Sửa đổi Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học: Nhiều bất cập chưa được điều chỉnh

PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UB VHGDTTN&NĐ Quốc hội phát biểu tại hội nghị.
PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UB VHGDTTN&NĐ Quốc hội phát biểu tại hội nghị.
TP - Tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH do Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức sáng qua (15/12), nhiều vấn đề bất cập lâu nay trong giáo dục phổ thông và đại học, theo các chuyên gia, vẫn chưa thấy được điều chỉnh trong Dự thảo luật sửa đổi lần này.

Vẫn nền giáo dục ứng thí?

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, GDPT hiện đang khá đắt đỏ đối với nhiều người dân. Cần phải đưa vào Luật thế nào để giảm bớt áp lực, gánh nặng cho người dân khi họ đưa con tới trường. Ông Dong chỉ ra một số điều bất cập như, giáo dục chưa kết nối được với thị trường lao động, ít có hướng nghiệp cho học sinh, không có ý tưởng về khởi nghiệp, trong khi những vấn đề này rất quan trọng để có sản phẩm đầu ra tốt.

GS.TS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, có một điều không được đem vào sửa đổi, bổ sung trong Luật giáo dục, nhưng nếu xem xét được sẽ rất tốt. Đó là bản chất nền giáo dục nước ta từ trước đến nay vẫn là giáo dục ứng thí. Bất cứ đổi mới nào cũng gặp “hòn đá tảng” thi cử. Đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn loay hoay về thi cử. Theo ông Kiều, trong chương trình GDPT mới, nên cân nhắc về mục tiêu chú trọng phát triển nhân cách của trẻ. “SGK phổ thông yêu cầu cụ thể hóa phẩm chất và năng lực của học sinh tuy nhiên tôi cho rằng không có tác giả nào có thể viết được mà phẩm chất học sinh là kết quả của quá trình học tập”, ông Kiều nói.

Trong khi đó, ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho rằng, hiện nay chúng ta đang áp dụng một chương trình, một bộ sách giáo khoa, cách thi cử, các hoạt động giáo dục và phương pháp giáo dục cho mọi đối tượng học sinh. Trong khi đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội, điều kiện giáo dục, trình độ học sinh ở mỗi địa phương rất khác nhau dẫn đến không hiệu quả. Giáo dục trong nhà trường bị biến dạng so với mục tiêu và kỳ vọng của cha mẹ học sinh và xã hội. “Nhưng các địa phương, nhà trường và thầy cô không thể làm khác được vì áp lực của những con số báo cáo. Và để có báo cáo đẹp thì buộc phải làm xiếc với những con số. Vô hình trung đã đẩy thầy cô và học trò vào guồng máy không mong muốn là thiếu trung thực”, ông Đạt nói.

Vì thế, các địa phương cần thiết được chủ động về chương trình, SGK trong khuôn khổ chương trình của Nhà nước. Dựa trên chương trình của nhà nước, các địa phương, nhà trường và đặc biệt là giáo viên đứng lớp được phép thay đổi để phù hợp với mỗi đối tượng học sinh. Chỉ người giáo viên trực tiếp đứng lớp mới biết học sinh của mình cần gì và có khả năng tiếp thu đến đâu. “Không phải tự nhiên mà các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới vẫn “địa phương hóa” chương trình giáo dục. Ở Úc chương trình khác nhau giữa các bang. Ở Mỹ thậm chí khác nhau đến cấp quận”, ông nói.

Bà Nguyễn Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, về  SGK, Bộ GD&ĐT có chủ trương làm một chương trình, nhiều bộ SGK, tuy nhiên Bộ phải có chỉ đạo để các đơn vị đăng ký và bộ giữ vai trò thẩm định. Theo bà Tâm Đan, Bộ không nhất thiết phải làm một bộ SGK mà nên để các cá nhân, tổ chức bình đẳng làm một bộ sách riêng.

