Sư phạm 'bắt chước' công an, quân đội: Áp dụng được không?

TS Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW
TS Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW
TPO - "Tôi chưa hiểu “điểm sàn” riêng cho sư phạm để giải quyết vấn đề gì! Coi chừng mất công mất sức mà chẳng giải quyết được cái ta muốn. Ấy là chưa nói, nên khẩn trương giao hoàn toàn việc chọn và tuyển sinh cho các trường đại học quyết định, khi ấy đâu có cần điểm sàn chung cho toàn quốc hay toàn ngành nữa?”- TS Vũ Ngọc Hoàng- nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW cho biết.

Có quá nhiều điều bất thường xung quanh bức tranh điểm chuẩn các trường đại học năm nay. Trong khi điểm trúng tuyển các trường khối công an, quân đội, y dược cao ngất ngưởng, mức chuẩn của nhiều trường sư phạm lại tụt dốc thê thảm.

PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Ngọc Hoàng- nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW về vấn đề này.

Để nâng cấp ngành sư phạm đòi hỏi phải có tính toán xa

PV: Năm nay, điểm đầu vào của nhiều trường cao đẳng sư phạm chỉ lấy 9-10 điểm và trường ĐH chỉ lấy bằng điểm sàn. Theo ông, nếu nhìn vấn đề này từ góc độ giáo dục thì sao?

TS Vũ Ngọc Hoàng: Tuyển sinh cho các trường sư phạm mà lấy theo điểm sàn thấp thì đáng buồn cho nền giáo dục nước nhà. Thầy giỏi thì mới có trò giỏi, nhìn chung là vậy. Nhiều nước chọn sinh viên cho sư phạm thường lấy điểm cao, tăng chất lượng đầu vào để chuẩn bị những người thầy chất lượng cao. Nước ta đang có chủ trương phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thì càng phải quan tâm đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, muốn tuyển theo điểm cao thì phải có nhiều người đăng ký vào sư phạm. Muốn vậy thì phải có các giải pháp toàn diện chứ không phải chỉ lấy điểm cao ở đầu vào, như đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện và môi trường làm việc, sự tôn vinh của xã hội, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh…

Chưa chuẩn bị tốt các điều kiện ấy thì không có nhiều người đăng ký theo ngành ấy. Ít người đăng ký mà nếu tuyển theo điểm cao thì không đủ số lượng. Giữa chất lượng và số lượng thì ưu tiên hơn cho chất lượng. Điều đó đúng, nhưng đó mới là nói lý thuyết, còn trên thực tế thì nhiều trường hợp cũng cần một số lượng nhất định. 

Tôi không theo dõi được số lượng và tỷ lệ chọn sinh viên cho sư phạm năm nay là bao nhiêu. Nếu số lượng đăng ký vẫn nhiều, nhưng hầu hết vẫn điểm thấp thì là chuyện khác, tức là ít học sinh giỏi muốn vào sư phạm. Lại cũng phải giải quyết bằng chính sách và môi trường như đã nói ở trên. Vậy là, để nâng cấp ngành sư phạm đòi hỏi phải có tính toán xa và căn bản hơn, còn đối phó có tính chất tình thế trước mắt thì kết quả tất nhiên là hạn chế.

PV: Nếu không thể thay đổi được điểm đầu vào cho sinh viên các trường sư phạm trong tương lai ngắn và trung hạn thì sao, thưa ông?

TS Vũ Ngọc Hoàng: Như đã nói ở trên, phải có kế hoạch trung hạn để nâng cấp ngành sư phạm, nhất là về chính sách, điều kiện và môi trường làm việc, môi trường văn hóa trong ngành và toàn xã hội. Trước mắt phải tìm nhiều biện pháp để bù lại bằng phương pháp đào tạo tốt, nâng năng lực người học. Tất nhiên vẫn chưa thể hy vọng nhiều về những kết quả tốt và có nhanh được.

