SGK lớp 5, lớp 10: Chỉ kế thừa và điều chỉnh

SGK lớp 5, lớp 10: Chỉ kế thừa và điều chỉnh
TP - Tại Triển lãm sách và thiết bị giáo dục 2006 do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức tại TPHCM từ 14 - 17/5, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chủ trì họp báo xung quanh việc phát hành sách giáo khoa (SGK) năm học 2006-2007.

SGK lớp 5 đã được phát hành rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 10/5. SGK lớp 10 dự kiến sẽ được phát hành vào tháng 6/2006.

Cho nên, vấn đề được chú ý nhất trong hội chợ triển lãm 2006 là việc thay đổi SGK lớp 5, lớp 10 và thiết bị giáo dục (TBGD) phục vụ cho công tác giảng dạy năm nay.

Ông Phạm Vũ Luận phát biểu: “Xã hội đang dị ứng với việc thay đổi xoành xoạch chương trình giáo khoa các khối lớp. Chúng tôi rất chú ý đến vấn đề này. Chúng tôi khẳng định SGK lớp 5, lớp 10 chỉ là kế thừa và điều chỉnh cho tốt hơn”.

Việc ban hành 2 bộ SGK lớp 5, lớp 10 và TBGD năm nay có nhiều nét mới: Chương trình học đã được “giảm tải” (khoảng 15%) để nâng cao chất lượng học tập như việc điều chỉnh nội dung SGK các khối lớp trước đó.

Trong đó, cấu trúc SGK lớp 5 sẽ tăng phần hình ảnh, SGK lớp 10 sẽ là một cuốn “SGK mở”, bao gồm thông tin và câu hỏi hướng dẫn liên hệ kiến thức từ các bài trước và từ thực tế, không lý thuyết suông.

Về TBGD, Bộ GD – ĐT đã tổ chức 4 buổi tập huấn trên toàn quốc, trong đó đáng chú ý nhất là giao toàn quyền mua các thiết bị này cho hiệu trưởng các trường để đảm bảo nguyên tắc Bộ đưa ra.

Năm 2005, mức giá tối đa cho các TBGD được đưa ra ngay trong Hội chợ nhưng năm nay, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính về phương án giá, sau đó thực hiện thẩm định giá ở các địa phương.

Việc các Cty, NXB nước ngoài, liên kết với nước ngoài như Intel, NXB Oxford… có mặt tại cuộc triển lãm năm nay cũng góp phần tạo nên một “cú hích” mới cho việc hoàn thiện chất lượng TBGD trong nước.

Còn nhiều hạn chế

Cho dù được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, nghiêm túc nhưng việc ban hành SGK bộ mới lớp 5, lớp 10 và TBGD vẫn còn vấp phải rất nhiều hạn chế.

Ngay cả Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Vũ Luận cũng phải công nhận: Tuy TBGD đã khá phong phú nhưng hiệu quả sử dụng thiết bị còn thấp là hoàn toàn thực tế.

Việc đưa SGK và TBGD về các trường chưa hiệu quả phụ thuộc nhiều nguyên nhân, muốn khắc phục cần làm một cuộc “cách mạng” về phương pháp dạy học và liên tục, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy tại các ngành, khoa sư phạm các trường đại học, cao đẳng.

Một vấn đề khó giải quyết dứt điểm là có rất nhiều giáo viên, cán bộ công tác lâu năm, đóng góp rất nhiều cho xã hội nhưng trình độ còn rất thấp. Bộ GD - ĐT đang tính đến nhiều phương án như: chuyển ngành, thuyên chuyển… nhưng rất khó thực hiện.

Về việc đưa môn Tin học vào môn học chính khóa, Bộ GD – ĐT cho biết đã có quyết định chính thức: Đối với cấp tiểu học và PTCS sẽ khuyến khích trở thành môn tự chọn. Riêng với khối PTTH, bắt buộc phải đưa môn Tin học vào chương trình bắt buộc 2 tiết/tuần.

Đây có thể sẽ là quyết định gây nhiều tranh cãi từ các trường. Bởi, tuy hiện nay đã có một số nơi thực hiện công tác xã hội hóa công nghệ thông tin rất tốt nhưng tại nhiều địa phương, việc xây dựng một phòng bộ môn đủ chuẩn với số lượng máy khoảng 40 chiếc/ phòng là việc rất khó thực hiện.

 Kéo theo đó là số lượng giáo viên, giáo trình phục vụ cho môn học này chưa đủ để phục vụ công tác giảng dạy. Để đưa vào thực tế quyết định này không phải là chuyện dễ. 

MỚI - NÓNG