Số liệu có từ thực tiễn và tính toán khoa học

Số liệu có từ thực tiễn và tính toán khoa học
TP - Trước tiên xin cám ơn Báo Tiền Phong đã đăng bài “Không tăng học phí mà phải giảm” - vấn đề cả xã hội đang quan tâm.

>> GS Nguyễn Xuân Hãn lấy số liệu từ đâu?

Số liệu có từ thực tiễn và tính toán khoa học ảnh 1
Cải cách giáo dục vẫn khiến một số nhà khoa học quan ngại. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Bùi Hồng Quang - Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD&ĐT đã đọc kỹ và có ý kiến phản hồi. Các ý kiến của ông Quang tập trung vào thắc mắc nguồn gốc các số liệu sử dụng trong bài báo, cụ thể là số liệu về đầu tư của nhà nước và tỷ lệ đóng góp của người dân, con số lãng phí hàng tỷ USD khi làm CT - SGK, lợi ích của việc thông qua đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đối với người nghèo, hiệu quả đầu tư cho việc phát triển giáo dục đại học.

Có thể nói một cách vắn tắt là số liệu đăng trên báo đều do tôi và các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu độc lập (do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụ trách) tính toán dựa vào thực tiễn và cơ sở khoa học, đã được công bố trên công luận, có địa chỉ  rõ ràng để tiện kiểm tra.

Thành lập nhóm nghiên cứu

Đầu tháng 10 năm 2007 tôi nhận được thư, đề ngày 2 tháng 10 năm 2007, của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mời tôi tham gia nhóm nghiên cứu độc lập về học phí, trong thư thông báo “nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận lời phụ trách chung nhóm nghiên cứu này”.

Nhóm có 12 thành viên, bao gồm các Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB của Quốc hội, một số cán bộ từng lãnh đạo ngành và một số nhà giáo, nhà khoa học đang công tác, trong đó có tôi.

Theo ghi chú thì nội dung lá thư này cũng được gửi cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng chí Tổng Bí thư ĐCSVN, Thủ tướng, các phó Thủ tướng, Ban tuyên giáo T.Ư để báo cáo. Đồng chí Võ Văn Kiệt mời thêm các chuyên gia hàng đầu am hiểu về giáo dục trong và ngoài nước cùng tham gia.

Dựa trên các tài liệu thu thập được và tài liệu do Bộ GD&ĐT cung cấp, chúng tôi tiến hành điều tra thực tiễn, tính toán lại những số liệu chính thức của Bộ GD&ĐT, kết hợp việc so sánh đối chiếu với các nước để có các con số cụ thể. Mặc dù nhóm nghiên cứu không được cấp kinh phí, không có văn phòng và phương tiện đi lại, song chúng tôi vẫn làm việc.

Các số liệu đã công bố

Mức đóng góp của dân vào tổng chi phí giáo dục nước ta là 50 phần trăm, cao nhất thế giới, được viết dưới dạng thư ngỏ của một công dân gửi Quốc hội với nhan đề “Bốn tỷ USD cho giáo dục và 100 triệu USD doanh thu của Nhà xuất bản Giáo dục được tính như thế nào?” đăng trên Báo Người Đại Biểu Nhân Dân số 161(370) ngày 22/11/2004.

Trong bài báo đó, chúng tôi trình bày ba cách tính khác nhau để tìm ra con số bốn tỷ USD. Dựa vào báo cáo của Bộ, chúng tôi kiểm tra lại quỹ lương. Có sự chênh lệch lớn giữa quỹ lương mà ngân sách bố trí và con số chi lương theo báo cáo của ngành (khoảng 61,6 phần trăm so với từ 85% đến 90 phần trăm?) cụ thể năm 2006 là 10.600 tỷ đồng - một con số khổng lồ, chứ không phải 1.060 tỷ đồng (cảm ơn ông Quang giúp tôi chính xác lại con số).

Con số này cũng đã được công bố trong bài “Hơn 10.000 tỷ đồng ngân sách cho Giáo dục - Đào tạo đi đâu? Đăng trên Báo Tiền Phong ngày 20/10/2007; và ở bài viết: Một số câu hỏi quanh bản Báo cáo “Giáo dục Việt Nam - Đầu tư và cơ cấu tài chính” của Bộ GD&ĐT, Báo Tuổi Trẻ ngày 22/11/2007.

Các con số 9,2 phần trăm GDP, lương trung bình cán bộ của hai ĐHQG Hà Nội và TPHCM là 9-12 triệu đồng/người/ tháng, đề nghị xem bài “Phát triển giáo dục: Vai trò học phí, trách nhiệm của nhà nước và khả năng chi trả của người dân” đăng trên Thời đại mới - Tạp Chí Nghiên cứu & Thảo luận, số 13, tháng 3/2008 của TS Vũ Quang Việt - người thuộc nhóm nghiên cứu về học phí của chúng tôi.

Lãng phí hàng tỷ USD?

