Stress mùa thi

Stress mùa thi
Học phải có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, vẫn tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi với bạn bè, có thời gian thư giãn... là cách học tốt nhất cho sức khỏe học trò trong mùa thi.

>> Những đồ ăn tốt cho sức khỏe mùa thi

Stress mùa thi ảnh 1
Ảnh: Thanh Niên

Áp lực học tập

H.A, học lớp 12 của một trường ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) đến bác sĩ tham vấn, vì mấy ngày qua em có những triệu chứng: căng thẳng, bồn chồn, giấc ngủ chập chờn, ăn không ngon, khiến em không thể tập trung, ghi nhớ không tốt và không thể ổn định tinh thần cho việc ôn thi. Điều đó làm em càng chán nản và rơi vào vòng luẩn quẩn.

Qua trao đổi cùng bác sĩ, em cho biết, do quá lo lắng cho kỳ thi vì em là sự kỳ vọng của gia đình, nên em học ngày học đêm, thậm chí bỏ tất cả các sở thích chơi thể thao, thường xuyên học đến gần 1 giờ đêm, sáng thì 4, 5 giờ đã dậy.

Áp lực mùa thi cộng với việc học ôn không đúng phương pháp làm em rơi vào trạng thái stress trường diễn.

H.A là một trong số rất nhiều học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi cuối cấp và kỳ thi đại học. Thực tế lâm sàng, chúng tôi thấy, nhiều em bị áp lực phải thi đậu đại học, cộng với không có phương pháp học đúng cách nên thường rơi vào trạng thái stress trường diễn.

Học có phương pháp

Trí não của chúng ta chỉ hoạt động có hiệu quả liên tục trong vòng 45 phút đến 1 giờ, sau đó cần được nghỉ giải lao, hoặc chuyển sang hoạt động chân tay chừng 15 - 20 phút rồi mới hoạt động trí não trở lại.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý là hoàn toàn tránh lối học "nước tới chân mới nhảy", việc để cận kề ngày thi mới học dồn nén, học đêm ngày, như thế rất có hại cho sức khỏe, rất dễ bị stress vì thiếu an tâm, chỉ sợ không học hết, học không kịp. Tình trạng stress sẽ gây giảm trí nhớ, thậm chí đầu óc có thể bị trống rỗng.

Nhiều em bị áp lực từ cha mẹ. Nhiều cha mẹ thường đặt ra chỉ tiêu quá cao, ép các em học ngày học đêm, thậm chí còn la mắng, gây cho các em sự lo lắng và cường độ áp lực càng tăng lên.

Ăn uống và nghỉ ngơi

Để có trí nhớ và cả sức khỏe tốt trong mùa thi, thí sinh cần ăn uống đầy đủ. Lưu ý, nhiều người cho rằng, uống cà phê, trà đậm có thể giúp tỉnh táo và chống lại cơn buồn ngủ, điều đó là sai lầm.

Buồn ngủ là dấu hiệu cho biết cơ thể đã mỏi mệt cần sự nghỉ ngơi. Dùng chất kích thích cho tỉnh táo vào lúc này là sự đánh lừa, làm cho cơ thể phải hoạt động quá sức của nó.

Sau giai đoạn dùng chất kích thích, cơ thể sẽ mỏi mệt, suy sụp nhiều hơn, thậm chí trí óc không còn đủ sức tập trung nhớ những gì đã học. Nhiều trường hợp do quá lo lắng cho thi cử và mong muốn luôn tỉnh táo, giúp trí nhớ tốt hơn nên đã lợi dụng một số thuốc cải thiện trí nhớ dành cho người cao tuổi, hoặc chất kích thích.

Điều đó rất nguy hại, gây cho các em nhiều ảo giác và các khó khăn khi tiếp nhận thông tin.

Quá trình nhận thức ở con người chỉ có giới hạn, các em cần phải nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc thì mới có thể sảng khoái học tập, quá trình nhận thức tốt hơn và tránh được stress.

Theo Lê Minh Công
Thanh Niên

MỚI - NÓNG