Đề án Sữa học đường bị bỏ rơi:

Sẽ chất vấn trước Quốc hội

Sẽ chất vấn trước Quốc hội
TP - Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội, cho biết, tại kỳ họp Quốc hội tới đây, Ủy ban sẽ chất vấn các bộ, ngành xung quanh Đề án Sữa học đường mà Tiền Phong phản ánh trong các số báo gần đây.
Sẽ chất vấn trước Quốc hội ảnh 1

Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Cơ chế phối hợp có vấn đề

Tại một số quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, đề án Sữa học đường đã được thực hiện trong nhiều năm qua, giúp cải thiện chiều cao của trẻ em. Trong khi đó, tại Việt Nam vẫn chưa rõ bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính xây dựng đề án này. Bà suy nghĩ gì trước thực tế này?

Việc xây dựng Đề án Sữa học đường là thật sự cần thiết và việc chăm sóc phải bắt đầu từ trẻ thơ.

Đã sáu năm trôi qua từ khi khởi động đề án đến nay, vẫn chưa có bộ, ngành nào chịu trách nhiệm xây dựng đề án này là điều khó chấp nhận. Chính phủ cần quan tâm và chỉ rõ nguyên nhân do đâu.

Có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ nhận thức chưa đầy đủ của cán bộ tham mưu. Nhưng theo tôi, nguyên nhân chính là cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa được phát huy tốt, đặc biệt chưa được thiết lập kể từ khi giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (DS,GĐ&TE) đến nay. 

Ý bà cơ chế trách nhiệm, phối hợp hiện nay không được phân công rõ ràng?

Trước đây còn Ủy ban DS,GĐ&TE, lãnh đạo các bộ, ngành đều là thành viên của ủy ban này. Giao ban hàng tháng hoặc triển khai công việc, các ngành thành viên này đều phải tham gia. Nhưng hiện nay không còn cơ chế ủy ban, giao quản lý nhà nước về trẻ em cho Bộ LĐ,TB&XH.

Tuy nhiên, cùng là ngang cấp nên bộ nọ yêu cầu bộ kia báo cáo là khó. Như Đề án Sữa học đường, nếu liên quan đến an toàn thực phẩm, dinh dưỡng phải là Bộ Y tế. Triển khai trong học đường thì liên quan đến ngành GD&ĐT. Quản lý nhà nước về trẻ em lại là Bộ LĐ,TB&XH. Nhưng bộ nào đứng ra chủ trì thì không ai phân cấp cả.

Đứng về góc độ quản lý nhà nước về trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH hoàn toàn có thể chủ trì, mời các bộ khác. Nhưng thực tế chị Ngân (bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH- PV) không thể phân công cho Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế lập đề án này. Nếu Bộ LĐ,TB&XH tự đứng ra lập đề án thì vẫn phải cần phối hợp của các bộ kia.

Vậy theo bà, bộ, ngành nào phải chịu trách nhiệm chính để tổ chức xây dựng đề án và triển khai chương trình này?

Tôi nghĩ, Bộ LĐ,TB&XH, cơ quan  được phân công quản lý nhà nước về trẻ em cần chủ động phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và một số bộ ngành liên quan để trực tiếp xây dựng đề án trình Chính phủ phê chuẩn là hợp lý nhất.

Chính phủ nên chỉ đạo các bộ, ngành cho khởi động lại chương trình này ở tầm quốc gia và chọn làm điểm ở một số tỉnh, thành phố. Điều thuận lợi là TP Hà Nội đã chính thức khởi động lại chương trình Sữa học đường vào ngày 20/9 vừa qua và các công ty sữa cũng sẵn sàng tham gia.

Sẽ chất vấn trước Quốc hội ảnh 2
Học sinh trong lễ mít tinh ngày Sữa học đường hôm 20/9/2009 tại Hà Nội. 
Ảnh: Trần Công Đạt

Không thiếu kinh phí

Một số ý kiến lại cho rằng, tiềm lực đất nước còn có hạn thì lấy tiền đâu mua sữa cho trẻ em?

Như vậy không có nghĩa là chúng ta không cố gắng tạo những điều kiện tốt nhất cho trẻ em. Không phải nhà nước bỏ ra hoàn toàn kinh phí. Chúng ta sẽ có cơ chế Chính phủ hỗ trợ một phần, còn lại là huy động các thành phần khác, phụ huynh học sinh cũng phải có trách nhiệm đóng góp.

Vấn đề ở đây là phải tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, thấy được sự cần thiết của sữa đối với trẻ em, đặc biệt là việc nâng cao tầm vóc cho trẻ em Việt Nam.

Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và khẳng định giá trị dinh dưỡng của sữa. Thế giới đã có bước đi, không có lý do gì Việt Nam không nhanh chóng làm. Cái gì có lợi cho trẻ em, cho giống nòi Việt Nam thì phải làm.

Chúng ta phải nghĩ đến cả thế hệ tương lai của đất nước, chứ không đơn thuần là tiềm lực kinh tế. Trẻ em vùng sâu, xa còn rất khó khăn. Nhiều gia đình ở vùng thuận lợi cũng chưa hiểu hết được việc chăm sóc ra sao để phát triển chiều cao cho con. Đề án này sẽ giúp xã hội nhìn nhận đúng hơn về việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ em.

Tôi nghĩ vấn đề ở đây là làm rõ cơ chế trách nhiệm và việc tổ chức thực hiện chứ không phải là kinh phí. Vì trẻ thơ thì cả xã hội sẽ cùng tham gia, trong đó có các doanh nghiệp.

Với trách nhiệm của mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội sẽ làm gì để đề án sớm được triển khai?

Ủy ban đã có báo cáo giám sát toàn diện về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong có cả khó khăn về kinh tế. Sau khi có ý kiến của Chính phủ về đề án, ủy ban có thể tổ chức hội thảo xung quanh đề án.

Đặc biệt, trong kỳ họp Quốc hội tới đây, Ủy ban sẽ có chất vấn bằng văn bản gửi các bộ, ngành liên quan về trách nhiệm trong việc xây dựng, triển khai đề án này. Nếu được Chính phủ phê chuẩn và triển khai chương trình thì chúng tôi cũng sẽ tham gia giám sát việc thực hiện.

Năm 2010, chúng tôi dự kiến sẽ phối hợp với Ban VH - XH của HĐND các tỉnh, thành phố để tiến hành khảo sát việc tạo điều kiện của các cấp, các ngành, của chính quyền các địa phương để trẻ em được thực hiện đầy đủ hơn quyền vui chơi, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, quyền được tham gia ý kiến của mình.

Xin cám ơn bà.

Hà Nhân
thực hiện

MỚI - NÓNG