Chương trình giáo dục ổn định, thời gian SGK được dùng tại hầu hết các nước trên thế giới đều có chế tài ít nhất từ 10 đến 15 năm mới được thay một lần. Thông tin này được xác nhận tại diễn đàn Quốc hội ngày 12/6/2009. Vậy chúng tôi tính thiệt hại về kinh tế trong một năm, nhân con số này với 10 hay 15 năm sẽ được con số hàng tỷ USD.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 7/2001, Thủ tướng Phan Văn Khải phải chỉ thị: “…Chấm dứt ngay việc năm nào cũng in lại SGK (Thế Giới Mới, số 449, ngày 13/8/2001).

Kiểm chứng việc thực hiện chỉ thị này, xin dẫn môn tiếng Việt  lớp một làm ví dụ. Năm 2002, bắt đầu thay sách, NXBGD in 1,7 triệu cuốn (2 tập giá 19.600 đồng/bộ)  thành tiền  33,32 tỷ đồng/môn. Tựa sách này năm nào cũng tái bản, năm 2008 , NXBGD in lại, 1,53 triệu cuốn (hai tập giá 21.400 đồng /bộ) thành tiền là 32.742 tỷ đồng (khoảng hai triệu USD).

Vậy từ  2002 đến 2008, riêng môn tiếng Việt, NXBGD thu của dân khoảng 230 tỷ đồng/môn (xấp xỉ 14 triệu USD/môn) mà không phải đầu tư gì nhiều.

Ở bậc phổ thông có khoảng 200 tựa sách như vậy. Ngoài SGK, còn sách tham khảo.Theo số liệu của Cty Phát hành sách Hà Nội năm 2008, có 3.120 sách tham khảo cho tất cả HS phổ thông: Lớp 1 có 59 cuốn, lớp 2 (85 cuốn); Lớp 3 (109 cuốn); Lớp 4 (147 cuốn)... Giá sách tham khảo thường cao gấp từ 5 đến 10 lần giá SGK.

So với các nước, chương trình giáo dục của ta quá nặng, nhiều nội dung trong SGK nặng hơn từ một đến ba năm, cách trình bày không liền mạch, ngôn ngữ trừu tượng xa cuộc sống, khó học, khó nhớ.

HS phải học thêm ngay từ lớp một, các em bị mất tuổi thơ. Số tiền học thêm theo số liệu điều tra của Việt Nam với các tổ chức Quốc tế là rất lớn (khoảng 300 triệu USD/năm).

Tiền nhà nước chi cho đợt đổi mới chương trình và thay sách từ năm 2002 đến nay, dự kiến là  32.000 tỷ đồng - khoảng hai tỷ USD (Tuổi Trẻ TPHCM  28/7/2001, và tư liệu của Quốc hội).

Vậy tổng số tiền nhà nước phải chi tiền mua sách và tiền học thêm mà dân phải bỏ ra, trong khoảng từ 10 đến 15 năm, ai tính sơ cũng thấy là con số lên đến hàng tỷ USD. Thiệt hại về kinh tế ai cũng có thể nhẩm tính được, trừ Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD&ĐT. Điều đáng nói hơn là hàng chục thế hệ HS với kiến thức méo mó không chuẩn vào đời, liệu có tính được không?

Vậy ai chỉ đạo ?         

Trong những năm chiến tranh và khó khăn, người có bằng cấp chỉ đếm trên đầu ngón tay mà vẫn tự làm được chương trình SGK có chất lượng và ổn định hàng chục năm từ phổ thông đến đại học.

Hiện nay số người có học hàm học vị đến hàng vạn mà không làm được những việc mà cha anh trước đây đã làm. Chương trình SGK phổ thông được chỉ đạo theo tư duy “cắt khúc cuốn chiếu”, càng làm càng rối, càng sai. Vậy ai là người chỉ đạo?

Chỉ xin nêu một ví dụ cụ thể, Công văn số 10329/VP do thứ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo ký ngày 10/11/2000, triệu tập các tác giả Việt Nam biên soạn sách giáo khoa và sách giáo viên đến để người nước ngoài tập huấn!

Còn chương trình - sách ở bậc đại học gần 20 năm được chỉ đạo sao chép chương trình của ĐH Thái Lan, không xong, nay lại vay hàng triệu USD để nhập khẩu chương trình từ nước ngoài. Chương trình giáo dục và sách giáo khoa rõ ràng vẫn là một thách thức lớn và vẫn chưa tìm được lối ra.

Ngày 28/10/2008, tại cuộc họp lớn tại VP T.Ư Đảng, tôi đã công bố  tính toán cụ thể về in ấn sách môn tiếng Việt làm ví dụ. Thật may mắn tôi được phép trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân. Về việc các nước làm được chương trình SGK, còn ta suốt 27 năm nay tốn hàng tỷ USD lại không làm được...

Giải quyết vấn đề chương trình và sách không khó. Chúng ta đang đi ngược tư duy khoa học.

