Sẽ không còn độc quyền kiểm định chất lượng giáo dục

Sẽ không còn độc quyền kiểm định chất lượng giáo dục
"Trong năm 2007, các trường ĐH phải đẩy nhanh hơn tiến độ kiểm định chất lượng đào tạo; phải thành lập được một bộ phận chuyên trách về công tác đảm bảo chất lượng" - đó là yêu cầu của Bộ GD-ĐT đối với công tác kiểm định chất lượng của hệ thống giáo dục ĐH.
Sẽ không còn độc quyền kiểm định chất lượng giáo dục ảnh 1
Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định:

Đã đến lúc các trường ĐH phải chủ động vào cuộc kiểm định chất lượng giáo dục vì quyền lợi và mục tiêu phát triển của chính trường mình. Không thể coi kiểm định chất lượng chỉ là việc của Bộ và thụ động trông chờ kế hoạch thực hiện của Bộ GD-ĐT.

Các trường ĐH đều phải vào cuộc!

Về phía cơ quan quản lý, việc triển khai kiểm định chất lượng dường như cũng còn chậm và hiện nay vẫn còn ở giai đoạn thí điểm?

Năm 2006, sau khi có các qui chế tạm thời, đã có 20 trường ĐH được kiểm định. Đến nay, các trường này đã hoàn thành khâu tự đánh giá và đang tiến hành các bước tiếp theo.

Năm 2007, Bộ sẽ thực hiện kiểm định chất lượng khoảng 25 - 30 trường nữa. Chúng tôi đã đánh giá thử một số chương trình đào tạo giáo viên tiểu học tại năm trường Cao đẳng Sư phạm. Qui mô và tiến độ kiểm định chất lượng sẽ được thực hiện nhanh và rộng hơn sau khi có các qui định về kiểm định chất lượng, bộ tiêu chuẩn đánh giá... theo qui định của Luật giáo dục mới.

Nếu các trường không chủ động bắt tay ngay từ bây giờ, sẽ có nguy cơ tụt lại không chỉ về kiểm định chất lượng mà cả trong việc xác định kế hoạch tổng thể, các mục tiêu và giải pháp phát triển của nhà trường. Nói chung, lộ trình thực hiện khá rõ ràng, các trường đều đã biết mình đang ở đâu và cần phải làm gì. Chỉ có việc sẽ thực hiện ra sao...

Hết "độc quyền"?

Các trường sẽ chủ động bằng cách nào khi hiện nay Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục vừa là cơ quan quản lý nhà nước vừa là đơn vị đứng ra tổ chức kiểm định cho các trường?

Trong kiểm định, đánh giá quan trọng nhất là tính độc lập, khách quan của tổ chức kiểm định. Tuy hiện nay Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT, là một cơ quan quản lý nhà nước đứng ra chủ trì thực hiện nhưng đối với các trường đã được tiến hành kiểm định chất lượng, khâu đánh giá đã không phải do Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục đánh giá nữa mà thông qua một tổ chức hiệp hội các trường ĐH chuyên ngành của Hà Lan.

Năm 2006, tổ chức này đã chịu trách nhiệm đánh giá 20 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam. Phải sử dụng cơ quan kiểm định chất lượng của nước ngoài vì hiện nay chúng ta chưa có những tổ chức đánh giá độc lập như vậy.

Luật giáo dục mới cho phép thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập. Theo ông, tư nhân có được thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hay không?

Tư nhân không được phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Các tổ chức xã hội có thể là các hiệp hội liên quan đến giáo dục, như ở Mỹ, các tổ chức kiểm định uy tín nhất do hiệp hội các trường ĐH thành lập.

Ta chưa có nhiều tổ chức kiểu này nhưng trong tương lai sẽ phải có. Nói tóm lại, kiểm định chất lượng giáo dục sẽ phải tiến tới không còn là lĩnh vực độc quyền.

Thiếu nhân lực

Nhưng thưa ông, hiện nay Việt Nam đang rất thiếu nhân lực được đào tạo bài bản để làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục?

Nhân lực chính là khó khăn lớn nhất của công tác kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục ĐH hiện nay. Đối với phần tự đánh giá, lực lượng hiện có của Bộ và các trường, số chuyên gia huy động được có thể đảm đương.

Nếu mỗi trường ĐH đều có ý thức xây dựng một bộ phận chuyên trách về kiểm định chất lượng sẽ thu xếp được nhân lực cho khâu tự đánh giá. Chỉ đối với phần "đánh giá ngoài" có khó khăn về nhân lực, chuyên gia.

Luật giáo dục không cấm các tổ chức của nước ngoài tham gia làm kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Nhưng có lẽ cũng còn quá sớm để đánh giá về khả năng tham gia của các tổ chức kiểm định nước ngoài.

Hiện nay, chúng tôi cũng đang thí điểm sử dụng một tổ chức kiểm định của Hà Lan. Sử dụng tổ chức kiểm định chất lượng của nước ngoài cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Ưu điểm là họ có thể đánh giá khách quan hơn nhưng họ cũng không thật sự am hiểu hệ thống ĐH và điều kiện thực tế của Việt Nam.

Kết quả kiểm định chất lượng sẽ được công bố như thế nào? Có hình thành được một hệ thống dữ liệu về các trường ĐH, CĐ được kiểm định như các nước làm không, thưa ông?

Các trường ĐH có thể tự công bố công khai, rộng rãi bằng nhiều hình thức kết quả kiểm định chất lượng của mình với xã hội, người học. Còn hệ thống dữ liệu thông tin chính thức về các trường, chương trình đào tạo được kiểm định, kết quả kiểm định ra sao... sẽ do Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục chịu trách nhiệm tập hợp và xây dựng.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.