Sinh viên muốn phản ánh nhiều điều với hiệu trưởng

Sinh viên muốn phản ánh nhiều điều với hiệu trưởng
Năm nhóm vấn đề mà sinh viên (SV) cho rằng sẽ phát biểu trong buổi gặp mặt với hiệu trưởng là cơ sở vật chất, giảng dạy, các chế độ chính sách, ký túc xá, các điều kiện trong sinh hoạt học đường...
Sinh viên muốn phản ánh nhiều điều với hiệu trưởng ảnh 1
SV đối thoại với ban giám hiệu Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tháng 5/2007. Ảnh: Tuổi trẻ.

>> 64% SV không biết mặt hiệu trưởng

Rất nhiều ý kiến được đưa ra với câu hỏi "Nếu hiệu trưởng tiếp xúc SV thì bạn sẽ trao đổi điều gì?". Trong đó chủ yếu các vấn đề được SV đề cập là: học phí, cải thiện cơ sở vật chất của trường; giảm tải chương trình học và tổ chức nhiều chương trình đi thực tế cho SV; vấn đề việc làm của SV khi ra trường; thái độ tiếp xúc SV của các phòng ban; giảm bớt những thủ tục không cần thiết khi cần xin những giấy tờ; có thêm nhiều ưu đãi, quan tâm đến cuộc sống của SV nghèo; chất lượng giảng dạy của giảng viên...

Ở khía cạnh cơ sở vật chất, đa số SV phản ảnh tình trạng phòng học không đảm bảo chất lượng, thiếu máy chiếu. Nhiều SV các trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đề nghị nên mở cửa các phòng học vào buổi trưa để SV học cả ngày có thể tạm nghỉ lấy lại sức.

Nhiều SV cũng quan tâm đến các trang web của nhà trường và đề nghị nên cải tiến trang web để cung cấp thêm nhiều thông tin hơn nữa.

Đáng lưu ý, nhiều SV còn thắc mắc quanh việc "triển vọng ngành học" của mình: "Ngành này không biết ra trường làm gì, cơ hội nghề nghiệp ra sao?". Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, "đề nghị hướng dẫn phương pháp học cho SV".

Bên cạnh đó, cũng có không ít người phàn nàn về việc xây dựng thời khóa biểu không hợp lý, giảng viên đi trễ hoặc bỏ giờ mà không thông báo trước, các thủ tục hành chính liên quan đến việc xin giấy tờ, bảng điểm còn nhiêu khê...

Nhiều SV có ý kiến, khi gặp hiệu trường sẽ xin lời khuyên về cách sống, vì "thầy là hiệu trưởng nên lời khuyên có giá trị rất lớn lao". Hoặc có ý kiến sẽ hỏi "về phương châm sống của thầy trong cuộc sống".

Thú vị hơn, có nhiều ý kiến cho rằng sẽ đóng góp với thầy hiệu trưởng về phong trào hoạt động của trường, để trường mình không thua kém những trường khác…

Khi người học là… khách hàng

Hiện nay, hầu hết các trường đã và đang chuẩn bị tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó việc lấy ý kiến đánh giá của SV là một kênh quan trọng của quá trình này. Đồng thời, nó thể hiện sự dân chủ trong học đường và ngày có nhiều trường tiến hành lấy ý kiến của SV, xem SV như "khách hàng" đang phản ảnh với "nhà cung cấp dịch vụ”.

Tại các buổi tiếp xúc giữa lãnh đạo các trường và SV luôn diễn ra trong không khí sôi động, thậm chí còn "đầy kịch tính" như lời ông Nguyễn Anh Đức (trưởng phòng công tác chính trị - quản lý SV, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM).

Ông Đức cho biết: "Gần đây nhất là buổi gặp gỡ đối thoại với SV ở học kỳ II, những câu hỏi chất vấn và tranh luận đôi khi dẫn đến cao trào, khiến ai đó nếu tình cờ vào hội trường thì cứ ngỡ đây là một buổi chất vấn để bầu lại lãnh đạo nhà trường nhiệm kỳ mới".

Còn Lê Thanh Phong - SV khoa cơ khí động lực - tâm sự: "Đây là dịp để SV bày tỏ nguyện vọng, thắc mắc trong quá trình học, để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Tại buổi đối thoại vừa qua, tôi đếm có hơn 30 ý kiến thắc mắc liên quan đến các lĩnh vực: đào tạo, điểm rèn luyện, chế độ học bổng, đồ dùng học tập, y tế, thư viện, các hoạt động đoàn, Hội".

Ngay tại hội nghị SV cấp trường của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) năm học 2006 - 2007, đại diện phía SV đã đặt câu hỏi, thậm chí là lời đề nghị về phía ban giám hiệu phải có phương thức tìm hiểu tại sao một môn học mà lại có nhiều SV bị rớt, tài liệu học tập, tham khảo...

Thậm chí, trên diễn đàn SV Bách khoa của trường này, mục "thư gửi hiệu trưởng" đã có nhiều ý kiến phản ảnh suy nghĩ của mình đến một số phòng ban, bãi giữ xe, chế độ chính sách, trợ cấp, bảo lưu điểm…

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG