Kết luận thanh tra tại NXB Giáo dục:

SGK đắt hơn nhiều lần giá thành vì độc quyền

SGK đắt hơn nhiều lần giá thành vì độc quyền
TP - Lợi nhuận mà NXB Giáo Dục đạt được rất lớn. Trong 4 năm rưỡi, đơn vị này đạt 345,8 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó năm cao nhất (2003) lên đến 93,84 tỷ đồng.
SGK đắt hơn nhiều lần giá thành vì độc quyền ảnh 1
Giá SGK hiện nay được xây dựng trên những căn cứ không hợp lý

Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản kết luận thanh tra tại NXB Giáo dục.

Theo đó, NXB Giáo dục đã có nhiều sai phạm trong công tác xuất bản sách giáo khoa và quản lý tài chính như xây dựng cơ cấu giá bán SGK chưa hợp lý; chi hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân hơn 8,7 tỷ đồng nhưng không có quy chế tài chính về việc chi này...

Công đoàn Bộ GD&ĐT được “biếu” gần 2,4 tỷ đồng

Tổng hợp từ phát sinh thực tế của NXB Giáo dục tại 3 miền trong giai đoạn từ năm 2002 đến 30/6/2006, thanh tra phát hiện NXB này đã chi hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tổng số tiền 8,768 tỷ đồng.

Điều đáng nói, NXB Giáo dục lại không có quy chế tài chính quy định điều kiện được hỗ trợ và mức hỗ trợ. Vì thế, việc thực hiện hỗ trợ chưa chặt chẽ, việc quản lý bị buông lỏng.

Kết quả là NXB Giáo dục đã chi sai 2,658 tỷ đồng (con số này chỉ tính trong các khoản hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân).

Trong đó khoản chi sai “nặng đô” nhất xấp xỉ 2,4 tỷ đồng (từ năm 2002 đến 2006) được chi cho Công đoàn Bộ GD&ĐT. Theo các văn bản đề nghị của Chủ tịch Công đoàn Bộ GD&ĐT thì đây là số tiền Công đoàn Bộ GD&ĐT thanh toán kinh phí tổ chức các hội nghị tập huấn về việc phát hành, sử dụng SGK.

Nhưng theo xác minh tại Công đoàn Bộ GD&ĐT của thanh tra, số tiền này hoàn toàn không được sử dụng đúng mục đích trên mà chủ yếu để chi cho công đoàn viên trong cơ quan Bộ GD&ĐT vào các dịp như: Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch, các ngày lễ trong năm, chi tham quan nghỉ mát, chi văn nghệ.v.v...

Lãi ròng từ kinh doanh độc quyền

Giai đoạn 1997 - 2002, Ban Vật giá Chính phủ quy định giá bán lẻ thống nhất trong toàn quốc. Năm 2002, NXB GD xây dựng lại giá bán cho SGK mới thuộc chương trình đổi mới SGK của Bộ GD&ĐT (giá này được Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính phê duyệt).

Với mục đích xây dựng “giá bán SGK ổn định trong 10 năm”, NXB GD đã căn cứ vào những chi phí “kế hoạch”. Kết quả thanh tra cho thấy, các chi phí “kế hoạch” này chênh lệch với giá thành thực tế nhiều phần trăm (ước tính hàng trăm tỷ đồng).

Chẳng hạn, căn cứ số liệu báo cáo của NXB GD về một số chi phí bao gồm khấu hao tài sản cố định, chi phí hoạt động tài chính, nhuận bút, phim ruột và phim bìa từ năm 2002 – 2005 cho thấy, giá thành kế hoạch cao hơn chi phí thực tế 25, 478 tỷ đồng/ năm (bằng 3,2% doanh thu).

Một nguyên nhân khác khiến giá bán SGK cao hơn nhiều so với giá thành, đó là tỷ lệ chiết khấu bán SGK (chi phí phát hành) không hợp lý. Tỷ lệ chiết khấu bình quân trên cả nước là 24% so với giá bìa.

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế - Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục thì tỷ lệ này cao hơn mặt bằng chung của các nước trong khu vực khoảng 4%.

Việc kiểm tra còn cho thấy, có khoản dù được đảm bảo bằng ngân sách Nhà nước nhưng vẫn được NXB GD đưa vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hoặc như trên đã nói, có những khoản chi chỉ được lấy từ phần lợi nhuận sau khi trích đủ quỹ phát triển kinh doanh và quỹ dự phòng tài chính theo quy định thì NXB GD lại hạch toán vào chi phí sản xuất.

Do đó, giá bán SGK tuy rẻ 5 - 7 lần so với giá bán các loại sách khác nhưng thực tế người mua đã phải mua đắt hơn khá nhiều so với giá thành cuốn sách.

Kết quả, lợi nhuận mà NXB GD đạt được rất lớn. Trong 4 năm rưỡi, đơn vị này đạt 345,8 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó năm cao nhất (2003) lên đến 93,84 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, giá SGK có thể rẻ hơn được nữa. Do đó, nếu giữ nguyên cơ chế xuất bản SGK độc quyền như đang thực hiện thì Bộ GD&ĐT phải chỉ đạo NXB GD giảm giá bán SGK.

MỚI - NÓNG