PV: Có ý kiến cho rằng, như trình độ đại học bây giờ: một là không có tư tưởng, hai là không có thực hành, đầu vào 30 điểm chưa chắc thành giáo viên giỏi? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Vũ Ngọc Hoàng:
Đại học Việt Nam không có tư tưởng và không có thực hành? Theo tôi nghĩ, không sai. Đại học của Việt Nam phải cố gắng rất nhiều về việc đó, yêu cầu của đổi mới phải vậy, phải có tư tưởng và có thực hành, thực học và thực nghiệp, với yêu cầu cao hơn nhiều so với hiện nay. Cuộc sống và yêu cầu phát triển của đất nước đang đòi hỏi như vậy, khẩn thiết lắm.

Công an, quân đội có đặc thù riêng, không thể áp dụng theo

PV: “Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được”. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

TS Vũ Ngọc Hoàng: Sinh viên trong các trường Quân đội và Công an có đặc thù riêng. Không thể áp dụng chung cho tất cả các trường theo kiểu giao chỉ tiêu cứng hằng năm, ưu tiên học phí và cơ quan nhà nước phân công công tác khi ra trường như Quân đội và Công an được.

PV: Trước hàng loạt vấn đề được cho là bất cập sau kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng xã hội cần nhìn nhận, đánh giá một cách bình tĩnh. Trong khi đó, hàng loạt những bất cập trong ngành giáo dục khiến nhiều ý kiến cho rằng nếu không thay đổi nhanh thì công cuộc cải cách sẽ thất bại. Ý kiến của ông về vấn đề này?

TS Vũ Ngọc Hoàng: Tất nhiên là không nên mất bình tĩnh, cái gì cũng vậy. Nhưng bình tĩnh không có nghĩa là trì trệ, chậm chạp. Với tình hình giáo dục như hiện tại, phải hết sức tích cực, tâm huyết, với trách nhiệm cao, không để mất cơ hội và thời gian thêm nữa, thực hiện cho thành công chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Để công cuộc đổi mới được thành công tốt đẹp phải có cách làm đúng, nghĩ cho sâu, phải biết thật rõ ta đang làm cái gì, đây là việc khó, chứ không thể làm cho qua chuyện, không thể làm theo kiểu hình thức, càng không để các “nhóm lợi ích” xen vào, nhân danh đổi mới để kiếm lợi. Còn việc làm chậm hay làm nhanh đều không có kết quả nếu như làm không đúng.

PV: Sang năm 2018, ngành sư phạm sẽ có “điểm sàn” riêng. Vậy theo ông, việc điểm sàn có giải quyết được căn cơ, ngành sư phạm có hấp dẫn trở lại không?

TS Vũ Ngọc Hoàng: Tôi chưa hiểu “điểm sàn” riêng cho sư phạm để giải quyết vấn đề gì! Coi chừng mất công mất sức mà chẳng giải quyết được cái ta muốn. Ấy là chưa nói, nên khẩn trương giao hoàn toàn việc chọn và tuyển sinh cho các trường đại học quyết định, khi ấy đâu có cần điểm sàn chung cho toàn quốc hay toàn ngành nữa?

Cuộc thi quốc gia để chọn sinh viên vào đại học và cao đẳng như hiện nay cũng nên thôi, để cho các trường tự chủ giải quyết, sát hơn với yêu cầu cụ thể từng ngành và từng trường, còn Bộ thì tập trung lo việc quản lý nhà nước. Khi ấy, có thi hay không, thi thì thi thế nào, có điểm sàn hay không, điểm sàn bao nhiêu là phù hợp đối với từng trường…đều do các trường quyết định, Bộ không phải làm thay.

Thế thì Bộ làm gì trong chuyện này? Bộ quan tâm và hướng dẫn xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục, kể cả kiểm định độc lập, kiểm định và công khai kết quả kiểm định cho xã hội biết, cũng như xây dựng các quy định về trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin của cơ sở đào tạo.

MỚI - NÓNG