Theo như GS Hoàng Tụy, giáo dục nước ta có ba cục bướu cần cắt bỏ là học thêm, thi cử và SGK … Cục bướu lớn nhất chính là SGK, nó chi phối hầu hết lãng phí trong giáo dục.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần sớm có khung chương trình SGK chuẩn như các nước tiên tiến đã làm được. Nếu phát huy nội lực, loại bỏ tư tưởng sính ngoại, có giải pháp mới cho chương trình SGK chuẩn phù hợp với VN, hội nhập với thế giới theo các chuẩn mực quốc tế, chúng ta có thể hoàn thành việc biên soạn trong một năm với kinh phí 100 tỉ đồng, và có thể thay đồng loạt chương trình SGK mới từ lớp 1 đến lớp 12.

Giải pháp này đã được nhiều nhà khoa học khẳng định hàng chục năm nay và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc nhở phải thảo luận sáng kiến này trong bài “Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục đào tạo của nước nhà” (Nhân Dân, ngày 10/9/2007).

Mặc dù, tính hiệu quả và khả thi của giải pháp này làm tập trung triển khai đồng bộ, không còn bất cứ phản bác nào kể cả lãnh đạo Bộ GD & ĐT, nhưng vẫn không được phép triển khai. Kéo dài cách làm lạc hậu hiện nay, thật bất lợi cho sự nghiệp trồng người và gây thiệt hại lớn cho nhân dân.

Tạo thêm cơ hội cho HS nghèo

Chưa bàn cách thu học phí trong đề án chẳng giống ai, dựa vào thực tế, ĐB Quốc hội Đặng Như Lợi (Cà Mau) đã tính toán lại và tìm ra kết quả, ngược lại với dự tính, số người được miễn giảm lại thấp đi so với trước “Số người được miễn giảm từ 44 phần trăm xuống còn 25 phần trăm ở miền núi, 15 phần trăm ở nông thôn và 10 phần trăm ở thành thị là không ổn” (Tuổi trẻ TPHCM 10/6/2009).

Trong khi đó, đề án này lại “quên” báo cáo Quốc hội một điều cơ bản là định mức chi ngân sách cho các trường ở phổ thông (được tính theo số dân địa phương) tăng rất ít trong suốt thời gian qua.

Lẽ ra, khi ngân sách giáo dục tăng đều hàng năm với giá trị tuyệt đối rất lớn và trong khi số dân tăng với tỷ lệ thấp, thì định mức này phải tăng đáng kể mỗi năm. Nhưng thực tế, số tiền ngân sách các trường nhận được lại thường giữ ổn định theo chu kỳ cấp ngân sách 3 năm. Số tiền chênh lệch này nằm ở đâu, nếu làm rõ chắc chắn sẽ không cần tăng học phí.

Về hiệu quả đầu tư

Các trường được bung ra, ồ ạt, tự phát tràn lan, làm cho cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối, thầy nhiều hơn thợ, chất lượng thấp và thật lãng phí.

Số liệu về tỷ lệ học sinh không có việc làm của tôi trích dẫn theo Báo Sài Gòn Giải phóng: “Theo thống kê của Bộ GD&ĐT thì có tới 63 phần trăm số cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp ra trường bị thất nghiệp, chỉ có 37% tìm được việc làm là con số gây bất ngờ, xót xa cho tất cả mọi người, kể cả những người bàng quan nhất. Vì người có học vị đại học và tiền bị lãng phí…

Hiện nay, hầu hết các Cty khi nhận SV ra trường vào làm phải mất thời gian đào tạo lại 1-2 năm, thật lãng phí (Báo Sài Gòn Giải phóng 29/9/2006 - có bài báo kèm theo).

Báo chí đăng hiện tượng nhiều SV ra trường không có việc làm, mang tấm bằng ra hiệu cầm đồ để lấy 1,5 triệu đồng/ bằng ĐH, có lẽ đây là hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử GD ĐH? (VietnamNet 27/10/2008).

Theo ông Quang nói 96 phần trăm người tốt nghiệp đại học có việc làm, vậy số liệu của ông có đáng tin cậy?

Tăng học phí đại học sẽ làm tăng thêm món nợ vay để học của sinh viên nghèo, cho vay để sinh viên học đại trà ra trường với chất lượng thấp, không có việc làm để có thu nhập trả nợ sẽ là gánh nặng cho cả người học và nhà nước. Việc này phải vài năm nữa mới thấy, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Xin dẫn thêm một số liệu về hiệu quả đầu tư, nếu 63 phần trăm SV ra trường thất nghiệp làm ví dụ.

Năm học 2006 - 2007 có 161. 411 SV tốt nghiệp, mỗi tấm bằng ĐH người dân phải bỏ ra 40 triệu đồng, Nhà nước đầu tư khoảng 30 triệu đồng/SV.

Từ những con số trên cho thấy kinh phí đầu tư kém hiệu quả trong năm học 2006-2007 sẽ là (161.411SV x 63 phần trăm x 70 triệu đồng = 7.117 tỷ đồng), trong đó 4.067 tỷ đồng của dân, còn 3.050  tỷ đồng là của nhà nước). (Bài “Chất lượng nguồn nhân lực quá yếu”, đăng trên Báo Lao Động, số 229 ngày 3/10/2007).

MỚI - NÓNG