mới với chương trình hiện hành. Tuy nhiên, vì thời lượng dạy học đối với bậc THCS không thay đổi, 4 tiết/tuần nên có nội dung được thêm nhưng cũng có nội dung sẽ được cắt bớt. Thầy Bình khẳng định, với Xác xuất và Thống kê học sinh THCS hoàn toàn tiếp thu được. Vấn đề là phải bố trí như thế nào để học với liều lượng hợp lý với từng cấp học, không tốn nhiều thời gian mà vẫn hiệu quả.

“Những ý đồ và quan điểm này là đúng. Còn việc thể hiện nó ra chương trình cụ thể thì qua những bản thảo tôi tiếp xúc thì thấy thể hiện chưa rõ lắm” – thầy Vũ Hữu Bình cho hay.

 Quan trọng là thể hiện Chương trình ra SGK thế nào

Theo NGND Vũ Hữu Bình, hiện nay, phần lớn phụ huynh kêu môn Toán có nhiều bài khó. Nhất là với bậc tiểu học, phụ huynh không giải được bài tập của con. “Nhưng nhìn vào chương trình hiện hành có thể thấy không nặng. Nhưng người triển khai chương trình đó thành SGK lại khác. Cùng một chương trình, có người triển khai ra thành SGK rất khó đối với học sinh, nhưng người khác triển khai rất đơn giản, dễ hiểu. Vì vậy, quan trọng nhất là thể hiện chương trình mới này bằng bộ SGK như thế nào. Bản thân người viết  chương trình cũng có định mức độ dễ hay khó nhưng quyết định nhất vẫn là người viết SGK” – NGND Vũ Hữu Bình chia sẻ một thực tế.

Với lần đổi mới này, lần đầu tiên thực hiện một Chương trình nhiều bộ SGK, cho nên hội đồng thẩm định sẽ phải có vai trò như trọng tài. Bộ SGK nào đúng với yêu cầu của Chương trình, bộ sách nào vượt Chương trình, bộ sách nào chưa đạt... Vì vậy, nếu hội đồng thẩm định không tinh sẽ để lọt những sách yêu cầu năng lực học sinh quá cao hoặc ngược lại. “Tôi cho rằng những cuốn SGK vượt Chương trình hoặc chưa đạt thì nên coi như sách tham khảo” – NGND Vũ Hữu Bình cho hay.

Tuy nhiên, từng là giáo viên trực tiếp đứng lớp, tác giả viết SGK Toán THCS, thầy Vũ Hữu Bình cho rằng, việc chương trình có quá tải hay không còn phụ thuộc vào một yếu tố nữa đó là nhà trường thực hiện như thế nào, chọn SGK như thế nào. “Có khi sách không khó nhưng khi triển khai ra giảng dạy giáo viên cứ dạy khó.  Chương trình hiện nay, đối chiếu với SGK Toán tiểu học đúng là không khó. Nhưng phụ huynh vẫn kêu con họ làm bài khó thế. Qua xác minh thì thấy đó là những bài trong sách tham khảo dành cho học sinh giỏi, không phải bài trong SGK. Vì giáo viên mang sách dành cho học sinh giỏi ra dạy đại trà nên phụ huynh thấy khó” – thầy Vũ Hữu Bình khẳng định. Ông cũng cho rằng việc này liên quan đến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Bộ phải chỉ đạo như thế để giáo viên dạy theo đúng yêu cầu của chương trình, không được đưa những bài dành cho học sinh giỏi để dạy học sinh đại trà thì sẽ không có hiện tượng này.

“Việc quá tải trong trường không chỉ liên quan đến chương trình, SGK mà còn liên quan đến cả giáo viên.  Mà liên quan đến giáo  viên thì Bộ phải là nơi cầm cân nảy mực để giáo viên giảng dạy theo đúng yêu cầu, mức độ của chương trình đề ra” – một lần nữa thầy Vũ Hữu Bình đưa ra quan điểm.

Chương trình môn Toán được xây dựng trên phương châm 10 chữ: Tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo. Về cấu trúc, chương trình môn Toán mới thống nhất từ lớp 1 đến 12, xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.