Sáp nhập trường: Không dồn dịch để 'gọn trường, chật lớp'

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra khu nhà vệ sinh của Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra khu nhà vệ sinh của Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm
TPO - Trong chuyến công tác tại Điện Biên vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có đi khảo sát một số trường thực hiện chủ trương sáp nhập. Bộ trưởng khẳng định khi thực hiện chủ trương này, không dồn dịch để gọn trường, chật lớp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến khảo sát tại Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, đây là trường nằm sát biên giới Việt - Lào và là 1 trong 3 trường trên địa bàn huyện thực hiện sáp nhập thành trường liên cấp Tiểu học và THCS.

Báo cáo với Bộ trưởng, thầy giáo Nguyễn Hữu Dũng, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước khi tiến hành sáp nhập, trường có 34 biên chế, trong đó cấp Tiểu học có 17 biên chế, cấp THCS có 17 biên chế. Sau khi sáp nhập, trường đã tổ chức sắp xếp lại bộ máy và giảm được 6 biên chế.

Sau khi sáp nhập, quy mô của trường được mở rộng, việc tổ chức các hoạt động linh hoạt hơn, giảm bớt được các đầu mối chồng chéo. Đặc biệt, số lượng giáo viên được đảm bảo theo cơ cấu môn học, kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm tập trung hơn. Tuy nhiên, việc sáp nhập thời gian đầu cũng còn những khó khăn, nhất là trong bố trí, sắp xếp hoạt động của học sinh, giáo viên và cho công tác quản lý.

Kiến nghị với Bộ trưởng, thầy Dũng chia sẻ, cấp Tiểu học trước khi sáp nhập là trường phổ thông dân tộc bán trú nên cán bộ quản lý, giáo viên được hưởng chính sách hỗ trợ, sau khi sáp nhập không còn là trường phổ thông dân tộc bán trú nữa nên giáo viên không còn được hưởng chính sách dù việc chăm sóc, quản lý vẫn thực hiện như trước, vì vậy, đề nghị Bộ GD&ĐT chỉnh sửa quy định hiện hành để giáo viên được thụ hưởng chính sách này.

Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Trường Tiểu học và THCS xã Pa Thơm nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung trong việc sáp nhập, dồn dịch các trường, điểm trường, từng bước thu gọn đầu mối, thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất trường học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, dồn dịch hay sáp nhập phải kiên định đảm bảo tiêu chuẩn sư phạm, sáp nhập phải tốt lên chứ không phải để “gọn trường, chật lớp”.

Bộ trưởng yêu cầu, ngành giáo dục địa phương cần có phương án để giãn học sinh trong trường hợp sáp nhập dẫn tới sĩ số học sinh đông, đồng thời có phương án đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh sau khi sáp nhập. Đây cũng là vấn đề quan trọng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cho rằng, sáp nhập, dồn dịch trường, điểm trường là một việc khó, liên quan đến nhân sự, vì vậy, theo Bộ trưởng cần làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để mỗi người đồng thuận với sự phân công, điều động, sắp xếp mới, tránh để có những “tâm tư” trong đội ngũ. Ngoài ra, quá trình sáp nhập giữa các cấp học cũng cần quan tâm đến tâm sinh lý của học sinh, đặc biệt là học sinh trong diện bán trú.

Bộ trưởng giao các vụ, cục chức năng của Bộ rà soát các văn bản hiện hành thuộc thẩm quyền của Bộ để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quá trình sáp nhập, dồn dịch trường lớp đang diễn ra nhanh tại các địa phương.

MỚI - NÓNG