Sách giáo khoa tiếng Việt: Mạnh dạn thay đổi từ lớp 1

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, SGK Tiếng Việt tiểu học hiện nay yếu nhất là lớp 1. Ảnh: Hồng Vĩnh.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, SGK Tiếng Việt tiểu học hiện nay yếu nhất là lớp 1. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Đổi mới Chương trình-Sách giáo khoa (CT-SGK) có thể sẽ không giống như xây một ngôi nhà mới, nghĩa là không phải đập đi, làm lại từ đầu. Thay SGK có thể từ từ, từng phần, cái gì không đúng, lạc hậu, nặng nề, kém hiệu quả cần thay trước. Đó là ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UBVHGD TTN&NĐ Quốc hội.

Đánh giá về CT-SGK hiện hành, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành không phải được xây dựng trên cơ sở định hướng tiếp cận nội dung như mọi người vẫn nghĩ, mà đã xác định yêu cầu phát triển năng lực của người học. Tại hội nghị thảo luận về Đề án đổi mới CT-SGK do UBVHGD TTN&NĐ Quốc hội tổ chức năm ngoái, tôi đã trích dẫn mục tiêu của CT môn ngữ văn hiện hành để chứng minh điều này. Từ đó, trong các văn bản của Bộ GD&ĐT không thấy “phê” CT hiện hành là CT theo định hướng tiếp cận nội dung nữa.

Nhưng SGK hiện hành thì không phải nội dung nào, cuốn sách nào cũng đạt được yêu cầu phát triển năng lực cho học sinh (HS), vì điều đó phụ thuộc  nhận thức, khả năng của người viết. Mặt khác, trong việc triển khai CT-SGK, không phải giáo viên (GV) nào cũng hiểu đúng và thực hiện được quan điểm phát triển năng lực. Ví dụ, riêng môn tiếng Việt ở tiểu học, Bộ GD&ĐT đã cấm GV áp đặt văn mẫu cho HS.

Khi biên soạn sách GV lớp 2, lớp 3, cuốn nào chúng tôi cũng cho in mấy dòng chữ đậm: GV tuyệt đối không yêu cầu HS viết một bài văn hoàn chỉnh; chỉ cần viết được 5 - 7 câu đúng, sắp xếp một cách hợp lý là đạt loại giỏi. Nhưng thực tế, phụ huynh cũng như bạn bè tôi có con cháu đi học đều phản ánh nhiều GV lớp 2, lớp 3 vẫn yêu cầu tả bà, tả ông trong khi chúng tôi chỉ yêu cầu nói về bà, nói về ông bằng 5-7 câu đúng, còn nói thế nào là tùy mỗi HS. Đối với HS lớp 4, trọng tâm là viết đoạn văn, lớp 5 mới viết bài văn. Nhưng nhiều GV luôn yêu cầu học sinh phải vượt yêu cầu của SGK.

Thay từ lớp 1 

Là người biên soạn SGK tiếng Việt  một số lớp tiểu học và THCS hiện hành, trong lần đổi mới CT-SGK sắp tới, theo ông, SGK môn tiếng Việt nên thay đổi như thế nào?  

Trong SGK tiếng Việt tiểu học hiện nay, yếu nhất là lớp 1, cần sớm thay thế. GV nói là có nhiều bài nặng hoặc khó triển khai. Riêng tôi thấy chỗ yếu nhất của nó là không hiệu quả. Ví dụ, gần hết học kỳ I mà bài đọc, bài viết của HS vẫn chỉ có vài dòng thì HS làm sao nhớ chữ, đọc nhanh, viết nhanh được? Học ngôn ngữ phải luyện tập nhiều mới tiến bộ. SGK lớp 4, lớp 5 có phần còn nặng, cần điều chỉnh mạnh dạn hơn nữa. Sách Ngữ văn THCS cũng nặng và chưa đạt yêu cầu tích hợp cao.

Vậy theo ông, chương trình hiện hành có thực sự “nặng” đối với học sinh?

Đúng là CT có nặng, nhưng nếu GV có phương pháp dạy học thích hợp thì nó sẽ nhẹ đi. Ngược lại, dù CT có giảm tải mà cách dạy không đổi mới thì có khi nó còn nặng hơn.  

Có người nói rằng, ngành giáo dục đang thiếu chủ biên, tổng chủ biên?

“Trong SGK tiếng Việt tiểu học hiện nay, yếu nhất là lớp 1, cần sớm thay thế. GV nói là có nhiều bài nặng hoặc khó triển khai. Riêng tôi thấy chỗ yếu nhất của nó là không hiệu quả”.

GS Nguyễn Minh Thuyết

Theo tôi, ngành giáo dục không thiếu người nhưng vấn đề là tìm có trúng hay không. Thứ hai, giả sử tìm được đúng người rồi nhưng những người đó có thực thi được đầy đủ nhiệm vụ hay chỉ đóng vai tổng chủ biên hình thức thì điều đó phụ thuộc vào chỗ họ có đủ thời gian thực thi nhiệm vụ hay không. 

Theo lộ trình mà Chính phủ đã phê duyệt, năm 2018 sẽ bắt đầu triển khai SGK mới; quá trình thay sách diễn ra theo kiểu “cuốn chiếu”, mỗi năm một lớp ở một cấp học. Nhưng bây giờ là giữa năm 2015 vẫn chưa có CT tổng thể; còn CT từng môn học thì chưa đả động gì. Tôi ngờ nhanh nhất cũng phải hết năm 2016 mới ra được CT, năm 2017 mới xong bản thảo những cuốn SGK đầu tiên, năm 2018 triển khai đại trà. Không hiểu tổng chủ biên môn học, tổng chủ biên cấp học và tổng chủ biên toàn bộ hệ thống SGK sẽ nghiên cứu, đề xuất ý tưởng, chỉ đạo viết, đọc, duyệt, sửa chữa bản thảo vào lúc nào.

Sách giáo khoa tiếng Việt: Mạnh dạn thay đổi từ lớp 1 ảnh 1

GS Nguyễn Minh Thuyết.

Giáo viên thẩm định SGK tốt hơn viết SGK

Theo ông, người viết SGK phải đạt được những tiêu chuẩn gì? Giáo viên có thể tham gia viết SGK?

Trước hết, người viết SGK phải có kiến thức sâu rộng. Đó không chỉ là kiến thức về ngành khoa học của mình mà còn là kiến thức sư phạm và kiến thức về xã hội, tự nhiên. Thứ hai, người viết SGK phải có kĩ năng viết sách. Viết SGK không đơn giản như viết sách tham khảo. Từng từ, từng câu phải được cân nhắc rất cẩn thận. Để viết SGK, cần có kiến thức bách khoa, nhất là viết SGK khoa học xã hội và đặc biệt là ở tiểu học.

Chuyển sang câu hỏi GV có thể tham gia viết SGK không, tôi nghĩ có người thích hợp với việc viết SGK và trên thực tế đã có những GV tham gia viết. Nhưng không phải ai cũng thích hợp với công việc này. Vì vậy, tôi vẫn tâm đắc với ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Nhìn chung, GV  thích hợp với vai trò thẩm định SGK hơn là viết SGK.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.