Các trường tiểu học vùng khó:

Sẽ dạy học cả ngày

Sẽ dạy học cả ngày
TP - Một trong những mục tiêu của chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học mà Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các nhà tài trợ chuẩn bị là hỗ trợ các trường tiểu học vùng khó chuyển sang dạy học cả ngày.

Theo ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT), một trong ba nguyên nhân cơ bản khiến chất lượng giáo dục thấp là thời lượng học tập ít (450 giờ/năm trong khi cần tối thiểu 700 giờ/năm).

Để tăng thời lượng học tập, giải pháp duy nhất là học sinh phải học ở trường cả ngày.

Cả nước hiện có 35 phần trăm học sinh tiểu học được học cả ngày (phụ huynh học sinh phải đóng góp để con em mình được hưởng dịch vụ này).

Tuy nhiên, phần lớn trong số này lại là học sinh vùng thuận lợi, học khá. Còn học sinh vùng khó khăn, học yếu lại không được học cả ngày, khiến khoảng cách chất lượng giữa mặt bằng giáo dục vùng khó khăn và vùng thuận lợi ngày càng sâu.

Lộ trình dự kiến: 2009 - 2015: chủ yếu thực hiện mô hình T30; 2015 - 2020: chủ yếu thực hiện mô hình T35.

Từ năm 2025: các trường tiểu học trong cả nước thực hiện mô hình T35.

Nhưng ngay cả những vùng thuận lợi cũng chứa đựng những bất ổn trong hình thức tổ chức dạy học.

"Việc học buổi thứ hai ở các thành phố hiện nay giống như dạy thêm, học thêm, dẫn tới việc học sinh phải học quá tải" - Ông Thành nói.

Theo ông Thành, dạy học 2 buổi/ngày là xu hướng tất yếu và là mô hình hầu hết các nước đang áp dụng. Việc tăng thời lượng nhưng không tăng nội dung giúp giáo viên đi sâu vào phương pháp dạy học.

Mặt khác, cùng một nội dung tổng thể nhưng thời lượng học tăng, thời gian học giãn ra sẽ giúp hoạt động dạy học trong nhà trường không bị quá tải về cường độ. Không bị ép về cường độ, giáo viên đỡ bị ép về thời gian và kiến thức, sức ép của việc học lên vai trẻ sẽ được giảm.

Ở nông thôn, nhờ có tăng thời lượng trẻ sẽ học tốt hơn. Ở thành phố, khi áp lực của việc học giảm, trẻ sẽ có thời gian đầu tư cho các hoạt động ngoại khóa như múa, hát, vẽ, thể thao...

Bộ GD&ĐT cùng các nhà tài trợ (WB, DFID, Bỉ.v.v...) đang chuẩn bị triển khai Chương trình Đảm bảo Chất lượng Giáo dục Trường học (SEQAP).

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất hai mô hình dạy học cả ngày: T30 (30 tiết/tuần); T35 (35 tiết/tuần). Nội dung cả hai mô hình đều tăng thời lượng học tập của học sinh ở trường, mức thấp là tăng từ năm đến bảy tiết/tuần, mức cao tăng từ mười đến mười hai tiết/tuần. 

Các địa phương sẽ tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của mình để quyết định áp dụng mô hình T30 hay T35. Nếu được chính phủ phê duyệt, chương trình sẽ triển khai ở khoảng 1.600 trường tiểu học của 35 tỉnh khó khăn (mỗi tỉnh sẽ có 30 - 40 trường tham gia dự án). Hiệu trưởng các trường tham gia dự án sẽ được giao quyền tự chủ.  

MỚI - NÓNG