SGK tiểu học mới: Giáo viên cũng quá tải

SGK tiểu học mới: Giáo viên cũng quá tải
Năm học tới, việc áp dụng SGK mới sẽ tiếp tục triển khai đối với lớp 4. Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) tỏ ra khá lạc quan nhưng ở nhiều nơi giáo viên đã phải “đánh vật” với chương trình...
SGK tiểu học mới: Giáo viên cũng quá tải ảnh 1

Khai mạc hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình SGK lớp 1, 2, 3 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hải Phòng, ông Trịnh Quốc Thái – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học – cũng đã khẳng định: “Việc một bộ sách phù hợp với mọi đối tượng là điều không khả thi. Vấn đề ở chỗ chúng ta cần xem xét có phải nó (SGK mới– PV) quá tải với tất cả mọi đối tượng hay không?”.

Phải chăng đó là cách đặt vấn đề để cơ quan quản lý nhà nước “bình thường hoá” những “phàn nàn” sau đó của các đại biểu về những biểu hiện quá tải của chương trình, SGK mới?

Theo các ý kiến được đưa ra trong cuộc thảo luận nhóm, việc triển khai chương trình – SGK mới ỏ rất nhiều địa phương đang hết sức khó khăn. Có rất nhiều lý do: điều kiện vật chất nghèo nàn, thiếu thốn; đối tượng HS gồm nhiều dân tộc khác nhau; điều kiện giao lưu, tiếp xúc của HS hạn chế; trình độ GV thấp...

Như các tỉnh miền núi cao, hầu như tỉnh nào cũng có từ 15 – 22 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. Tỉ lệ HS tiểu học là người dân tộc thiểu số đều ở mức trên 90%. Trong đó một phần lớn các em (khoảng trên dưới 40%) chưa từng được học mẫu giáo nên không nói được tiếng Việt khi bước vào học lớp 1.

Để giải quyết tình trạng này, các tỉnh trên đưa ra một giải pháp tình thế: vận động trẻ 5 tuổi vào ngồi trong các lớp 1, lớp 2 để các em được làm quen với tiếng Việt.

Bà Hoàng Thị Sinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết: “Việc này rất ảnh hưởng tới tổ chức lớp học vì các em đó rất mất trật tự. GV dạy đã chật vật rồi, lại phải quản lý thêm những em đó nên rất mất thời gian, tiết học cứ phải kéo dài mới đảm bảo chương trình”.

Được biết, năm vừa rồi riêng huyện Bảo Lâm của Cao Bằng có đến 480 em 5 tuổi ngồi nhờ trong lớp 1.

Một tình trạng khác ảnh hưởng tới chất lượng chương trình, SGK mới là lớp ghép. Một lớp ghép 2 trình độ. Trong khi đó Bộ GD&ĐT chưa hề có tài liệu hướng dẫn cho những GV phải dạy lớp ghép. Các tỉnh miền núi thấp, miền Trung cũng rất nhiều lớp ghép.

Đặc biệt đáng lo ngại là trình độ GV. Tỉ lệ GV đạt chuẩn ở các tỉnh miền núi cao phía Bắc nói chung đều trên 90%. Như Lai Châu là 96%.

Nhưng như ông Thái Văn Vinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu nói: “Chuẩn miền núi là chuẩn 9 + 3 (GV đã học hết lớp 9 và được đào tạo 3 năm Trung cấp Sư phạm – PV). Nhưng phần lớn các GV đó được “chuẩn hoá” từ trình độ đào tạo rất thấp trước đó như 4 + 3, 5 +1...”.

Từ trình độ của GV như vậy nên đại biểu các tỉnh khó khăn đều đồng loạt nêu ý kiến: Chương trình mới quá tải trước hết ngay với chính GV! Ông Hà Sĩ Hùng (Trưởng phòng Tiểu học Sở GD&ĐT Bắc Kạn) đề nghị: “Tài liệu tập huấn cho GV dạy chương trình mới hiện nay sơ sài quá, cần phải sâu hơn, kỹ hơn, đầy đủ hơn. Có thế GV mới nắm bắt được kiến thức của SGK để tổ chức dạy cho HS”.

Một ý kiến khác đề nghị: “Phải làm thế nào để có cơ chế cho HS miền núi được học 2 buổi/ ngày. Chương trình này mà HS miền núi không được học 2 buổi/ ngày thì “chết”!”.

