Sinh viên Mỹ thuê sách để tiết kiệm tiền

Sinh viên Mỹ thuê sách để tiết kiệm tiền
TPO - Ngày càng nhiều sinh viên Mỹ mua sách giáo khoa cũ hoặc thuê sách để tiết kiệm tiền do giá loại sách này không ngừng tăng cao.
Sinh viên Mỹ thuê sách để tiết kiệm tiền ảnh 1

Nhiều sinh viên Mỹ chỉ thuê sách giáo khoa chứ không mua. Ảnh: internet.

Giá sách giáo khoa ở Mỹ thời gian qua không ngừng tăng cao. Ước tính, mỗi sinh viên phải dành từ 700 USD đến 1.000 USD để mua sách giáo khoa mỗi năm.

Vì thế, một số sinh viên Mỹ tiết kiệm tiền bằng cách mua sách cũ hoặc mua sách giảm giá trên mạng internet, hay trực tiếp tải từ mạng về. Họ cũng khá "lăn tăn", chỉ quyết định mua cuốn thực sự cần thiết.

Lauren Morency, 20 tuổi, sinh viên khoa Tâm lý, trường Đại học Cathonic, cho biết, sinh viên năm đầu thường tốn nhiều tiền để mua sách giáo khoa vì họ chưa biết tìm những địa chỉ bán sách giá rẻ.

Morency nhớ lại, hồi học năm nhất, cô mua tất cả sách giáo khoa cần thiết cho học phần đầu ở hiệu sách nhà trường, mất hơn 1.000 USD. Sau đó, các anh chị sinh viên năm hai, ba khuyên cô mua sách trên mạng với giá rẻ hơn rất nhiều.

Năm thứ hai, Morecy mua sách trên trang half.com của eBay, nhờ đó tiết kiệm được khoản tiền khá lớn. Đến năm thứ ba, hầu hết các cuốn sách cô thuê trên trang chegg.com, nên chỉ phải chi 400 USD cho học kỳ trước và 270 USD cho học kỳ này.

Chegg.com được khai trương năm 2007, cho sinh viên của hơn 6.400 trường đại học thuê hơn hai triệu cuốn sách. Sinh viên có thể thuê sách theo học kỳ, theo quý, hoặc thuê suốt mùa hè với những giá khác nhau, phụ thuộc vào tiêu đề của sách có được ưa chuộng không hoặc khi học kỳ mới bắt đầu.

Giá thuê sách ở đây chỉ bằng một nửa giá bán lẻ. Sinh viên có nhu cầu, chỉ cần nhấp chuột vào biểu tượng màu da cam trên chegg.com, là có thể sở hữu ngay cuốn sách mình cần.

Trang chegg.com càng nổi tiếng và được ưa chuộng hơn khi tận dụng Twitter và Facebook quảng bá cho dịch vụ của mình.

Trang web này còn tuyển chọn một đội ngũ “đại sứ” sinh viên, trả 5 USD cho mỗi khách hàng lôi kéo được (có sinh viên kiếm được 17.000 USD nhờ công việc “đại sứ” này).

Trước thực trạng trên, hiện, nhiều hiệu sách của trường đại học ở Mỹ đang cố gắng thay đổi hình ảnh, gần gũi và “lấy lòng” sinh viên bằng cách cho phép mua sách trên mạng, mở dịch vụ cho thuê sách, cũng như luôn nhấn mạnh tính thuận tiện, giá cả phải chăng của hiệu sách.

Giám đốc hiệu sách trường Đại học George Mason khẳng định: “Chỉ có cho sinh viên thuê sách với giá rẻ mới có thể giữ chân họ. Đó cũng là cách tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên yên tâm học và phát triển”.

Phạm Hằng
Theo Washington Post

MỚI - NÓNG