Chỉ miễn học phí cho SV sư phạm khi làm đúng nghề

Một nội dung nữa đang thu hút sự quan tâm của dư luận đó là miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Về nội dung này trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, PGS.TS Nguyễn Trường Giang, Bộ Tài chính cho rằng thực tế thời gian qua cho thấy quy định này có một số bất cập. Sinh viên sư phạm, sinh viên các ngành chuyên môn đặc thù không phải đóng học phí, ngân sách nhà nước cấp bù kinh phí đào tạo cho các cơ sở giáo dục ĐH tương ứng mức học phí cho sinh viên. Tuy nhiên khi sinh viên tốt nghiệp, nhà nước không sắp xếp (điều động) được việc làm cho sinh viên. Sinh viên sư phạm không kiếm được việc làm trong các cơ sở giáo dục đào tạo. Điều này dẫn đến thực tế lãng phí về nguồn lực ngân sách nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội.

“Do đó, để khắc phục những tồn tại nêu trên đề nghị nghiên cứu sửa đổi về chính sách miễn học phí  đối với người học ngành sư phạm theo hướng: Sinh viên học sinh phạm sẽ được vay tín dụng nhà nước để trang trải học phí. Sau khi học nếu công tác trong lĩnh vực sư phạm đáp ứng đủ điều kiện thời gian theo quy định thì sẽ được miễn hoàn trả phần vay. Trường hợp không công tác trong ngành sư phạm sẽ phải hoàn trả tiền vay” - PGS. TS Nguyễn Trường Giang đề xuất.

Bỏ phân biệt chính quy - tại chức, không ổn!

Liên quan đến hình thức đào tạo của giáo dục ĐH ở điều 6, sửa đổi, bổ sung các hình thức đào tạo, theo PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đây là hướng đi đúng và tiếp cận với xu hướng chung. Nhưng xã hội Việt Nam sính bằng cấp, coi trọng bằng cấp không coi trọng tố chất năng lực. “Vấn đề này cũng có căn nguyên của nó. Đó là vì hai hệ này khác nhau hoàn toàn từ hình thức tuyển sinh đến quy định. Đặc biệt những năm gần đây, do chất lượng  đào tạo hệ vừa học vừa làm có vấn đề nên một số địa phương không tuyển dụng” - PGS Trần Văn Tớp cho hay.

Do đó,  PGS Trần Văn Tớp cho rằng trong hoàn cảnh, bối cảnh hiện nay của chúng ta, rất khó thống nhất một loại văn bằng. Bởi hiện tại giữa hai loại hình đào tạo này vẫn còn khoảng cách do cách thức tuyển sinh, quản lý đào tạo và cả quan niệm của xã hội, người học và các cơ sở đào tạo.

Thêm nữa, nếu các trường muốn đảm bảo chất lượng đào tạo 2 hệ này, đảm bảo chuẩn và chất lượng đầu ra như chính quy thì cần tuyển sinh chặt chẽ như tuyển sinh ĐH tập trung và đạt điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng. “Nếu như vậy thì sẽ rất khó tuyển sinh, thậm chí không tuyển sinh được. Ngay cả khi tuyển sinh được thì khả năng tốt nghiệp cũng thấp do áp dụng thi cử, đánh giá như hệ tập trung” - PGS Trần Văn Tớp nói.

Phát biểu kết thúc hội nghị, PGS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UB VHGDTTN&NĐ Quốc hội đã đặt ra một số vấn đề đối với ban soạn thảo Luật của Bộ GD&ĐT. Trong đó, ông yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ hệ thống luật có ảnh hưởng đến Luật Giáo dục ĐH, vấn đề kiểm soát tự chủ như thế nào. Hiện nay đang có hiện tượng các tập đoàn tài chính đang nắm các trường tư thục. “Cần nhìn nhận hệ thống giáo dục là hệ thống phức tạp và không dễ nhìn nhận ở bất kỳ một nước nào” - PGS Phan Thanh Bình nói.

“Ở Việt Nam, các môn khoa học xã hội tại các trường kỹ thuật, công nghệ đã 12 tín chỉ, chiếm gần hết 1 học kỳ. Nếu đào tạo ĐH 3 năm tôi e rằng sẽ khó đạt được mục tiêu đào tạo và chuyên môn trong 2,5 năm còn lại”.

 PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội

MỚI - NÓNG