Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang có đủ nhân sự để tổ chức thi

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
TP - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trước kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ông có những chia sẻ cụ thể với phóng viên Tiền Phong sau chuyến kiểm tra công tác thi tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. 

Ông nói: Qua đợt kiểm tra 3 tỉnh vừa qua, tôi nhận thấy sự vào cuộc của lãnh đạo các tỉnh đã được nâng lên. Từng thành viên trong ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch để thực hiện nhiệm vụ được phân công. Bộ yêu cầu các nhiệm vụ này phải được các thành viên làm thật cụ thể  để rõ người, rõ việc, rõ quy trình.  

Cũng có một chút lo lắng thoáng qua. Đúng là đội ngũ cán bộ tham gia ở một số đơn vị bị thiếu từ lãnh đạo tỉnh cho đến các đơn vị như Sơn La, thậm chí Hà Giang cũng có sự thay đổi nhân sự ở các phòng, ban giám đốc. Như tôi nói, chỉ là lo lắng thoáng qua thôi. Thực tế, các địa phương này đều nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Bản thân những người được phân công làm thi đều thấy trách nhiệm rất rõ ràng, có ý thức học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Tôi vẫn có niềm tin họ sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình.

Như ông đã nói, 3 địa phương Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang sau sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, năm nay bị thiếu nhân sự tham gia Hội đồng thi, các ban của Hội đồng; nhiều thành viên mới kinh nghiệm tổ chức thi còn hạn chế. Với những địa phương này, Bộ GD&ĐT đã có giải pháp gì để đảm bảo kỳ thi năm nay diễn ra ở các tỉnh đó được chu đáo, an toàn, nghiêm túc?

Các vấn đề của 3 địa phương trên trong việc chuẩn bị tổ chức thi THPT quốc gia 2019 đã được Bộ GD&ĐT sớm nắm bắt, chủ động có phương án hỗ trợ kịp thời. Qua kiểm tra với Sơn La có thể thấy, Sở GD&ĐT Sơn La có một số vị trí mới từ phó giám đốc sở phụ trách cho đến trưởng phòng Khảo thí và Quản lý thi.

Nhưng  vị trưởng phòng này cũng từ phòng Giáo dục trung học sang. Mặc dù chưa làm thi trực tiếp nhưng từng tham gia in sao đề, chấm thi. Về phó giám đốc phụ trách  Sở GD&ĐT Sơn La thì cũng từng là phó hiệu trưởng một trường THPT, lại từng là phó chủ tịch UBND huyện, thành viên ban chỉ đạo thi cấp huyện.

Do đó, tuy không làm trực tiếp nhưng cũng biết được công việc  thi nên tiếp cận công việc khá nhanh. Tuy vậy, vẫn là lo lắng chứ không hoàn toàn yên tâm tuyệt đối so với những người đã có kinh nghiệm. Tuy nhiên, về chuyên môn, các đồng chí đều có ý thức học hỏi, trong quá trình triển khai có vướng mắc gì đều  trực tiếp gọi điện lên Bộ, Cục Quản lý chất lượng có hướng dẫn rất chi tiết.

Với những Hội đồng thi gặp khó khăn do nhân sự mới ít kinh nghiệm hoặc thiếu nhân sự (không chỉ riêng Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La), Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường đại học tăng cường phối hợp; đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ tối đa về nhân lực, cơ sở vật chất, đảm bảo trước ngày thi, tất cả các khâu của kỳ thi đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, để kỳ thi diễn ra theo đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không để sai sót ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.

Năm 2018, ngoài các tỉnh được phát hiện có gian lận thi cử, một số tỉnh khác cũng được dư luận nhắc đến. Năm nay với những địa phương này, Ban chỉ đạo thi quốc gia có lưu ý đặc biệt hơn không, thưa ông?

Năm nay, kết quả sẽ được Bộ xem xét. Nếu thấy dấu hiệu bất thường, Bộ sẽ tiến hành các việc theo đúng quy trình. Năm trước là năm chưa có tiền lệ thì năm nay chắc chắn nếu có xảy ra thì sẽ có phương án xử lý phù hợp.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG