Sinh viên bị thôi học: Cần thiết phải siết chặt đầu ra

Siết chặt đầu ra đối với đại học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh: Như Ý.
Siết chặt đầu ra đối với đại học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh: Như Ý.
TP - Hàng trăm sinh viên thôi học mỗi năm ở một trường đại học (ĐH). Tình trạng “vào” bằng nào “ra” bằng đấy đã không còn. Nhưng giải pháp nào cho vấn đề này để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của người học và các trường vẫn giữ được chất lượng đào tạo mới là vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Sáng qua, 8/11, trao đổi với Tiền Phong, PGS. TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết trung bình hàng năm (tính từ năm học 2011 - 2012 đến nay), số sinh viên thôi học tự nguyện và buộc thôi học (gọi tắt là thôi học) tại trường này khoảng 700 - 800 sinh viên. Nếu chia trung bình cho 4 -  5 khóa học thì mỗi khóa, số sinh viên thôi học tại trường từ 140 sinh viên đến 200 sinh viên. Riêng năm học 2014- 2015, số sinh viên diện này vọt lên 1.400 sinh viên. Lý giải con số này, PGS Trần Văn Tớp cho biết đó là lần đầu tiên trường áp dụng quy định mới về chứng chỉ ngoại ngữ trước khi ra trường. Trong số những sinh viên thôi học trong thời gian qua, theo từng năm học, tỷ lệ sinh viên thôi học tự nguyện thường dao động từ gần 30% đến 50%. Còn nếu tính theo khóa học, (tính từ K54 (nhập học năm 2009) đến nay là K62) thì K56 (nhập học năm 2011) là khóa có số lượng sinh viên thôi học lớn nhất với trên 1.000 sinh viên. Tuy nhiên, đó cũng là năm bắt đầu chỉ tiêu tuyển sinh của trường tăng lên. PGS Trần Văn Tớp cho rằng tỷ lệ sinh viên thôi học tại trường thường chiếm khoảng trên 15%.

Một số nguyên nhân khác lý giải cho tình trạng này được PGS. Trần Văn Tớp nêu ra như: Với những sinh viên thôi học tự nguyện  thường là sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai. Đây là những sinh viên cảm thấy không theo học được, hoặc chuyển trường, hoặc đi du học hoặc hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh tật... Còn với những sinh viên bị buộc thôi học nguyên nhân là do không đạt được kết quả học tập theo quy chế, thời gian học vượt quá quy định cho phép của quy chế đào tạo ĐH.

Trong khi đó, đại diện trường ĐH Thủy lợi cho biết số sinh viên thôi học mỗi năm tại trường khoảng vài chục người. Bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại thương cũng cho biết mỗi năm trường có vài chục sinh viên thôi học. Trong đó 50% trong số này đi du học. Số còn lại phần lớn là những sinh viên bị bệnh về tâm lý, không theo học được hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Được cảnh báo nhưng vẫn không qua

Bà Đặng Hương Giang - Trưởng phòng Công tác chính trị và Quản lý sinh viên ĐH Thủy lợi cho biết hàng năm trường đều có thông báo cảnh báo cho sinh viên. Sau khi kết thúc học kỳ, những sinh viên thuộc diện yếu, kém sẽ nhận được thông báo cảnh báo đồng thời yêu cầu chủ nhiệm mỗi khoa phải gặp gỡ, nói chuyện với những sinh viên này để các em cố gắng cải thiện năng lực học tập. Do đó, tỷ lệ sinh viên bị thôi học hàng năm rất thấp. Còn về phía trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS Trần Văn Tớp cho biết trường cũng có 3 mức cảnh báo đối với sinh viên. Trong đó mức 1, mức 2 là để sinh viên có cơ hội cải thiện điểm. Mức 3 mới buộc thôi học.  Từ số liệu sinh viên thôi học hàng năm, trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ có những phân tích cụ thể từng đối tượng để tìm nguyên nhân cũng như giải pháp. Nhưng quan điểm của trường là giữ vững chất lượng đào tạo nhưng cũng phải điều chỉnh chương trình linh hoạt hơn. PGS. Trần Văn Tớp cho hay, chương trình đào tạo của trường được người sử dụng lao động xếp vào chương trình yêu cầu cao. Do đó, môn Toán và các môn khoa học cơ bản chiếm khoảng 30 -32 tín chỉ đào tạo. Riêng môn Toán chiếm từ 20 – 22 tín chỉ, trong đó Toán cao cấp chiếm 14 tín chỉ. “Tuy nhiên, nếu như trước đây, tất cả các ngành kỹ thuật của trường, chương trình các môn này thiết kế như nhau thì từ năm nay, trường đã thiết kế phù hợp với yêu cầu của từng khối ngành” – PGS. Trần Văn Tớp cho biết.

Những năm trước, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội thường gặp 2 khó khăn. Thứ nhất, giảng viên thường yêu cầu cao ở sinh viên. Điểm trung bình Toán và các môn khoa học cơ bản của sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội thường chỉ đạt 2.0/4.0. Thứ hai, môn Toán và các môn khoa học cơ bản thường được xếp gọn trong năm học thứ nhất. Điều này khiến sinh viên “choáng” vì vừa từ phổ thông lên.  Từ năm nay, trường bắt đầu giãn thời gian học cho sinh viên, các em có thể học trong 3, 4 kỳ, thay vì 2 kỳ đầu như trước đây. “Cũng phải nói rằng, một phần nữa là do ý thức học tập của sinh viên. Không ít sinh viên lơ là trong học tập. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận là phương pháp học tập ở ĐH khác với phổ thông nên đòi hỏi sinh viên phải tự giác, nỗ  lực cao hơn” - PGS. Trần Văn Tớp chia sẻ.

Để vẫn đảm bảo mục tiêu đào tạo và đảm bảo không lãng phí nguồn lực xã hội, theo PGS. Trần Văn Tớp, ngoài việc điều chỉnh chương trình học linh hoạt hơn cho sinh viên thì trường dự định sẽ có những cảnh báo khi sinh viên truy cập vào tài khoản học tập của mình. Ngoài ra, trường cũng dự kiến sẽ lập cho phụ huynh mỗi sinh viên một tài khoản riêng để theo dõi quá trình học tập của con em mình” – PGS. Trần Văn Tớp cho hay.

Thời gian học kéo dài mãi được không?

Trong khi đó, chia sẻ với Tiền Phong, bà Phạm Thị Ly, một chuyên gia về giáo dục ĐH cho rằng qua tìm hiểu thì bà thấy sinh viên một số trường ĐH của Mỹ có thể đến học hoặc bảo lưu kết quả tùy theo nhu cầu của mình. Nhưng với giáo dục ĐH của Việt Nam thì điều này chưa thực hiện được có lẽ liên quan đến vấn đề học phí. Học phí tại các trường ĐH công lập vẫn được nhà nước chi trả một phần. Nên nhà nước không thể có tài chính để cho người học kéo dài mãi khóa học. “Giải pháp cho vấn đề này có thể áp dụng đó là với các trường ĐH công lập chưa tự chủ tài chính, nhà nước quy định thời gian có thể hỗ trợ học phí đào tạo đến một khoảng thời gian nhất định. Vượt qua khoảng thời gian đó, người học sẽ phải đóng học phí học tập 100%” - bà Ly đề xuất.

Tuy nhiên, PGS. Trần Văn Tớp cho rằng cần phải tách riêng 2 vấn đề: học để được cấp bằng và học để lấy kiến thức. Với việc người học có nhu cầu học để lấy kiến thức, trường có đào tạo theo dạng mô - đun. Học xong, người học sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành mô - đun kiến thức đó. Nên người học muốn học lúc nào và học trong thời gian bao lâu cũng được. Còn nếu học để được cấp bằng thì phải tính đến tính logic của chương trình đào tạo và thời gian tiếp nhận kiến thức. “Ví dụ, với người học để được cấp bằng, muốn học môn B, phải qua môn A. Vì vậy, không thể nói học môn A xong, 10 năm sau quay lại học môn B cũng được. Vì lúc đó, kiến thức đã thay đổi và người học cũng không thể nhớ hết được kiến thức môn A đã học cách đó 10 năm. Chính vì vậy, điều này giải thích vì sao chứng chỉ ngoại ngữ chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định” – PGS. Trần Văn Tớp nêu ví dụ. Do đó,  PGS. Trần Văn Tớp cho rằng nếu học để được cấp bằng thì thời gian học không nên quá dài. Việc quy chế đào tạo quy định thời gian phải hoàn thành khóa học là hợp lý.

Một số nguyên nhân khác lý giải cho tình trạng này được PGS. Trần Văn Tớp nêu ra như: Với những sinh viên thôi học tự nguyện  thường là sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai. Đây là những sinh viên cảm thấy không theo học được, hoặc chuyển trường, hoặc đi du học hoặc hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh tật... Còn với những sinh viên bị buộc thôi học nguyên nhân là do không đạt được kết quả học tập theo quy chế, thời gian học vượt quá quy định cho phép của quy chế đào tạo ĐH. 

MỚI - NÓNG