Sẽ đề nghị Bộ Công an xác minh việc kẻ xấu xâm nhập lớp học trực tuyến

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT)
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT)
TPO - Trao đổi với Tiền phong, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã yêu cầu các Sở GD&ĐT báo cáo về các sự việc kẻ xấu xâm nhập vào lớp học trực tuyến quấy rối học sinh cũng như đơn vị sẽ gửi văn bản đến Bộ Công an đề nghị xác minh sự việc.

Thưa ông, tình trạng học sinh, sinh viên bị quấy rối hiện nay đang diễn ra như thế nào? 

Đến thời điểm này, việc dạy học trực tuyến mới diễn ra trong một thời gian chưa dài, các Sở GD&ĐT chưa có báo cáo về sự việc tuy nhiên qua nắm bắt nội bộ, Bộ đã xác định được đã có một số sự việc có kẻ xấu xâm nhập lớp học trực tuyến, quấy rối học sinh. 

Hiện nay, có một số hình thức như: đối tượng lạ truy cập vào địa chỉ lớp học trực tuyến, đưa ra nội dung dung tục, phát các clip ghi sẵn có chủ đích, mời gọi học sinh tham gia cuộc thi và một số hình thức phá hoại khác.

Với những hiện tượng như vậy, đối với trẻ mầm non học trực tuyến có sự giám sát của bố mẹ sẽ đỡ hơn học sinh tiểu học, THCS, THPT. Trong quá trình học, nếu bị xâm nhập và chịu tác động từ những việc xấu đó sẽ khiến các con ảnh hưởng lớn về tâm lý cũng như chất lượng học tập. Trong khi, đây là hình thức mới nên thầy cô cũng bất ngờ, bối rối, xử lý khó, mất nhiều thời gian. 

Với những hình thức quấy rối học sinh, sinh viên như vậy, Bộ GD&ĐT có giải pháp mạnh tay nào để xử lý triệt để tình trạng này hay không, thưa ông?

Khi phát hiện có vấn đề như vậy, với trách nhiệm của Bộ, Bộ vừa gửi đi văn bản tới các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, Học viện, CĐ để nhà trường biết, chủ động có biện pháp phòng chống và chủ động xử lý khi có sự việc xảy ra. 

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng  sẽ sớm có văn bản gửi Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị để kiểm tra, xác minh sự việc.

Về giải pháp, trước đó, Bộ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp ứng dụng miễn phí để dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ học tới 63 tỉnh và 250 trường ĐH. Những ứng dụng này có tính bảo mật cao, được đảm bảo an ninh, an toàn cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều phần mềm dạy học trực tuyến miễn phí và thầy cô các nhà trường sử dụng chưa có sự thống nhất. Bộ GD&ĐT cũng mới chỉ khuyến cáo các nhà trường dùng phần mềm có độ tin cậy, bảo mật cao.

Với thực tế dạy học trực tuyến, có kẻ xấu xâm nhập lớp học như hiện nay, Bộ GD&ĐT có chỉ đạo dừng triển khai hình thức dạy học này không và nếu triển khai, các nhà trường, phụ huynh cần làm gì để ngăn chặn sự việc kể trên, thưa ông?

Bộ GD&ĐT đã đề nghị các Sở GD&ĐT; các trường ĐH, CĐ tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức dạy học qua trực tuyến, trên truyền hình. Tuy nhiên phải tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kĩ năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho giáo viên. Khuyến khích giáo viên sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu.

Ngoài ra, các Sở cũng cần xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học trực tuyến. Bộ cũng sẽ yêu cầu các Sở báo cáo tình trạng dạy học trực tuyến và các sự việc kể trên xảy ra (nếu có) để có giải pháp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện nay, vai trò của phụ huynh trong việc giám sát, hướng dẫn còn sử dụng thiết bị công nghệ để học tập rất quan trọng. Trong quá trình con học, phụ huynh đi qua, đi lại để theo dõi, có gì bất cập sẽ hỗ trợ con để không có sự việc đáng tiếc xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.