SGK điện tử nghìn tỷ: Chuyên gia ủng hộ, phụ huynh e ngại

Các hiệu trưởng đang được trải nghiệm về lớp học
Các hiệu trưởng đang được trải nghiệm về lớp học
TP - Ngày 19/8, sau khi Tiền Phong đăng bài “Đề án SGK điện tử tại TPHCM tiêu tốn cả nghìn tỷ, có nên?”, PV Tiền Phong tiếp tục lấy ý kiến của dư luận về vấn đề này.

Chuyên gia ủng hộ


PGS.TS Võ Văn Sen, đại biểu HĐND TPHCM, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn TPHCM cho rằng, đây là đề án hay nhưng phải cẩn trọng và có lộ trình cụ thể trước khi đưa vào hoạt động bởi nếu không sẽ rơi vào “vết xe đổ” như một số cải tiến gần đây của ngành giáo dục TPHCM không thành công do thực hiện quá vội vàng.

“Tuy nhiên, nếu không thí điểm thì cũng có nghĩa ta không bao giờ thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa giáo dục”, ông Sen nói.

Theo ông Sen, các nước phát triển cũng như các trường tư thục hay quốc tế tại Việt Nam đã làm những đề án tương tự rồi. Vì thế, chúng ta có thể học tập và rút kinh nghiệm từ các nước đi trước.

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (thuộc trường đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng, việc sử dụng SGK điện tử, “số hóa” thông tin là cần thiết, phù hợp với học sinh và phụ huynh trong thời đại hiện nay nhưng vấn đề đặt ra là SGK điện tử liệu có thay thế được hoàn toàn SGK truyền thống hay không. 

Theo TS Dung, TPHCM có dân trí cao, kinh tế phát triển nhất cả nước, là nơi đi đầu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục nên việc thí điểm đề án này là một nỗ lực cần được đánh giá cao. “Nếu nguồn ngân sách nhà nước dồi dào thì đây là một đề án hay, góp phần nâng cao năng lực của học sinh và giáo viên, thúc đẩy phương pháp giảng dạy”.

Tuy nhiên, việc bắt buộc mỗi học sinh phải có một máy tính bảng là không cần thiết, các em vẫn có thể sử dụng sách giáo khoa thông thường bởi không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện mua máy tính bảng cho con. 

TS Dung cho biết thêm, với hệ thống trường công lập, SGK điện tử được coi là mới, nhưng với nhiều trường, tư thục hay quốc tế tại TPHCM thì không có gì xa lạ. 

Tuy nhiên, việc thực hiện xây dựng SGK điện tử trong trường công khác hẳn trong trường tư do sử dụng ngân sách của nhà nước cùng sự đóng góp của phụ huynh. Vì thế, muốn thúc đẩy đề án thì phải minh bạch, tiền ngân sách bỏ ra không thể lãng phí”.

Theo TS Dung, TPHCM nên làm thí điểm tại một số trường có chất lượng và đội ngũ giáo viên tốt, cơ sở vật chất đầy đủ và phụ huynh trong tâm thế sẵn sàng tham gia. Sau đó mới tiếp tục nhân rộng mô hình, tránh tình trạng một số trường và phụ huynh chưa sẵn sàng nhưng vẫn đưa vào thí điểm, dễ dẫn đến “trùm mềm, đắp chiếu”…

Phụ huynh băn khoăn

Chị Phạm Thanh Phương (ngụ quận Gò Vấp) có con là học sinh một trường tiểu học ở quận Gò Vấp cho rằng, việc đưa máy tính bảng cho học sinh sử dụng ở lứa tuổi này là không tốt lắm vì con nít sử dụng máy tính bảng sẽ rất nhanh hỏng. 

Con chị Phương năm nay học lớp 3, nếu thí điểm tức chị phải mua một cái máy tính bảng từ 4- 5 triệu đồng cho con đi học, trong khi SGK chị vừa mới mua xong. 

Bên cạnh đó, mặc dù lớp 3 nhưng nhiều câu chữ con chị vẫn chưa viết được thành thạo, giờ lại học trên máy tính nên việc được thầy cô nắm tay chỉ dẫn sẽ ít đi, tương tác giữa hai thầy và trò giảm xuống… dẫn đến con dễ bị thụ động. 

“Cũng theo đề án, năm sau chưa thực hiện ở lớp 4 nên con tôi phải học lại SGK thông thường, vậy coi như học nửa vời à?”, chị Phương nói.

Còn anh Nguyễn Văn Hậu, có con học lớp 2 (trú phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM) cho rằng, nếu con anh đi học mà mang theo máy tính bảng thì đúng là nhẹ nhàng thật nhưng anh lo sợ chuyện cướp giật.

“Cũng theo đề án, năm sau chưa thực hiện ở lớp 4 nên con tôi phải học lại SGK thông thường, vậy coi như học nửa vời à?”.

Chị Phương

“Hai vợ chồng tôi thường đi làm về muộn nên mỗi lần đón con luôn trễ từ 10- 15 phút, lúc đó không biết con tôi sẽ ra sao với cái máy tính bảng bởi Sài Gòn này cướp giật nhiều lắm. Còn nếu bỏ máy tính ở trường thì về nhà không biết lấy gì cho con học, chẳng lẽ mua thêm bộ sách nữa để ở nhà?”, anh Hậu nói.   

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Dương (trú quận 5, TPHCM), làm nhân viên tạp vụ của một công ty ở quận 3 lương chỉ hơn 3 triệu đồng lo ngại: “Đến đầu năm học, vợ chồng tôi phải chạy đôn chạy đáo để kiếm tiền đóng học phí cho hai đứa con, giờ mà mua thêm máy tính bảng cho đứa út đi học nữa thì biết lấy tiền ở đâu đây?”.

MỚI - NÓNG