Trường đầu tiên muốn xóa bệnh thành tích ở Bình Định

Sáng ngồi tiểu học, chiều học lớp 6

Sáng ngồi tiểu học, chiều học lớp 6
Hơn trăm HS đang học lớp 6 tại Bình Định nhưng không thể viết đúng chính tả, không đọc được những từ đa âm tiết, không thuộc bảng cửu chương, không hiểu thế nào là số thập phân, phân số ...

Chuyện "thật như đùa" đang tồn tại ở trường Trung học cơ sở (THCS) Cát Tường, xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định).

Nhà trường đang nỗ lực chống "bệnh" thành tích, nhưng thật khó khăn để mỗi năm học mới tất cả học sinh của trường đều được viết thông, đọc thạo.

Học sinh lớp 6 nhưng đọc chưa thông, viết chưa thạo !

Ngôi trường Trung học cơ sở (THCS) Cát Tường khá khang trang, học sinh trong trang phục học trò rất đồng bộ, nghiêm túc. Thầy Nguyễn Kế Trinh, Hiệu trưởng mở đầu câu chuyện không giấu giếm thực trạng của trường:

"Trường học của chúng tôi nhiều năm liền không thể phấn đấu được danh hiệu giỏi. Năm học này có 130 học sinh lớp 6 vẫn còn đọc chưa thông, viết chưa thạo. Tôi sẽ dẫn đến lớp học của các em lớp 6 đang học tiểu học để nhà báo thẩm định."

Chúng tôi sở mục thị tại lớp tiểu học mà các em đang học lớp 6 học, thầy Nguyễn Văn Lưu đang giảng dạy. Thầy Lưu gọi em Trần Văn Ca, lớp 6 A2 lên làm bài toán: 564.278 chia cho 2. Hơn 10 phút trôi qua, thật đáng buồn, Ca không giải được ! Thầy Lưu phải hướng dẫn từng bước một. Thầy gọi em Công, em Hương cũng không giải được bài toán đơn giản này.

Thầy gọi tiếp em Hồ Sỹ Hoàng lên bảng viết câu của thầy đọc, nhưng khi viết chữ "người" thì không viết được. Nhiều em khác được gọi lên cho biết thế nào là số thập phân, phân số nhưng chỉ có vài em trả lời đúng... Với những câu hỏi mà nội dung kiến thức chỉ ở lớp 3, lớp 4 nhưng các học sinh lớp 6 này vẫn chưa nắm kỹ.

Thầy Lưu cho biết thêm: "Rất nhiều em không thể đọc được câu văn thông suốt và giải được các bài toán nhân, chia 2 con số. Tôi phải gọi từng học sinh lên giải từng bài toán một và bắt các em chăm chú học theo. Môn Văn - tiếng Việt thì dạy phiên âm và ghép từ. Sau hơn một tháng tổ chức dạy học, các em có tiến bộ hơn nhưng cũng chưa nhiều".

Năm học 2006 - 2007, toàn trường có 1.847 học sinh, riêng khối 6 có 9 lớp với 446 em. Trong đợt kiểm tra chất lượng học sinh đầu năm học, khối 6 kiểm tra môn Văn và Toán thì ở môn Văn có 233 học sinh xếp loại kém (từ 1 đến 3 điểm), 98 em loại yếu (3,5 điểm đến 4,5 điểm), 96 em là trung bình và 19 em là khá giỏi; ở môn Toán: kém có 260 em, yếu là 91 em, trung bình có 53 em và 42 em thuộc khá, giỏi. Kết quả này là một thách thức lớn của trường. Đáng buồn hơn khi đề kiểm tra chất lượng đầu năm của các em là sử dụng lại đề thi học kỳ II ở lớp 5 của năm học 2005 2006".

Sáng ngồi tiểu học, chiều học lớp 6

Trường quyết định trình độ từng học sinh lớp 6. 130 em kém được chia thành 3 lớp để dạy lại chương trình tiểu học. 130 em này buổi chiều vẫn học chương trình lớp 6, còn buổi sáng phải đến lớp học tiểu học, mỗi tuần 3 buổi. Đây là trường học đầu tiên của tỉnh Bình Định thực hiện dạy hình thức này.

