Sự kiện giáo dục hot tuần qua: Lương tiến sĩ không bằng lương osin?

Sự kiện giáo dục hot tuần qua: Lương tiến sĩ không bằng lương osin?
TPO - Giáo viên cho cả lớp tát vào mặt một học sinh, lễ dâng hương cho học sinh giỏi, Tiến sĩ về nước lương không bằng osin hay nhiều trường đại học chất lượng kém, hữu sinh vô dưỡng là những sự kiện giáo dục hot nhất tuần qua.

Giáo viên cho cả lớp tát vào mặt một học sinh

Theo phản ánh của phụ huynh Đỗ Tuấn Linh, học sinh lớp 4A Trường tiểu học Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội), ngày 26/12 em Linh đi học bị cô giáo cho tất cả học sinh trong lớp tát vào mặt. Nguyên nhân dẫn đến sự việc là do trước đó Linh cãi nhau với một học sinh trong lớp. Sau khi nghe lớp trưởng báo cáo, cô giáo D.T đã không hỏi rõ sự việc mà xử phạt Linh bằng cách cho 43 học sinh lên bảng tát vào mặt em.

Bà Trần Thị Bích Phương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Sở cho biết: Nhà trường đã nắm thông tin và triển khai các bước cần thiết để xử lý vụ việc như: “Tạm thời dừng việc dạy học của cô giáo, báo cáo vụ việc lên Phòng GD&ĐT Thường Tín”. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: “Sở cũng vừa nhận được thông tin. Đơn vị đang cho kiểm tra và xử lý”. (Xem chi tiết)

“Lễ dâng hương cho học sinh giỏi"

Sơ suất trong khâu tổ chức, Sở GD&ĐT Hà Nội mong nhận được sự thông cảm với dòng chữ trên băng rôn “lễ dâng hương cho học sinh giỏi” ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cụ thể, sáng 30/12, đoàn học sinh giỏi của Hà Nội tham gia lễ dâng hương và xuất quân dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2016-2017 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sự kiện này do Sở GD&ĐT đứng ra tổ chức.
Tuy nhiên, sau khi hình ảnh về buổi lễ được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người đã phát hiện ra và vô cùng bất ngờ với chi tiết chưa ổn ở dòng chữ “Lễ dâng hương cho học sinh giỏi thủ đô tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2016-2017”.

Nhiều người cho rằng cụm từ “dâng hương cho học sinh giỏi” được dùng sai nghĩa bởi thông thường chỉ dùng “dâng hương cho” với những người đã khuất. Thậm chí không ít người không tin nội dung băng rôn là có thật hoặc đã qua chỉnh sửa bởi đây là sự kiện do Sở GD-ĐT đứng ra tổ chức.

Trao đổi với báo chí ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thừa nhận đây là sai sót, nhầm lẫn rất đáng tiếc của ban tổ chức và mong mọi người thông cảm.

Hút tiến sĩ về nước: Do lương hay "đất diễn"?

Tại hội nghị thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển KHCN được tổ chức hôm 28/12, TS. Tạ Bá Hưng, Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia (FIRST) cho biết, theo thống kê hiện nay có khoảng hơn 400.0000 người Việt Nam có trình độ CĐ, ĐH trở lên đang sống và làm việc tại nước ngoài. Đây là tiềm năng rất lớn về chất xám, trí tuệ và kinh nghiệm quản lý. Tuy nhiên, hàng năm chỉ có khoảng trên dưới 200 chuyên gia người Việt ở nước ngoài về nước giảng dạy và làm việc.

Theo ông Hưng, đối với vấn đề thu hút nhân tài, chúng ta đã có rất nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất tốt, rất "lung linh" nhưng trên thực tế lại không đi vào cuộc sống được.

Phân tích nguyên nhân, ông Hưng cho rằng, chúng ta thu hút trí thức về nhưng không giao nhiệm vụ cho họ, không tạo điều kiện môi trường cho họ làm việc, "không có đất cho họ diễn" nên không giữ chân được họ.

Ông Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐHGQHN cũng chia sẻ, theo một khảo sát mà ĐHQGHN tiến hành thì có tới 70% những người được hỏi xếp yếu tố điều kiện làm việc ở vị trí số 1 trong khi đó, tiền và lương chỉ được xếp ở vị trí số 7.

GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, con gái ông học tiến sĩ ở Mỹ về nhưng chỉ nhận mức lượng 3,5 triệu đồng trong khi ở Mỹ lương có thể vài ngàn đô. "Không biết chính sách thu hút nhân tài của ta thế nào nhưng mức lương đó không bằng lương trả cho ôsin là 5 triệu đồng" - ông Lân Dũng nói.

Không bắt buộc chuyển ngạch phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phối hợp chỉ đạo để quản lý chặt chẽ việc tổ chức học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.

Trước đó, ở nhiều địa phương các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường yêu cầu giáo viên phải hoàn thiện đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ, nhất là chứng chỉ về ngoại ngữ và tin học nhằm chuẩn hóa trình độ theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nên đã xảy ra tình trạng ép buộc giáo viên phải đi học. Việc tổ chức dạy học, thi và cấp chứng chỉ bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, kể cả tiêu cực.

Bộ GD&ĐT cho rằng, việc học tập, bồi dưỡng để đạt trình độ ngoại ngữ, tin học do giáo viên chủ động, bố trí sắp xếp lịch học, thời gian học để không ảnh hưởng đến các hoạt động giảng dạy, giáo dục của nhà trường.

Tại thời điểm này, chỉ những giáo viên có nhu cầu thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì mới cần phải bảo đảm có đủ trình độ/chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định.

Vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông không được bắt buộc tất cả các giáo viên khi chuyển từ ngạch sang hạng chức danh nghề nghiệp phải có trình độ/chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ngay theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Sự kiện giáo dục hot tuần qua: Lương tiến sĩ không bằng lương osin? ảnh 1 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Thay đổi Giáo dục theo hướng thị trường

“Bộ sẽ chỉ đạo các cơ sở đại học, cả công lập và ngoài công lập cạnh tranh bình đẳng, thay đổi theo hướng, cấp phát theo đặt hàng. Ai có sức mạnh thì cạnh tranh. Tất nhiên có lộ trình”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ mới cho biết.

Cũng theo ông Nhạ, trong năm 2017, phải rà soát đánh giá, quy hoạch mạng lưới, sắp xếp lại các trường đại học: “Thực ra số lượng trường của chúng ta không nhiều, số sinh viên/đầu dân không đông, nhưng cái yếu của chúng ta là trường không nhiều nhưng nhiều trường trong số không nhiều đó chất lượng kém, hữu sinh vô dưỡng. Tên hoành tráng lắm, có vị còn đặt tên Tây nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng thì vô cùng khó khăn”

“Bây giờ phải chuyển sang tự chủ. Riêng giáo dục đại học phải chuyển sang hướng dịch vụ. Đã dịch vụ là phải thị trường, thị trường là phải cạnh tranh”- Ông Nhạ khẳng định.

Bộ trưởng Nhạ cho hay, tới đây, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ sở ĐH, cả công lập và ngoài công lập cạnh tranh bình đẳng, thay đổi theo hướng: cấp phát theo đặt hàng. Ai có sức mạnh thì cạnh tranh. Tất nhiên có lộ trình. (Xem chi tiết)

Chương trình giáo dục phổ thông vẫn nặng về kiến thức

Chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết, đánh giá Chương trình Giáo dục Phổ thông (GDPT), sách giáo khoa (SGK) hiện hành của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh Chương trình (CT) GDPT mới phải có tính kế thừa cao, đồng thời phải tạo ra động lực phát triển mới cho GDPT.

Một CT hiện đại theo Bộ trưởng, phải có sự logic, tương tác, kế thừa lẫn nhau giữa các bộ phận. Do đó, trong việc điều chỉnh CT hiện hành, chúng ta cần xem xét theo hướng phát triển năng lực, nhẹ nhàng nhưng không cắt bỏ các nội dung học tập một cách cơ học.

Bộ trưởng yêu cầu những người tham gia xây dựng CT, biên soạn SGK mới quan tâm đến 2 điều kiện quan trọng: đó là đội ngũ giáo viên và điều kiện trường lớp. Tránh tình trạng lệch pha giữa các thành phần tham gia đổi mới. (Xem chi tiết)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...