Số hoá sách giáo khoa

Số hoá sách giáo khoa
TPO - Ngày 26/6, NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức ra mắt Classbook – sản phẩm sách giáo khoa điện tử đầu tiên ở Việt Nam. Thiết bị này có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng Classbook có thể thay thế hoàn toàn SGK truyền thống hay không là câu hỏi chưa thể có ngay câu trả lời.

> Sách giáo khoa điện tử đầu tiên ở Việt Nam
> Những pha hài hước trong lễ bảo vệ tốt nghiệp

Thí điểm Classbook tại trường THCS thực nghiệm Hà Nội
Thí điểm Classbook tại trường THCS thực nghiệm Hà Nội.

310 trong một

Về hình thức, Classbook trông giống Ipad. Nhưng không như Ipad - hình ảnh bị mờ đi khi không nhìn trực diện, Classbook được sử dụng công nghệ chống loá IPS (In Plane Switching) đảm bảo hỗ trợ góc nhìn rộng - tối đa 178 độ - với màu sắc trung thực và tự nhiên, không gây ảnh hưởng xấu tới thị lực học sinh.

Classbook có thời lượng pin từ 8 – 10 giờ, hứa hẹn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong thời gian ở trường của các em. Với màn hình cảm ứng đa điểm, kích thước 8 inch, tỉ lệ 4:3, độ phân giải 1024x762 pixel, Classbook được nhà sản xuất mô tả mang lại trải nghiệm đọc tương tự như SGK truyền thống.

Về nội dung, Classbook cài đặt sẵn trọn bộ gồm 310 cuốn SGK và sách bài tập chương trình phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12. Trong suốt thời gian sử dụng thiết bị, người dùng có thể cập nhật miễn phí mọi tái bản các cuốn sách này.

Ngoài ra, trên Classbook còn có hơn 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học, thích ứng với các độ tuổi khác nhau. Không chỉ thế, Classbook còn hỗ trợ việc biên tập và gắng kết với những nội dung đa phương tiện mở rộng cho bài học và cung cấp những chức năng cho phép học sinh có thể tương tác với nội dung bài học.

Những tác động của học sinh tới từng nội dung sách như các đoạn đánh dấu, các bài tập làm trực tiếp lên sách… sẽ được lưu lại hoặc xoá đi tuỳ theo ý các em trong Classbook.

Theo ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, phiên bản Classbook mà tới đây mà đơn vị này phát hành trên thị trường sách là thiết bị dành cho học sinh với những tính năng được thiết kế phù hợp với hoạt động học tập của học sinh.

Với giáo viên sẽ có phiên bản Classbook riêng, nếu thầy cô nào có nhu cầu thì phải đặt mua thông qua các trường học. Vì thiết bị dành riêng cho học sinh nên dù có wifi các em cũng không thể tự do truy cập Internet mà chỉ có thể vào một số trang mạng giáo dục nhất định. Ngoài ra trong thiết bị còn không có các chương trình game, và các em cũng không thể tự do cài đặt các ứng dụng khác.

Đa số học sinh khó tiếp cận?

 Theo tôi nhà sản xuất nên lựa chọn để đưa những game có ích vào Classbook nhằm tăng sự hứng thú cho người dùng – những trẻ nhỏ. Thực tế hiện nay có nhiều trò chơi mang tính giáo dục rất cao, chẳng hạn chương trình Đường lên đỉnh Olympia trên VTV. Có những chương trình trò chơi chơi mà học học mà chơi, là kênh giáo dục rất quan trọng, nếu vì sợ khái niệm game mà không cho vào thiết bị là điều đáng tiếc 

Trong buổi ra mắt Classbook, một số khách mời bày tỏ sự e ngại về tính phổ thông của thiết bị khi mà giá bán hiện nay khá cao – 4,8 triệu đồng/chiếc.

Trao đổi với báo giới bên hàng lang buổi ra mắt, GS Ngô Bảo Châu – khách mời đặc biệt của chương trình - cũng nhận xét: “Sách này không thể nói là rẻ, nhưng cũng không phải là đắt. Về mặt nào đó, đối với những người có điều kiện thì việc họ bỏ ra số tiền ấy để mua nó là xứng đáng. Tuy nhiên, với những học sinh ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn thì đó là một khó khăn. Và như vậy, giá cả có thể là một sự cản trở cho vấn đề mà các bạn đã đặt ra: liệu thiết bị này có thay thế hoàn toàn được SGK truyền thống!”

Còn GS TS Nguyễn Như Ý, Giám đốc Công ty Sách dịch và Từ điển Giáo dục cho rằng không nên nghĩ theo chiều hướng “vì thiết bị mới còn ít người mua nên giá thành cao, về sau đông người mua giá sẽ hạ”.

GS Nguyễn Như Ý nói: “Nếu tư duy theo góc độ kinh doanh thì vậy là hợp lý. Nhưng tôi nghĩ ngược lại. Đối với một sản phẩm giáo dục mới đang cần được sử dụng nhiều thì nên tìm những sự hỗ trợ bên ngoài để hạ giá thành sản xuất. Chẳng hạn nếu Bộ GD&ĐT có chính sách khuyến khích dùng thiết bị đa phương tiện này thay thế SGK truyền thống thì ắt sẽ có hàng loạt chương trình tài trợ để giúp hạ giá thành sản phẩm”.

Một số ý kiến cũng thắc mắc về tính hợp pháp sự hiện diện trong nhà trường của thiết bị. Liệu đã văn bản nào của Bộ GD&ĐT cho phép các trường chấp nhận việc một số học sinh mang Classbook đến lớp thay cho SGK truyền thống?

Ông Vũ Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam nói: “Bộ GD&ĐT đang có chủ trương số hoá SGK. Do đó để Classbook trở thành tài liệu học tập chính thức trong nhà trường thì chúng tôi cần sự ủng hộ của các phụ huynh và các trường. Phụ huynh nếu tin tưởng vào sản phẩm thì sẽ bỏ tiền ra mua. Về phía nhà trường, trong thời gian qua chúng tôi đã giới thiệu ở 400 trường và nói chung là được các thầy cô ủng hộ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.