Sinh viên vay vốn ngân hàng, còn lắm vướng mắc

Sinh viên vay vốn ngân hàng, còn lắm vướng mắc
Từ khi Ngân hàng Chính sách Xã hội công bố mức vay mới 800.000 đồng/tháng, nhiều sinh viên nghèo và phụ huynh rất phấn khởi. Tuy nhiên cũng còn không ít phụ huynh và sinh viên phải đau đầu vì nhiều khúc mắc không biết tỏ cùng ai.

Từ cuối tháng chín, bà Huỳnh Thị Công Phúc (Bến Lức, Long An) bảo con gái là Nguyễn Thị Minh Phượng, học Đại học Dân lập Văn Lang lo các loại giấy tờ cần thiết để chuẩn bị đi vay. Thế nhưng gần 20 ngày trôi qua mà mẹ con bà vẫn chưa vay được chỉ vì hộ khẩu một nơi, người một ngả.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đứa con đầu bị bệnh nên cả gia đình bà Phúc chuyển lên thành phố mướn nhà ở đến nay đã hơn ba năm. Hộ khẩu thường trú và đất vườn vẫn còn ở quê. Khi về quê làm đơn vay vốn thì lại... chờ đợi.

Lên UBND xã hỏi chương trình vay như thế nào thì xã lại chỉ lên Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để được hướng dẫn. Khi lên huyện trình bày, nhân viên ngân hàng lại gọi điện về xã. Xã nói sẽ xuống ấp kiểm tra rồi có câu trả lời và từ đó đến nay không thấy câu trả lời nào cả.

Bà nói: "Tôi lên ngân hàng trình bày tình cảnh gia đình thì họ nói "hồn một nơi, xác một ngả”, không đúng luật không thể cho vay. Cho vay rồi đến khi thu hồi nợ họ không biết đâu mà thu hồi".

Tương tự, anh Lê Văn Thi (Châu Thành, Đồng Tháp) cũng vì nghèo khó nên đã bán nhà, cầm cố hết ruộng đất nơi gia đình đăng ký hộ khẩu thường trú. Vì vậy, khi đi vay tiền cho đứa con học ở Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ TP.HCM đóng học phí thì anh không được xét cho vay.

Hiện nay, toàn bộ gia đình anh - vợ chồng và đứa con - đều đã chuyển lên Bình Dương tạm trú. Anh nói: "Tôi chuyển đi nhưng hộ khẩu thường trú vẫn ở quê, cứ ba tháng một lần tôi lại về xã xin giấy tạm trú, tạm vắng mới. Công an xã vẫn ký cơ mà”.

Kể về lý do không được ngân hàng cho vay, anh cho biết: "Nhân viên ngân hàng nói không có nhà ở địa phương là không có điểm giao dịch để ngân hàng thu lãi hằng quí nên tôi không thể vay".

Ông Trần Văn Tiên, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội TP.HCM, cho biết: "Khi đi vay, mọi người cần phải xác nhận hộ khẩu thường trú của mình ở nơi nào. Hộ khẩu thường trú ở đâu sẽ vay vốn tại đó. Nếu trường hợp xa nơi thường trú lâu năm thì phải có giấy tạm trú dài hạn hoặc KT3 nơi đang tạm trú, những trường hợp này sẽ được vay vốn tại nơi tạm trú”.

Quyền được vay ở tổ tiết kiệm và vay vốn

Từ ngày 15/10/2007, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ chấm dứt hình thức cho vay trực tiếp thông qua hộ gia đình. Từ nay, chỉ cho học sinh, sinh viên vay thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, theo công văn giám đốc các phòng giao dịch trực thuộc của phó giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tại TP.HCM, ngày 10/10/2007.

Những tưởng hình thức cho vay mới này sẽ giúp người vay sớm có được nguồn vốn nhanh hơn nhưng thực tế tại nhiều địa phương, tổ tiết kiệm và vay vốn lại đẩy người vay vào tình cảnh mới: chờ! Người vay thì chờ tiền của ngân hàng, tổ tiết kiệm và vay vốn thì chờ hồ sơ nhiều để gửi đi một lần cho tiện.

Theo cách vay này, số phận người nộp đơn xin vay phụ thuộc hoàn toàn vào tổ tiết kiệm và vay vốn. Nếu tổ không đồng ý cho vay thì không thể nào các hộ gia đình, các sinh viên có thể tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

Ông Lê Văn Thi, một phụ huynh ở Đồng Tháp đã hai năm đi vay nhưng không được, cho biết: "Mức vay mới như thế này là rất thoáng cho các học sinh, sinh viên nghèo nhưng thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn mới được vay thì quả khó hiểu. Ví như gia đình tôi, bây giờ người ta đâu có chấp nhận cho vay vì cho rằng những người bỏ xứ đi thì biết đâu mà quản lý, không có nơi để họ thu lãi hằng tháng".

Ông Hùng, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Phú Hội Xuân, xã Phú Long, Châu Thành, Đồng Tháp, cho biết ông đã chuyển hồ sơ vay vốn lên Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nhưng nơi đây nói phải có người bảo lãnh mới cho vay.

Nguyễn Thị Thu Hương là sinh viên năm 1 Trường Đại học Nông lâm, gia đình thường trú ở Biên Hòa. Gia đình nghèo, Hương cũng làm đơn vay vốn thế nhưng từ khi nộp đơn cho tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đến nay đã gần hai tuần trôi qua bạn và gia đình vẫn phải... chờ.

Chủ nhật vừa rồi về quê, Hương cho biết: "Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nói cuối tháng mười này sẽ giải quyết. Vì mới có một vài hồ sơ nên họ nói chờ thêm vài hồ sơ nữa sẽ gửi đi". Trong khi tổ tiết kiệm và vay vốn ở phường đủng đỉnh chờ các hồ sơ mới thì Hương và gia đình lại nóng lòng chờ đợi nguồn vốn từ ngân hàng.

Theo Quang Phương
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.