Sách giáo khoa: “Nên phá bỏ độc quyền”

Sách giáo khoa: “Nên phá bỏ độc quyền”
"Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo độc quyền trong việc làm sách giáo khoa, vì thế hễ có độc quyền thì sẽ sinh ra cửa quyền. Do đó, phá bỏ độc quyền là chuyện nên làm", Giáo sư Văn Như Cương nói với chúng tôi trong cuộc trao đổi.

Thưa Giáo sư, trước khi nói tới vấn đề độc quyền hay không độc quyền trong việc biên soạn sách giáo khoa, xin ông giải đáp một cách thật thẳng thắn với bạn đọc: Có nên có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau hay không?

Để làm được một cuốn sách giáo khoa đến tay người dùng có ba công đoạn chủ yếu: biên soạn; in ấn ; và phát hành, phân phối.

Trước đây đã có lúc sách giáo khoa của ta có nhiều bộ khác nhau. Từ năm 1990, sách giáo khoa môn toán có ba bộ, sách giáo khoa môn văn-tiếng Việt có hai bộ, mỗi bộ do một nhóm tác giả khác nhau biên soạn.

Về nguyên tắc, mỗi địa phương, mỗi trường đều có quyền lựa chọn bộ sách nào thích hợp với đơn vị mình, nhưng trên thực tế thì các sở giáo dục và đào tạo chọn và các trường thuộc sở chấp hành.

Hình như lúc ấy Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn mở ra một thời kì mới trong việc xuất bản sách giáo khoa, nói như người Trung Quốc là “độc cương, đa bản”, trong trường hợp này có nghĩa là một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Nếu thành công sẽ nhân rộng ra cho nhiều bộ môn khác nhau.

Cần chú ý rằng trên thế giới, việc có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau là chuyện bình thường và tự nhiên vì nó đáp ứng được trình độ tiếp thu khác nhau của học sinh có trình độ khác nhau, ở những vùng miền khác nhau.

Thế nhưng, thưa Giáo sư, hình như cái việc “độc cương, đa bản “mà ông cho là rất bình thường ấy đã gặp phải sự phản ứng “bất thường” và rồi nó đã không diễn ra?

Đúng vậy. Việc làm nói trên đã bị nhiều vị đại biểu Quốc hội lên án gay gắt. Trong các kì họp Quốc hội, vấn đề có nhiều bộ sách giáo khoa được thảo luận khá kĩ.

Một lần, theo dõi trên chương trình truyền hình, tôi được nghe một vị đại biểu Quốc hội nói đại ý: đất nước thống nhất đã được 25 năm, thế mà mỗi miền lại dùng một bộ sách giáo khoa khác nhau, phải chăng người ta lại muốn chia cắt đất nước một lần nữa?

Là tác giả của một trong ba bộ sách Toán, tôi hoàn toàn bất ngờ và quả thật có phần... hoang mang. Đấy là chỉ mới có 2 hoặc 3 bộ sách, chứ sau này có đến 10 bộ sách khác nhau thì không còn là tội “chia cắt đất nước” nữa, mà sẽ là tội “băm vằm đất nước” chăng?

Thế là, sau đó Quốc hội quyết định: chỉ có một bộ sách mà thôi. Để thực hiện quyết định đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể chọn một trong hai giải pháp sau đây: Một là trong ba bộ sách giáo khoa toán hiện hành sẽ chọn lấy một bộ dùng cho toàn quốc, hai bộ còn là xem như “vứt”. Hai là viết một bộ mới.

Giải pháp thứ nhất có vẻ đơn giản, nhưng thực ra cũng không dễ dàng ở cái khâu quyết định: chọn bộ nào ? Hội đồng thẩm định cũng không dám quyết vì căn cứ vào đâu mà quyết ? Nếu lấy ý kiến của thầy giáo và học sinh thì mỗi thầy, mỗi học sinh chỉ biết một bộ mà thôi, không thể so sánh được ....

Cuối cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn một giải pháp trung gian: không chọn bộ nào trong ba bộ đã có và cũng không viết bộ mới, mà chỉ là hợp nhất ba bộ thành một với sự chỉnh lí và sửa đổi cần thiết.

Thế rồi nhà xuất bản giáo dục mời ba nhóm tác giả chúng tôi cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc để thực hiện giải pháp. Cuối cùng chúng tôi cũng làm được và năm 2000 một bộ sách toán duy nhất ra đời, mang tên gọi là bộ sách “chỉnh lí và hợp nhất”. Đối với môn văn cũng vậy, nhưng là “hai trong một” chứ không phải là “ba trong một” như môn toán.

Và thế là, theo cái “giải pháp trung gian” mà Giáo sư vừa nhắc tới, việc độc quyền làm sách giáo khoa đã sinh ra và tồn tại cho đến hôm nay?

Chủ trương “một chương trình, một sách giáo khoa” về sau được đưa vào Luật Giáo dục năm 2005, trong đó điều 29 khoản 3 đã ghi rõ: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa”.

Như vậy theo Luật Giáo dục 2005 thì chỉ được phép tồn tại một bộ sách giáo khoa thống nhất trong toàn quốc. Như vậy, Luật đó cũng thừa nhận việc biên soạn sách giáo khoa là độc quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhưng vì việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa là chức năng của nhà xuất bản giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho nên độc quyền đó thuộc về nhà xuất bản giáo dục cũng là dễ hiểu.

Như vậy, có thể hiểu rằng việc độc quyền sách giáo khoa bắt đầu từ chính Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứ nói tại Nhà xuất bản giáo dục là “oan” cho người làm sách, có phải vậy không, thưa Giáo sư?

Vì Luật Giáo dục 2005 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2006 nên không có lí do gì để thay đổi điều khoản 23 khi chưa hết năm 2006. Bởi vậy cho đến hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn được giữ độc quyền về khâu biên soạn sách giáo khoa (tôi không nói đến khâu in ấn và phát hành), thể hiện ở chỗ:

Bộ độc quyền trong việc lựa chọn tác giả, lựa chọn các thành viên của Hội đồng thẩm định, nhà xuất bản giáo dục độc quyền trong việc tổ chức biên soạn, trong việc mời các cá nhân hoặc tập thể góp ý kiến cho bản thảo, kể cả việc trả tiền nhuận bút cho tác giả, tiền cho người đọc góp ý....

Tóm lại, có cách gì để phá bỏ thế độc quyền trong việc làm sách giáo khoa hiện nay không, thưa Giáo sư?

Thực ra, cũng có những cơ chế làm cho tính “độc quyền” của Bộ bớt cứng nhắc. Chẳng hạn Bộ có thể tiến hành cuộc thi viết sách giáo khoa. Ngoài các tác giả mà Bộ chọn, bất kì ai cũng có thể viết sách giáo khoa để tham gia dự thi.

Hội đồng thẩm định đồng thời là ban giám khảo sẽ chọn một và chỉ một trong các bản thảo trở thành sách giáo khoa chính thức. Cố nhiên muốn thực hiện chủ trương đó, cần có những biện pháp khuyến khích người tham gia dự thi.

Giả sử không được chọn làm sách giáo khoa duy nhất thì công lao bao nhiêu ngày tháng sẽ trở thành công cốc nếu không có chút “đền bù an ủi” nào! Nói chung thì hễ có độc quyền thì sẽ sinh ra cửa quyền. Bởi vậy, phá bỏ độc quyền là chuyện nên làm.

Theo Vũ Hùng
Thời báo Kinh tế

MỚI - NÓNG