Về việc chương trình, SGK mới có quá tải hay không trong dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, như ông Nguyễn Duy Hà, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT Thanh Hoá nhận xét: “Giải quyết bài toán “giảm tải” là phải giải quyết đồng bộ (cơ sở vật chất, đội ngũ GV, điều kiện GD, thời lượng học tập...) chứ không thể chỉ cắt giảm chương trình một cách cơ học”.

Đổi mới chương trình, SGK bậc tiểu học hiện nay chưa thực hiện hết 1 “vòng”. Lớp 4 năm học tới mới triển khai đại trà. Lần lượt tiếp theo sẽ là lớp 5. Vẫn biết Bộ GD&ĐT sẽ có sự chỉ đạo để điều chỉnh chương trình phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh không chỉ căn cứ vào kết quả ở một số địa phương có điều kiện thuận lợi và kết quả trên báo cáo. Làm sao để một bộ phận rất lớn HS ở những vùng khó khăn “theo” được chương trình và thật sự có được chuẩn kiến thức và kĩ năng như yêu cầu! Đó là điều dư luận xã hội đòi hỏi ở ngành GD&ĐT trong triển khai chương trình, SGK mới.  

Các ý kiến cũng chỉ ra Chương trình chưa dành thời gian thích đáng cho nội dung giáo dục dân tộc, giáo dục địa phương, chưa làm rõ các hoạt động giáo dục với các môn học, vẫn còn quá tải với học sinh và còn nhiều chi tiết chưa thống nhất giữa SGK và sách giáo viên.

Đối với môn Tiếng Việt lớp 1, mỗi tuần học 10 âm là quá tải đối với một học sinh trung bình. Phần học vần còn những từ khoá, từ ứng dụng phù hợp với học sinh phía Bắc nhưng không phù hợp với học sinh khu vực phía Nam, chẳng hạn như từ: Tấm liếp, cá diếc....

Ở môn Tiếng Việt lớp 2, có những nội dung học sinh gặp khó khăn, lúng túng như : yêu cầu học sinh thuộc địa chỉ, ngày sinh của bạn; yêu cầu học sinh viết thư hỏi thăm ông, bà khi được tin quê nhà bị bão; yêu cầu học sinh tìm những loại cá nước mặn, nước ngọt.

Cũng ở môn Tiếng Việt lớp 2, bài 3, tuần thứ 3 có bài tập với nội dung: Tìm những từ nói lên phẩm chất của nhân dân Việt Nam! Đây là một bài tập quá khó, vượt khả năng của một học sinh lớp 2. Bài tuần thứ 19 có nội dung không phù hợp với học sinh miền Nam (ở  miền Nam, 4 mùa đều có quả, trong khi nội dung bài học yêu cầu học sinh  xếp các loại quả vào từng mùa cụ thể!).

Ở môn Tiếng Việt lớp 3, số lượng bài tập nhiều, khó khiến cho học sinh khó thực hiện được đầy đủ. Tuần thứ nhất thuộc phần Tập làm văn có bài nói về Đội Thiếu niên Tiền Phong trong khi học sinh lớp 3 chưa đủ tuổi vào Đội…

Ở môn Toán lớp 1, 2,3, theo đánh giá của Vụ Tiểu học thuộc Bộ GD-ĐT thì có một số tiết bài tập quá  nhiều, giáo viên không đủ thời gian để hướng dẫn học sinh thực hiện tại lớp.

Một số bài có nội dung yêu cầu quá cao (Số bé bằng một phần mấy số lớn); Một số nội dung chưa phù hợp thực tế (Tiền Việt Nam, Cân đĩa). Môn Đạo đức còn một số bài khó, chưa phù hợp với điều kiện một số địa phương như bài: Đoàn kết với thiếu nhi quốc tế; Tôn trọng khách nước ngoài....

Qua 3 năm thực hiện chương trình và SGK mới, tổng hợp số liệu báo cáo từ các địa phương cho thấy có sự chênh lệch rất cao về kết quả học tập của học sinh giữa vùng, miền.

Trong khi tỷ lệ học sinh đạt loại giỏi môn Tiếng Việt và Toán  lớp 3 ở các thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng đạt trên 60% thì tỷ lệ này ở các tỉnh khó khăn, có nhiều học sinh dân tộc như Yên Bái, Sơn La, Kon Tum...  chỉ đạt  6,5%. 

Trong khi đó, tỷ lệ học sinh yếu môn Tiếng Việt, môn Toán lớp 3 ở các thành phố lớn chỉ ở từ 0,1- 0,19% thì tỷ lệ này ở những tỉnh nghèo, có nhiều học sinh dân tộc chiếm hơn 5%.  

MỚI - NÓNG