Sẽ không còn trường lớp bán công

Sẽ không còn trường lớp bán công
Vấn đề xã hội hóa giáo dục đã được bàn rất kỹ tại nhiều hội thảo trước đây, trong đó nhiều nhà nghiên cứu giáo dục đã đề nghị phải bỏ hình thức bán công trong giáo dục.
Sẽ không còn trường lớp bán công ảnh 1
Hội nghị triển khai Nghị quyết 05 của Chính phủ tại TP.HCM.

Lần này tại hội nghị triển khai Nghị quyết 05 của Chính phủ về đẩy mạnh XHH trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao diễn ra tại TP.HCM trong hai ngày 28 - 29, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã khẳng định lại chủ trương này.

Sau khi có Nghị quyết 05 của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã có "Quy hoạch phát triển XHHGD giai đoạn 2005 - 2010" với nhiều định hướng phát triển, khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở tất cả các cấp học, ngành học.

Ở bậc THPT sẽ chuyển các trường THPT công lập sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính; có lộ trình chuyển các trường THPT bán công sang loại hình dân lập, tư thục để đến năm 2010 tỷ lệ học sinh THPT ngoài công lập khoảng 40%.

Các trường ĐH - CĐ công lập có nguồn thu sự nghiệp cũng sẽ được chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi phí hoạt động thường xuyên; một số trường công lập tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên sẽ được thí điểm chuyển qua trường ngoài công lập.

Các trường ĐH - CĐ bán công sẽ chuyển thành trường dân lập, tư thục. 

Ông Tạ Xuân Tề - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết: "Cách đây 10 năm, trường còn là một trường trung học, cơ sở vật chất rất nghèo nàn. Nhờ thực hiện kế hoạch XHHGD, nhà trường đã đạt được nhiều kết quả tốt: quy mô người học từ 750 lên 30.000, bậc đào tạo tăng, ngành nghề đào tạo tăng từ 4 chuyên ngành lên 25, đầu tư cơ sở vật chất với tổng giá trị 280 tỉ đồng, 125 phòng thí nghiệm các loại, ký túc xá có 4.000 chỗ ở...".

Trường ĐH Công nghiệp được Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận đánh giá là một trường ĐH thực hiện rất tốt việc XHHGD, đủ điều kiện chín muồi để có thể chuyển từ trường công lập sang trường ngoài công lập.

Đa số lãnh đạo tỉnh và ngành GD - ĐT đều cho rằng chủ trương XHHGD là đúng đắn nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hiến - Giám đốc Sở GD - ĐT Bình Thuận băn khoăn: "Bỏ trường bán công, nếu không có những chính sách hỗ trợ khác thì liệu khi chuyển qua dân lập, tư thục thì người nghèo có đủ tiền để đóng học phí hay không? Việc phổ cập THPT liệu có thực hiện nổi hay không?".

Ông Hiến ví von: "Vừa vô ga (phổ cập), vừa rà thắng (học phí cao), làm sao xe chạy được?".

Ông Trần Ngọc Sơn - Giám đốc Sở GD - ĐT Đắk Lắk nói: "Đắk Lắk mới chỉ có 34 trường THPT, trong đó có 7 trường bán công và dân lập; cần phải thêm 12 trường nữa mới giải quyết được nhu cầu học tập. Ngoài ra, việc thực hiện công bằng phải đầy đủ với tất cả các dân tộc, nên việc tăng học phí không phải dễ dàng".

Mặc dù có một số khó khăn như các đại biểu đặt ra nhưng đa số đều cho rằng với sự ra đời của Nghị quyết 05, ngành GD - ĐT được đứng trước một cơ hội lớn để phát triển vững chắc, gỡ bỏ những trì trệ từ nhiều năm qua.

Trong phần kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã yêu cầu các bộ chủ quản, các tỉnh thành phải có ngay chương trình hành động cụ thể ngay trong năm nay, có bộ máy tương xứng để thực hiện tốt chủ trương này.

MỚI - NÓNG