Việc dạy lớp tiểu học cho học sinh lớp 6 ở nhà trường gặp không ít khó khăn. Trong buổi họp phụ huynh, nhà trường trao đổi về vấn đề dạy thêm kiến thức cho các em, nhưng nhiều phụ huynh không đồng tình. Một phụ huynh cho biết: "Con tôi không thể là học sinh lớp dốt nhất trường....''.

Nhiều giáo viên của trường lúc đầu cũng băn khoăn. Sau nhiều lần vận động, việc này phải đưa ra thảo luận tại chi bộ Đảng của trường thảo luận và được thống nhất. Trường phải điều động giáo viên là đảng viên làm chủ nhiệm các lớp học này để tận tình dạy các em.

Cần xóa ngay bệnh thành tích

Thầy Trinh cho biết: "Mấy năm trước, trường đã báo cáo cấp trên tình trạng học sinh lớp 6 đọc chưa thông, viết chưa thạo chỉ nhận được lời động viên'.' Trao đổi chúng tôi, ông Huỳnh Văn Tuấn, Phòng tổng hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Cát cho biết: "Việc bồi dưỡng học sinh yếu kém ở THCS Cát Tường là việc làm bình thường của ngành. Những trường khác cũng thực hiện, mỗi khối không quá 20 em“.

Nhưng một khối 6 có tới 130 em yếu kém thì thật đáng lo ngại, không thể coi là chuyện ...bình thường. Dù sao đây cũng là một tín hiệu tốt vì THCS Cát Tường đã nhìn thẳng vào sự thật, nhìn rõ yếu kém để khắc phục. Đáng tiếc là đến nay phòng giáo dục huyện Phù Cát cũng không có biện pháp gì giúp đỡ trường.

Năm học 2006 - 2007, huyện Phù Cát có 519 học sinh chưa tốt nghiệp lớp 9 bỏ học, riêng trường THCS Cát Tường đã có 122 em bỏ học, trong đó một nửa là do học yếu nên nản lòng, số còn lại do thiếu sự quan tâm của gia đình, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có một "luật bất thành văn" được nhiều trường tiểu học thực hiện là: học sinh tiểu học không được ở lại lớp?! Do vậy, rất nhiều trường học đã bỏ qua chất lượng của học sinh và cuối năm thì đều cho các em lên lớp, đẹp lòng cấp trên và đẹp mặt nhà trường.

Trong 130 em học lại kiến thức tiểu học của trường THCS Cát Tường thì học lực ở lớp 5 có hơn 70 em là học sinh tiên tiến, số còn lại là học sinh trung bình. Học sinh của trường THCS Cát Tường là nơi tiếp nhận học sinh từ 3 trường Tiểu học (TH) số 1 Cát Tường, trường TH số 2 Cát Tường, trường TH số 3 Cát Tường. Trong năm học qua, tỉ lệ học sinh lớp 5 của 3 trường thi đỗ 100%.

"Chúng tôi kiên quyết dạy đến lúc nào các em học lớp 6 thành thạo kiến thức cơ bản mới thôi. Và lúc đó, khi học lớp 7 các em học kiến thức cơ bản sẽ thuận lợi hơn". Lời cam kết của hiệu trưởng THCS Cát Tường chính là một nỗ lực cho thấy phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục'' đang dần trở thành hiện thực.

Nhưng việc làm của trường THCS Cát Tường suy cho cùng mới chỉ là chống bệnh thành tích ở ''phần ngọn''. Phong trào này cần có sự hưởng ứng tích cực của tất cả các cấp học, bậc học: mầm non, tiểu học, ...Cần hơn nữa là vai trò đi đầu của các cấp quản lý, trong đó có đơn vị trực tiếp chỉ đạo trường THCS Cát Tường là ngành giáo dục, UBND, Tỉnh ủy tỉnh Bình Định.

Theo Phạm Văn Đó
TTXVN

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.