Sinh viên Mỹ cũng "xào" bài

Sinh viên Mỹ cũng "xào" bài
Internet đã giúp cho sinh viên, học sinh truy cập vào một đại dương kiến thức. Thế nhưng Internet cũng đang tạo ra một biểu hiện biến thái của hành vi gian lận thi cử - vốn có từ cổ xưa: Những "cối xay bài luận".
Sinh viên Mỹ cũng "xào" bài ảnh 1

Nguồn: BBC

Web đang dung chứa hàng chục website "Cối xay bài luận" như vậy, bao gồm Custom Research Papers, ThePaperExperts.com và Term Paper Relief. Tại những site này, các bài luận được bán với giá khá "cắt cổ": 15 USD/trang.

Theo điều tra của giáo sư Donald McCabe, đại học Rutgers University, New Jersey thì đã có tới 37% số sinh viên đại học thừa nhận "sao chép" một phần tiểu luận của mình từ mạng Web (Tỷ lệ này chỉ là 10% vào năm 1999).

Có 3 % thừa nhận đã download và nộp toàn bộ tiểu luận trên mạng cho giảng viên, còn 77% cho rằng sao chép các tài liệu từ mạng Internet chẳng phải vấn đề gì nghiêm trọng.

Đầu hàng trước cám dỗ

Ai cũng trân trọng tính "gin" của bài luận, nhưng khi phải đối mặt với hạn nộp và lịch học kẹt cứng, các sinh viên lập tức nghĩ đến "sao chép tài liệu" - dù chỉ vài đoạn hay toàn bộ luận văn - như một phương pháp "đi tắt" tiện lợi.

"Sinh viên tin vào sự thành thật và chân thực chứ, nhưng vào nhiều thời điểm, những giá trị ấy dường như bị lãng quên, nhường chỗ cho những nhu cấp bức bách hơn", giáo sư Donald nhận định.

Cám dỗ "đi tắt" đã ăn sâu vào nền văn hóa Mỹ hiện đại - từ các vận động viên chuyên nghiệp sử dụng thuốc kích thích để tăng thành tích cho đến những tập đoàn sử dụng các chiêu bài cổ phiếu "lập lờ" để thưởng tắt cho các quan chức lãnh đạo....

Một trong những vụ đình đám nhất xảy ra vào mùa xuân vừa qua, khi nhà xuất bản Little Brown & Co buộc phải thu hồi cuốn tiểu thuyết "How Opal Mehta got Kissed, Got Wild, and Got a Life" sau khi báo chí phanh phui rằng phần lớn tác phẩm này là sự sao chép, xào xáo lại từ những tiểu thuyết khác.

Một phần căn nguyên là do tốc độ phát minh và sáng tạo trên đất Mỹ đang gây áp lực quá lớn lên nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. "Thế mạnh của người Mỹ cũng chính là một điểm yếu", giáo sư Leigh Hafrey của học viện Công nghệ Massachussetts nhận định.

Thêm nữa, sinh viên còn chịu một áp lực tâm lý rằng nếu như họ không đạt điểm cao ở trường, họ sẽ bị từ chối các cơ hội thăng tiến ngoài xã hội.

Viết lại và cải biên

Custom Research Papers phản biện rằng các sinh viên có quyền tìm kiếm những tài liệu tham khảo chuyên nghiệp, phục vụ cho việc học tập của mình.

"Khi bạn gặp luật sư để xin tư vấn, bạn đâu bị coi là gian lận, bởi vì bạn trả tiền cho ông ta để xin kiến thức chuyên môn. Dịch vụ chúng tôi cũng tương tự như vậy".

Tuy nhiên, đại đa số các site khác đều cho rằng những tài liệu này chỉ mang tính tham khảo, và các sinh viên nên trích dẫn rõ nguồn gốc khi họ sử dụng chúng.

"Thật là chày cối. Họ đang kiếm tiền từ việc bán tài liệu cho sinh viên, với mục đích tiếp tay cho sinh viên gian lận dưới một chiêu bài đầy hoa mỹ", John Barrie tuyên bố.

John là người sáng lập ra Turn It In, một dịch vụ trực tuyến mà các trường đại học thường thuê để chấm điểm bài luận sinh viên.

Theo Trọng Cầm
VietnamNet/Reuters

MỚI - NÓNG