Sửa điểm hàng loạt tại Hà Giang: Các giám đốc sở giáo dục nói gì?

Sửa điểm hàng loạt tại Hà Giang: Các giám đốc sở giáo dục nói gì?
TP - Bộ GD&ÐT quyết định chuyển từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm với mong muốn đạt được hai mục đích cơ bản: hạn chế tiêu cực và tránh học lệch, học tủ. Trước vụ việc sửa điểm hàng loạt tại kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Giang vừa bị phanh phui, giám đốc sở GD&ÐT các địa phương nói gì?

Ông Nguyễn Văn Phê, giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên:

Nếu thực hiện đúng quy trình sẽ vô hiệu hóa được tiêu cực   

Tất cả các quy trình chấm thi giám đốc Sở GD&ÐT đều phải kiểm soát. Vì các bộ phận đều có trưởng ban, phó ban để giám sát tất cả.  Ông Phê cho rằng, hiện nay các quy định của Bộ đều rất chuẩn. Nếu thực hiện đầy đủ theo đúng quy trình thì sẽ vô hiệu hóa được tiêu cực.

Ông Nguyễn Xuân Trường, giám đốc sở GD&ĐT Hải Phòng:

Những người có trách nhiệm phải nắm chắc quy trình

Sửa điểm hàng loạt tại Hà Giang: Các giám đốc sở giáo dục nói gì? ảnh 1
 

Qua báo chí thì có thể thấy, cách giao việc của Hà Giang là không đúng với quy chế thi THPT quốc gia. Bản thân những người có trách nhiệm phải nắm chắc quy trình, bám vào quy chế để thực hiện.

Ðể địa phương thi là đúng. Vì đỡ tốn kém cho học sinh, phụ huynh, giảm áp lực giao thông lên các thành phố lớn.  Vấn đề là phải quản lý chặt chẽ và đúng quy trình thì mới ổn.  Với bất kỳ khâu nào của kỳ thi, nếu cán bộ quản lý có ý định tiêu cực thì đều có lỗ hổng, không riêng khâu chấm.  Ðiều này đặt trách nhiệm lên vai người quản lý. Người quản lý phải phòng trước được tất cả tiêu cực bằng quy định quy chế, không phải đợi vào sự tự giác, tự nguyện của người thực hiện.

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa:

Cần chấm thẩm định lại một số địa phương

Sửa điểm hàng loạt tại Hà Giang: Các giám đốc sở giáo dục nói gì? ảnh 2
 

Sau khi có kết quả thi, tôi rất buồn vì Thanh Hóa có gần 35.000 thí sinh dự thi nhưng ở các môn Toán, Vật lý, Hóa, Anh… đều không có điểm 10 nào, ngoại trừ môn Giáo dục công dân. Tuy nhiên, sau sự việc ở Hà Giang, tôi lại thấy thanh thản vì mình đã làm rất nghiêm túc.

Tôi khẳng định, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Trước trong và sau kỳ thi, chấm thi đều phải quán triệt rõ từng khâu. Ví dụ, trong khâu chấm trắc nghiệm quy định ra vào thế nào, mở cửa phòng niêm phong, phòng máy, công an ngồi vị trí nào, ai đang làm việc gì… tôi đều theo dõi sát từng việc một qua camera. Nếu lãnh đạo sát sao, thì không thể có chuyện một cán bộ khảo thí lại có thể qua mặt được để làm việc đó.

Trong sự việc ở Hà Giang, tôi đặt câu hỏi: “Lực lượng thanh tra Bộ GD&ÐT, thanh tra các trường ÐH, công an ở đâu? Sự việc này đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của học sinh, phụ huynh, giáo viên" .

Ngoài ra, bà Hằng cũng cho rằng, hiện nay sau sự việc ở Hà Giang, dư luận đang quan tâm đến các địa phương có điểm thi cao như Sơn La. Do đó, Bộ GD&ÐT cần chấm thẩm định lại một số địa phương từ dữ liệu gốc để lấy kết quả đối sánh.

Nếu không có những bất thường trong điểm thi ở Hà Giang thì gần 1 triệu bài thi sẽ nằm im lìm trong kho dữ liệu, không ai phát hiện ra điều gì. Hoặc nếu Hà Giang chỉ làm không nghiêm túc 1-2 trường hợp cũng khó có thể phát hiện ra.

Theo nhà giáo Trần Hữu Ðộ, nguyên chánh thanh tra Sở GD&ÐT Hải Phòng, trong các công đoạn của chấm thi, có một số công đoạn và “điều kiện” có thể nảy sinh tiêu cực. Thứ nhất là công đoạn kiểm dò lỗi bài thi trắc nghiệm. Công đoạn này có thể sửa được đáp án bài thi.  Vì phiếu trả lời trắc nghiệm có đầy đủ số báo danh, họ tên thí sinh.  Thứ hai, số người tham gia vào khâu kiểm dò cũng như mọi khâu của chấm thi trắc nghiệm quá ít người nên thỏa thuận rất dễ. Thứ ba, sau khi chấm, khâu nhập điểm thi vẫn có thể sửa được điểm bài thi vì không có ai kiểm tra lại. Trừ những trường hợp quá bất thường hoặc có đơn thư.

Từ những kẽ hở này, nhà giáo Trần Hữu Ðộ đề xuất, từ năm sau,  Bộ  GD&ÐT có thể chấm song song cùng với các sở vì Bộ hoàn toàn có dữ liệu gốc do các Sở GD&ÐT gửi về.

MỚI - NÓNG