Sắp tăng học phí đại học, cao đẳng

Sắp tăng học phí đại học, cao đẳng
TP - Ngày 18/8, hơn 90 trường ĐH, CĐ đã đến hội trường ĐH Bách khoa TPHCM, để tổng kết năm học khối ĐH, CĐ các trường phía Nam. Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết sắp tới sẽ chính thức tăng học phí tại các trường ĐH, CĐ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Học phí ĐH, CĐ là để góp phần đảm bảo chi phí cho quá trình đào tạo. Không thể để kéo dài tình trạng học phí thấp kéo theo chất lượng đào tạo thấp. Chúng ta phải phá vỡ hàng rào này.

Theo đó, bên cạnh học phí chung theo khung của Chính phủ, của trường, Bộ GD&ĐT sẽ cho phép những trường, những ngành có chất lượng cao thu học phí cao hơn”.

Cũng theo phân tích của Bộ GD&ĐT, nếu tăng học phí mà không có cơ chế phù hợp thì dư luận sẽ không chấp nhận. Bởi vậy, bên cạnh việc tăng học phí, phải đảm bảo các chính sách xã hội, chăm lo cho các đối tượng như con em dân tộc, chính sách…

PGS.TS Bùi Mạnh Nhị - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM - phân tích: “Việc tăng học phí bậc phổ thông vừa qua chưa được đồng tình vì phải gắn với phúc lợi xã hội. Đào tạo ĐH, CĐ là theo nguyện vọng, khả năng kinh tế của thí sinh nên có thể tăng học phí được.

Nhưng chỉ nên tăng từ từ chứ đừng nên tăng một cách đột biến (khác với việc tăng học phí của khối phổ thông vừa qua). Việc tăng học phí đã đến lúc hết sức cấp bách”.

Cũng theo lời PGS.TS Bùi Mạnh Nhị, ĐH Sư phạm TPHCM đã từng “xé rào” tăng học phí. Cụ thể là học phí ngành ngoại ngữ tăng từ 1,8 triệu lên 2,8 triệu đồng để đủ tiền chi trả cho công tác đào tạo. Nhưng Bộ GD&ĐT đã đề nghị giảm mức học phí này xuống 1,8 triệu như cũ. ĐH Sư phạm TPHCM lúc ấy vừa thực hiện lại vừa ấm ức!

PGS Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc ĐH Huế - cũng cho rằng tăng học phí phải song song với việc chăm lo các chính sách xã hội để được dư luận xã hội ủng hộ.

Kết luận về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ họp và công bố mức quy định học phí cũng như lộ trình tăng học phí một cách hợp lý nhất trong thời gian sắp tới.

Học chế tín chỉ triệt để!

Cũng tại hội nghị tổng kết này, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành quy chế học chế tín chỉ, được áp dụng sau 15 ngày đăng công báo. Theo đó, sẽ có hai loại học phần (mỗi học phần có khối lượng từ 2-4 tín chỉ để sinh viên tích lũy) là học phần bắt buộc và học phần tự chọn.

Học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc sinh viên phải tích lũy.

Học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được tự chọn theo hướng dẫn của trường nhằm đa dạng hóa hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tùy ý để tích lũy số học phần quy định cho mỗi chương trình.

Bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Đại học và sau đại học Bộ GD&ĐT - giải thích: Trước nay, những trường như ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Hoa Sen đã áp dụng hệ thống học chế tín chỉ nhưng chưa được triệt để. Đây là quy chế học chế tín chỉ triệt để.

Một số trường khác như ĐH Thái Nguyên, ĐH DL Phương Đông… đã có đăng ký áp dụng với Bộ GD&ĐT nên khi tính lại, có 10 trường có thể áp dụng học chế tín chỉ này. Bởi vậy, Bộ GD&ĐT sẽ giao cho 10 trường này thí điểm mô hình học chế tín chỉ triệt để mà Bộ GD&ĐT sẽ ban hành.

MỚI - NÓNG