Sáng nay, thí sinh làm thủ tục thi đại học đợt 2

Sáng nay, thí sinh làm thủ tục thi đại học đợt 2
TPO - Sáng nay, 8/7, trên 700.000 thí sinh dự thi đại học các khối B,C,D, N,H,T, R, M, K tới các điểm thi nhận phòng, làm thủ tục chuẩn bị cho các môn thi diễn ra vào ngày 9/7 và 10/7/2006.
Sáng nay, thí sinh làm thủ tục thi đại học đợt 2 ảnh 1
Thí sinh dự thi khối A làm thủ tục nhận phòng thi. Ảnh: Hồng Vĩnh

Thí sinh nhớ mang theo giấy báo dự thi và các giấy tờ liên quan như chứng minh thư, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp THPT (với những thí sinh đã tốt nghiệp từ 1 năm trở lên)... để làm thủ tục.

Trong trường hợp mất giấy tờ, thí sinh cũng không quá nên lo lắng.

Theo Ban chỉ đạo tuyển sinh, nếu mất giấy dự thi, thí sinh dùng phiếu số 2 như biên lai để chứng minh.

Nếu đánh mất tất cả mọi giấy tờ liên quan như giấy báo dự thi, phiếu số 2, chứng minh thư nhân dân..., thí sinh phải viết đơn trình bày.

Trong đơn, thí sinh ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, trường dự thi. Căn cứ vào đó, Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ tra danh sách để cấp lại giấy báo dự thi.

Hội đồng tuyển sinh cũng sẽ chụp ảnh của thí sinh dán trên phiếu cấp lại để đối chiếu với ảnh đã nộp trong hồ sơ đăng ký dự thi nhằm loại trừ việc thi hộ.

Ngoài ra, trong trường hợp có những sai sót về giấy tờ như họ tên, ngày tháng năm sinh, khu vực..., thí sinh phải báo ngay cho giám thị để sửa chữa.

Không mang điện thoại di động vào phòng

Trong đợt thi khối A vừa qua, nhiều thí sinh sử dụng điện thoại di động để nhận bài giải từ ngoài vào đã bị đình chỉ thi. Nhiều hội đồng thi còn phát hiện những trường hợp thi kèm, thi thuê.

Trước tính chất phức tạp của thủ đoạn gian lận thi cử tinh vi này, ngày 5/7/2006, Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau Đại học, Bộ GD&ĐT đã ký công văn về việc cấm sử dụng điện thoại di động trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2006.

Theo đó, Bộ GG&ĐT yêu cầu Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường cần làm rõ và xử lý kịp thời những cán bộ liên đới trách nhiệm trong việc để thí sinh sinh mang điện thoại di động vào phòng thi.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đợt 2 và đợt 3, giám thị sẽ kiểm tra chặt chẽ, tuyệt đối không cho thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi. Nếu vi phạm, thí sinh lập tức sẽ bị đình chỉ thi.

Cũng như điện thoại di động, nếu thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, dù sử dụng hay không sử dụng vẫn sẽ bị đình chỉ thi nếu giám thị phát hiện.

Đến muộn 15 phút tính từ thời gian phát đề, thí sinh sẽ không được dự thi. Để tránh tắc đường, thí sinh nên đi sớm.

Đến trường thi, thí sinh chỉ nên mang theo giấy tờ cần thiết. Trong đợt thi khối A tại trường Đại học Bách Khoa vừa qua, nhiều thí sinh không biết đã mang theo cặp sách và phải gửi ngoài quán nước với giá 3000 đồng/chiếc.

Khi ra khỏi trường thi, thí sinh không nên mua đáp án bán dạo bên ngoài. Đây là các bài giải do sinh viên làm vội nên thường thiếu chính xác, gây tiền mất, tâm lý hoang mang.

Cẩn trọng với thi trắc nghiệm

>> Những lưu ý khi thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ

>> Hướng dẫn làm bài thi trắc nghiệm

>> Năm bí quyết "ăn" điểm khi làm bài trắc nghiệm

>> Thi trắc nghiệm: Tô tròn đậm đáp án bằng bút chì

Kỳ tuyển sinh năm nay, các môn ngoại ngữ ( Anh, Nga, Trung, Pháp) sẽ lần đầu tiên được tổ chức thi theo phương pháp trắc nghiệm. Thí sinh nên nhớ cần làm theo những hướng dẫn rất kỹ của Bộ GD&ĐT.

Đề thi trắc nghiệm gồm 100 câu hỏi. Thời gian làm bài là 90 phút, được rút ngắn một nửa so với thi theo hình thức tự luận.

Phần ghi bằng chữ: Thí sinh dùng bút mực hoặc bút bi (không phải là mực đỏ) để viết, không được phép thay đổi màu mực và nét chữ.

Phần tô các ô tròn: Thí sinh dùng bút chì tô tròn đậm đáp án.

Là người đầu tiên trực tiếp mang công nghệ máy chấm điểm trắc nghiệm về Việt Nam, thạc sĩ Võ Tấn Quân, giảng viên khoa Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh từng giải thích, việc khoanh tròn đáp án đậm bằng bút chì sẽ giúp máy chấm đạt tỉ lệ chính xác cao.

Trong một lần trao đổi với phóng viên Tiền Phong, thạc sĩ Quân cho biết: Tôi đã thử đánh dấu “V” cũng như chỉ khoanh tròn khoảng ¼ ô đáp án bằng bút chì, kết quả là máy vẫn nhận dạng được nhưng tỷ lệ chính xác thấp.

Về vấn đề tại sao thí sinh không được làm bài thi bằng bút mực, ông Quân cho rằng, đó là do phần cứng của máy quy định. Thông thường các máy chấm thi trắc nghiệm hiện nay đều đọc được nét bút chì.

Cũng có một số máy có đầu đọc đọc được màu mực xanh và đen, nhưng "mù" màu hồng và đỏ. Do vậy, nếu dùng bút chì thì tỷ lệ chính xác là tuyệt đối

MỚI - NÓNG