Sinh viên chống tiêu cực ở giảng đường

Sinh viên chống tiêu cực ở giảng đường
Nhiều sinh viên đã dám đứng lên tố cáo những tiêu cực ngay trong nhà trường. Họ thực sự là những nốt bổng trong một bản nhạc mà ''nhạc luật của nó vẫn còn đang hỗn loạn xô bồ''. Nhưng...

Bình An, Ngọc Lâm và nhiều sinh viên khác của trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định) đã phải trải qua một "Kỳ thực tập kinh hoàng" (Thanh niên số ra ngày12/04).

Chỉ khi Bình An, Ngọc Lâm dám lên tiếng thì sự việc mới được phanh phui. Trong kỳ thực tập sư phạm tại Trường tiểu học K.Đ ở thành phố Quy Nhơn, họ đã được các thầy cô  ''thẳng thắn'' gợi ý chuyện quà cáp, liên hoan...làm nhiều người phải dở khóc dở cười.

Có thể sự việc trên trong cả nước chưa nhiều người biết đến. Nhưng có một dạo thành phố biển Quy Nhơn yên bình đi đâu người ta cũng hỏi nhau: có biết Bình An, Ngọc Lâm không? Và họ chăm chú xem mọi việc sẽ đi đến đâu.

Cuối cùng thì sự lên tiếng của họ cũng được đáp lại. Ngay sau vụ việc vỡ lở, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã gửi công văn yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT thành phố điều tra làm rõ sự việc và sẽ có biện pháp xử phạt nghiêm minh.

Mới đây là một trường hợp sinh viên có nickname seekvn2000, sinh viên Đại học Bách khoa khi ''không chịu nổi sự bất công'' đã đứng lên tố cáo thầy mình trên diễn đàn Edu.net vì thầy đã ''nhận và trả quà cho sinh viên'' vào dịp 20/11.

Thế là thầy - Trưởng bộ môn thiết kế máy và rô bốt của trường, đã bị kiểm điểm và buộc phải từ chức. Khi mọi người hỏi “bạn làm thế không sợ bị thầy trù dập sao”, “seekvn2000” đã mạnh dạn trả lời: ''Nếu cứ im lặng mãi thì sự thật sẽ chẳng bao giờ được sáng tỏ''. 

Gần đây là vụ ''Đổi tình lấy điểm'' ở Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình Trung ương. Sinh viên Vân Anh tố cáo chính thầy dạy của mình đã gạ đổi tình lấy điểm một cách trắng trợn. 

Chúng ta cứ tin tưởng rằng, hàng ngày ở đâu đó vẫn có những tiếng ''nổ'' do các sinh viên tạo ra. Đó là những tín hiệu đáng mừng, ít nhiều đã tạo nên ảnh hưởng tích cực. Vấn đề là làm sao có cơ chế bảo vệ người chống tiêu cực, để những “Đôngkisốt” thời hiện đại không đơn độc khi lên tiếng về những tiêu cực ở giảng đường.

Vẫn là “chuyện lạ”?

Đa phần sinh viên chỉ lên tiếng khi đã không thể chịu nổi. Những người mà họ đứng lên tố lại là những người gần gũi, quen thuộc. Thậm chí đó là những người thầy, người cô mà bình thường họ phải kính trọng.

Khi không còn con đường nào khác thì mọi chuyện mới được đưa ra ánh sáng. Trong khi mọi người im lặng thì họ lại dám lên tiếng. Tất nhiên, khi ''động vào'' một bộ phận của cả một hệ thống, không ít người bĩu môi: Chỉ như muối bỏ bể...  

Cũng có một thực tế là những sinh viên dám đứng lên chống tiêu cực thường là sinh viên năm cuối. Vân Anh đang chuẩn bị thi tốt nghiệp, Seekvn2000 cũng làm đồ án chuẩn bị ra trường. Bình An, Ngọc Lâm thì đã hoàn thành đợt thực tập, chuẩn bị trở thành những giáo viên thực thụ... 

Phải chăng “áp lực” ám ảnh vẫn rất lớn, nên chỉ khi sắp ra trường, họ mới dám lên tiếng? Những nốt bổng, đó là cái nhìn ở phía tích cực. Còn những nốt trầm thì sao? Phải thừa nhận rằng, sinh viên thờ ơ với tiêu cực là phổ biến.

Chị Lâm Phương Thanh, Chủ tịch Hội Sinh viên Viên Nam cho hay: ''Điều đáng ngại nhất là thái độ thờ ơ của sinh viên đối với tiêu cực. Trong thời gian qua không có mô hình, cách thức nào phù hợp nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên''. 

Tâm lý phổ biến của sinh viên hiện nay là ngại va chạm, luôn lo lắng ''đấu tranh thì tránh đâu'' nên đa phần là nhẫn nhịn chịu đựng. 

Cách đây mấy tháng, tôi có một số bài viết ''Sinh viên và những ''trò khéo vặt'' (vietnamnet.vn 28/2) nói về một số tiểu xảo của sinh viên; ''Sinh viên thi chép'' (Báo Bình Định 11/4) bàn về tình trạng sinh viên chỉ biết chép trong các cuộc thi tìm hiểu.... Ngay lập tức, tôi liền nhận được những lời ''hỏi thăm'' có "khẩu khí" doạ nạt. 

Khi biết tôi là người hay quan tâm đến báo chí, hai người bạn của tôi (vốn học cùng lớp với Bình An, Ngọc Lâm) bắt phải tìm bằng được tờ báo có bài ''Kỳ thực tập kinh hoàng'', cốt để người nhà thấy được vì sao họ đi thực tập lại tốn kém đến thế.

Khi đó, họ coi 2 sinh viên là những "người hùng" nhưng lại tỏ ra lo lắng cho số phận của 2 bạn. Thậm chí còn lo lắng cho cả khoá sau khi đi thực tập sẽ bị trường đó ''trả thù''.

"Nói không với tiêu cực" phải bắt đầu từ “những người trong cuộc”. Bản thân mỗi sinh viên phải tự trang bị cho mình một bản lĩnh dám đương đầu với những sai trái để tìm cách loại trừ. Việc đầu tiên là bản thân mỗi sinh viên phải đứng ngoài những tiêu cực. 

Tuy nhiên, để việc sinh viên lên tiếng chống tiêu cực không còn là “chuyện lạ” giảng đường, cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho những sinh viên dám đấu tranh chống tiêu cực để bảo vệ khuyến khích và động viên họ.

Theo Nguyễn Văn Toàn
VietNamNet

MỚI - NÓNG